Ngày phim chiến tranh Việt Nam khiến người Ý xúc động
(Thethaovanhoa.vn) - Annamaria đã mang theo cả con gái nhỏ của cô đến "Ngôi nhà điện ảnh" để xem các bộ phim Việt Nam được làm trong chiến tranh. Cô nhân viên của một ngân hàng lớn của Rome tin rằng, đấy là một cơ hội hiếm hoi để được xem các phim do chính các đạo diễn Việt Nam làm trong những năm tháng khốc liệt nhất của cuộc chiến.
Cô nói: "Giới trẻ chúng tôi hầu như không có cơ hội nào để được xem những phim ấy. Truyền hình Ý chỉ chiếu những trích đoạn phim về cuộc chiến tranh Việt Nam, nhưng theo góc nhìn của Phương Tây. Tôi muốn có một cái nhìn toàn diện hơn, và hôm nay, tôi đã toại nguyện".
Từ trái sang, nhà nghiên cứu điện ảnh Giandomenico Curi, Đại sứ Việt Nam tại Italy Nguyễn Hoàng Long và ông Giorgio Gosetti, Giám đốc "Ngôi nhà điện ảnh Italy", trước buổi chiếu phim của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Ảnh: Đức HòaAnnamaria Francini là một khán giả trẻ trong số rất nhiều người Italy đã ngồi gần chật kín phòng chiếu của trung tâm điện ảnh nổi tiếng nằm trong công viên Villa Borghese, với những phòng chiếu đặc biệt dành riêng cho những buổi chiếu phim theo chủ đề. Chiến tranh Việt Nam là chủ đề lớn của một tháng phim liên tục được chiếu trong 8 buổi ở "Ngôi nhà điện ảnh", do Quỹ tư liệu hình và tiếng của Phong trào Công nhân và dân chủ Italy (AAMOD), Cục điện ảnh Italy, Bari Film Festival và các chính quyền vùng Lazio và thủ đô Rome tổ chức, nhân kỉ niệm 40 năm ngày kết thúc chiến tranh Việt Nam.
31 phim tài liệu và phim truyện được làm trong khoảng thời gian 40 năm, trong và sau cuộc chiến, từ 1963 đến 2003, được chiếu chia thành những buổi khác nhau theo tác giả, như ngày chiếu phim của các đạo diễn người Pháp và Hà Lan làm ở Việt Nam những năm khốc liệt nhất của cuộc chiến, ngày chiếu phim của các nhà làm phim người Mỹ, người Cuba, người Italy. Đặc biệt nhất là có một ngày chiếu các phim của điện ảnh cách mạng Việt Nam vào hôm 21/4, với 6 phim, gồm Cô giáo Hạnh (1966), Du kích Củ Chi (1967), Tổng tấn công Tết Mậu thân (1969), Đường ra trận (1969), Những người dân quê tôi (1971) và Em bé Hà Nội (1974). Các phim này hầu như chưa từng được chiếu đầy đủ truyền hình Italy cũng như ở các rạp chiếu phim và chưa đến với những người thuộc thệ hệ trẻ Italy như Annamaria.
Đối với Annamaria, một góc nhìn từ phía những người làm phim Việt Nam là điều mà cô còn thiếu. "Tôi đã xem một số phim của Mỹ làm về chiến tranh, nhưng tôi muốn xem các phim do Việt Nam làm, để được nhìn thấy tận mắt những người anh hùng, rất nhiều trong số đó là nông dân", cô nói. "Những thước phim đen trắng được làm trong chiến tranh ấy chính là sự thể hiện chân thực về một phía của cuộc chiến. Tôi khâm phục các bạn". Cũng giống như Annamaria, bà Paola Vivian chưa từng được xem phim do các đạo diễn Việt Nam làm trong những năm chiến tranh. Hết sức xúc động và mắt ngấn nước rời phòng chiếu sau khi kết thúc phim "Em bé Hà Nội", bà nói rằng, những bộ phim đã xem trong ngày phim đặc biệt của điện ảnh cách mạng Việt Nam cho bà thấy rõ hơn tại sao Mỹ đã không thể thắng trong cuộc chiến này. "Bởi vì những người dân Việt Nam là những người anh hùng", bà nói.
Áp phích của tháng phim về chiến tranh Việt Nam ở "Ngôi nhà điện ảnh" tại RomeÝ tưởng tổ chức một tháng phim về chủ đề chiến tranh Việt Nam, với nhiều phim chưa được chiếu cho công chúng Italy, cung cấp cái nhìn từ nhiều phía khác nhau về cuộc chiến này, do Giandomenico Curi, nhà nghiên cứu và phê bình phim hàng đầu của Italy, khởi xướng. Nghiên cứu và sưu tầm các phim về chiến tranh Việt Nam từ lâu, dựa trên các tư liệu của AAMOD, hiện đang lưu giữ nhiều tài liệu về chiến tranh Việt Nam nhất ở Châu Âu, ông Curi đã tổ chức tháng phim này, với hy vọng giúp cho công chúng Italy hiểu rằng: "Việt Nam không chỉ là tên của một cuộc chiến tranh, mà là tên của một dân tộc anh hùng và một đất nước yêu hòa bình".
Ông nói: "Rất nhiều bạn trẻ Italy không hiểu được sự tàn khốc của chiến tranh nói chung và chiến tranh Việt Nam nói riêng, vì họ không sinh ra trong chiến tranh và cũng chưa từng phải chứng kiến. Hiểu được sự tàn khốc của chiến tranh thì sẽ hiểu được ý nghĩa của hòa bình".
Ông Quan Vinh là người đã dịch phụ đề tiếng Ý cho các phim này. Người Việt kiều đã sống hơn 40 năm ở Italy này chính là người đã từng sống qua những năm tháng quyết liệt nhất của cuộc chiến, đã hạnh phúc và sung sướng biết bao khi cuộc tranh kết thúc, đất nước thống nhất. Ông luôn có mặt trong những hoạt động văn hóa của Việt Nam ở Italy, và ông hy vọng, với việc làm phụ đề cho các phim Việt Nam phục vụ công chúng Ý, ông sẽ góp phần giúp họ hiểu hơn về Việt Nam.
Tháng phim về chiến tranh Việt Nam sẽ khép lại vào ngày 30-4, tròn đúng dịp 40 năm ngày cuộc chiến kết thúc, với hai phim của các đạo diễn người Italy thực hiện ở Việt Nam năm 1975, là phim tài liệu Việt Nam, những ngày chiến thắng của các tác giả cánh tả Bertini và Bolli, và phim "Việt Nam, quang cảnh hậu chiến" của đạo diễn nổi tiếng Gregoretti.
Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)