Ngày Vía Thần Tài 2022: Tránh 5 điều nếu không muốn tài lộc tiêu tán
(Thethaovanhoa.vn) - Chỉ còn 1 ngày nữa là đến ngày Vía Thần Tài (mùng 10 Tháng Giêng Âm lịch, tức 10/2/2022).
Vào thời điểm này, nhiều gia đình, nhất là các hộ kinh doanh đang tất bật chuẩn bị lễ vật để cúng Thần Tài, cầu 1 năm mới làm ăn phát đạt, ấm no đủ đầy. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết những điều kiêng kị cần tránh để đón tài lộc cả năm.
Không được để bàn thờ lộn xộn
Dân Trí cho hay, bàn thờ Thần Tài nên là chiếc khảm nhỏ được sơn son thếp vàng, bên trong có đặt bài vị Thần Tài. Bát hương được đặt trên khay giấy vàng, phía trước bài vị; 2 bên là 2 cây đèn nhỏ và 1 khay nước gồm 2 chén rượu, 3 cốc nước.
Một số người thường đặt mâm cúng ở ban công, ngoài sân hay trước cửa. Trên thực tế, việc cúng bái ngoài cửa hoặc ngoài sân được cho là không tốt bằng việc đặt mâm cúng trong nhà.
Báo Đất Việt cho biết thêm, hiện một số gia đình còn chuẩn bị thêm tượng Thổ Địa và tượng ngài Triệu Công Minh. Trong đó, tượng Thần Tài đặt bên trái, ông Thổ Địa bên phải và ngài Triệu Công Minh nằm ở giữa, tuyệt đối không được để lộn xộn. Tiếp đến, đặt thêm 3 hũ rượu, muối và gạo. Gia đình nào có điều kiện có thể chuẩn bị Bát Tụ Bảo - vốn được coi là vật quý của Thần Tài, có khả năng tụ lộc, chiêu tài, mang về may mắn và gia tăng cát khí.
Phải tịnh sái tượng Thần Tài trước khi làm lễ cúng
Trong quan niệm dân gian, việc tịnh sái, làm sạch cho tượng thần và bàn thờ có ý nghĩa quan trọng khi thể hiện sự thành tâm, tín ngưỡng của gia chủ, giúp chủ nhà được thần linh phù hộ. Trước khi thực hiện lễ cúng, cần làm sạch toàn toàn bộ bàn thờ bằng nước gừng hoặc nước hoa bưởi, sau đó dùng khăn khô lau một lần nữa trước rồi mới đặt đồ lên bàn thờ.
Không đem lộc cúng vía Thần Tài cho người ngoài
Một số gia đình có thói quen đem đồ cúng để tán lộc cho họ hàng, bạn bè. Tuy nhiên, tuyệt đối không được chia lộc trong ngày vía Thần Tài bởi điều này có thể khiến lộc của mình tiêu tán hết. Bên cạnh đó, sau khi cúng lễ, gia chủ nên cất muối gạo đi, còn nước thì phải hắt từ ngoài vào trong nhà, với ngụ ý tài lộc chỉ đi vào chứ không ra.
Không sử dụng đèn nháy hoặc bóng đèn điện, không cúng hoa quả giả
Trong ngày này, việc dùng đèn nháy hoặc đèn điện là điều kiêng kị, bởi ánh đèn từ những thiết bị này có thể làm nảy sinh những trường khí không tốt, gây ảnh hưởng tới việc thờ cúng. Thay vào đó, mọi người nên thắp sáng bàn thờ bằng nến, đèn dầu thông thường. Ngoài ra, cần thành tâm cúng bái để tránh xảy ra sơ suất đổ vỡ, giúp lễ cúng diễn ra suôn sẻ.
Đồng thời, nên cúng đồ mặn như gà, lợn quay, hoa quả tươi. Cần lưu ý không dùng hoa quả giả. Hoa nên là loại có nụ và có hương thơm; quả phải tươi ngon, thường là chuối, cam, táo, lê, quýt.
- Ngày vía Thần Tài 2022: Mâm cúng và bài cúng ngày vía Thần Tài để đón tài lộc
- Những điều nên làm và điều kiêng kỵ trong ngày vía Thần Tài 2022
- Ngày vía Thần Tài năm 2022: Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày vía Thần Tài
Không được nói tục, để xảy ra xô xát
Trong ngày 10 tháng Giêng Âm lịch, nhất là trước và sau khi thực hiện cúng lễ, mọi người không nên gây chuyện cãi vã, “động tay động chân” hay mắng mỏ, nói lời thô tục… Báo Đất Việt cho biết, nếu gia đạo bất an, thần linh sẽ quở phạt, tài lộc vì thế cũng tiêu tán hết.
Theo tìm hiểu, Thần Tài vốn là vị thần trông coi tiền tài cho gia chủ trong tín ngưỡng phương Đông. Hi vọng những thông tin trên sẽ giúp các bạn có cái nhìn rõ nét hơn về cách sửa soạn, cúng lễ trong ngày đặc biệt này.
* Thông tin trong bài mang tính tham khảo.
Diệp Ninh