Ngày thơ Việt Nam ở Văn Miếu: 'May mà không có chuyện cướp thơ'
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày thơ Việt Nam ở Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) năm nào cũng thu hút hàng nghìn người, nhiều người đến với tinh thần “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Nhưng lễ hội này không có tranh cướp, vì "thơ không mang lại lợi lộc gì".
Các lễ hội đầu năm thường nóng chuyện cướp lộc, cướp phết, cướp ấn… Nhưng có một lễ hội đặc biệt không có lộc thánh, không có nghi lễ cầu may, đó là Ngày thơ. Ngày thơ Việt Nam lần thứ 13 năm nay diễn ra tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội vào sáng 5/3 (Rằm tháng Giêng).
Thơ thì ai “thèm” cướp
Năm nay, Ngày thơ diễn ra trong mưa phùn, khán giả không đông đặc khắp Văn Miếu như mọi năm nhưng vẫn gần như phủ kín hai sân thơ chính. Năm nay, các tác phẩm trưng bày thơ rất ít ỏi ngoài bóng đỏ treo thơ, vài cái cây và 3 bức tượng nhỏ dán thơ.
Ngày thơ diễn ra đồng thời với Hội nghị Quốc tế Quảng bá Văn học Việt Nam và Liên hoan thơ Châu Á Thái Bình Dương. Đây là chuỗi sự kiện “3 trong 1” do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, có 151 đại biểu quốc tế từ 43 quốc gia. Nhiều công chúng Ngày thơ không biết điều này, nên khi dạo quang Giếng Thiên Quang, nơi trưng bày ảnh các đại biểu quốc tế, có người kêu: “Sao toàn nước ngoài thế này?”.
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến (phải) được tặng bức thư pháp bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển của ông, viết theo hình chữ bản đồ Việt Nam với đủ hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Ảnh: Mi Ly.
“Tôi đến Ngày thơ với tinh thần lễ hội đầu xuân, tháng Giêng là tháng ăn chơi mà” – Hoàng Hoa, một phụ nữ dẫn 2 con đi “lễ hội”, nói với Thể thao & Văn hóa. “6 năm nay, năm nào tôi cũng dẫn con đi, chủ yếu là vui chơi, ngắm cảnh, thưởng thức không khí văn hóa. Tôi không đọc thơ nhiều nhưng cũng biết và yêu thích những nhà thơ lớn của Việt Nam, nhất là Nguyễn Bính”.
“Với tôi, Ngày thơ là một kiểu lễ hội, dù không có truyền thống hàng trăm năm. Trong các lễ hội đầu Xuân, tôi vẫn thích dẫn con đi xem Ngày thơ vì ở đây có sách, có thơ ca, cảnh đẹp và may mắn là không có chuyện tranh cướp lộc cầu may. Tôi muốn các con cảm nhận tinh thần văn hóa chứ không phải sự tranh đua” – chị Hoa nói và đùa: “Có lẽ thơ không mang lại lợi lộc gì nên chẳng ai thèm cướp”.
Trống giong cờ mở và hụt hẫng
Trong bài phát biểu khai mạc Ngày thơ, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhấn mạnh: “Thơ ca có khả năng kỳ diệu thu hẹp mọi khoảng cách”. Bên cạnh tính ngoại giao, Ngày thơ năm nay có chủ đề “Hướng về biển đảo”.
Nhưng vì diễn ra đồng thời với một hội nghị văn học và một liên hoan thơ, Ngày thơ được chuẩn bị khá sơ sài so với mọi năm. Không còn sân thơ chính và sân thơ trẻ với chủ đề riêng như mọi năm, Ngày thơ năm nay có hai sân thơ ngoài và trong, với chủ đề không rõ nét. Ở cả hai sân khấu đều đọc thơ xen kẽ giữa Việt Nam và quốc tế, cùng các tiết mục văn nghệ.
Các tác giảThái Lan đọc thơ bằng tiếng Thái và tiếng Anh. Ảnh: Thu Hiền.
Ngoại ngữ vẫn là vấn đề nan giải. Vì các tác giả đọc thơ bằng nhiều thứ tiếng, người phiên dịch phải làm việc khá vất vả, có lúc phải xin lỗi khán giả vì không thể dịch hay được. Một nhà thơ người Oman nói với Thể thao & Văn hóa: “Tôi nghe được tiếng Anh nên bài nào được dịch thì có thể hiểu tương đối, còn thứ tiếng khác thì chịu”. Như vậy, có thể “thơ ca kỳ diệu” nhưng Ngày thơ thì chưa kỳ diệu lắm.
Vắng sân thơ trẻ với những màn trình diễn thơ kết hợp kể chuyện, diễn xuất… cũng để lại sự hụt hẫng. Nhà thơ Nguyễn Minh Cường, người mọi năm vẫn đọc thơ trên sân khấu sân thơ trẻ, cho biết anh cùng các bạn thơ Phan Huyền Thư, Nguyễn Anh Vũ, Lữ Mai, Lê Minh Đạt, Du Nguyên… sẽ gặp gỡ trong Ngày thơ để làm một “Ngày thơ riêng” của các nhà thơ trẻ.
“Người làm thơ thích ngồi quây quần trò chuyện đọc thơ, thân tình và nhẹ nhàng. Hội nghị và liên hoan thơ hơi “trống giong cờ mở”. Mỗi năm sân thơ trẻ đều bị đòi hỏi năm sau phải hay hơn năm trước nên chúng tôi chịu rất nhiều áp lực. Năm nay không có nên cũng nhàn hạ hơn” – anh nói.
Nhà thơ Trần Nhương mở "quán văn" để vẽ ký họa và bán sách mới của ông, tiểu thuyết trào phúng Kim kổ kỳ koặc ký. Ảnh: Mi Ly.
Các tác giả nước ngoài đến Việt Nam dự chuỗi sự kiện văn chương từ ngày 2/3 đến 7/3, theo quan sát của Thể thao & Văn hóa, đến Ngày thơ sáng 5/3, tức là qua 3 ngày tham dự và sau chuyến đi đến Quảng Ninh dự Liên hoan thơ, một số đại biểu nước ngoài đã vắng mặt tại Ngày thơ, hoặc đến sớm dự một chút rồi ra về.
Khách nước ngoài lần đầu dự Ngày thơ nên có đánh giá tích cực. “Tôi rất bất ngờ trước lòng yêu thơ của người Việt Nam vì đất nước chúng tôi không có sự kiện nào như Ngày thơ cả” – nhà văn, dịch giả Igor Britov cho biết cảm tưởng. “Tôi tưởng các nhà thơ thường nghèo, nhưng qua quy mô của Ngày thơ và Liên hoan thơ ở cả Hà Nội, Quảng Ninh và Bắc Ninh, tôi thấy Việt Nam rất đầu tư cho thơ ca”.
Một số hình ảnh tại Ngày thơ Việt Nam 2015:
Các đại biểu quốc tế theo dõi đọc thơ ở sân thơ phía ngoài
Thơ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được chọn để thả lên trời.
Thơ treo bóng bay trưng bày quanh Giếng Thiên Quang.
Thơ trên đàn tỳ bà, trời mưa nên hơi ướt.
Hai câu thơ của nhà thơ Thanh Thảo.
Thơ Tagore dán trên cây.
.
Gian thơ của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng có biển quảng cáo hãng nước mắm.
Mi Ly
Ảnh: Mi Ly - Thu Hiền