Ngày Nhà giáo Việt Nam: Đề xuất nhiều chính sách đối với giáo viên
Ngày 18/11, Viện Phát triển chính sách Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh công bố kết quả Đề án "Nghiên cứu đời sống của giáo viên khu vực Nam Bộ: Thực nghiệm tại tỉnh Bình Thuận, Tây Ninh và Hậu Giang".
Cùng với phỏng vấn nhà quản lý, Đề án khảo sát diện rộng hơn 12.500 giáo viên các cấp nội dung liên quan đến thu nhập, đời sống, áp lực, động lực theo nghề… ở 3 địa phương nêu trên vào tháng 9 và tháng 10/2024 (thời điểm chính sách tiền lương mới đã có hiệu lực).
Kết quả cho thấy, thu nhập từ nghề giáo tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu chi của gia đình giáo viên. Trước thực trạng này, một bộ phận giáo viên phải làm thêm các ngành nghề phụ như nông nghiệp, kinh doanh nhỏ, bán hàng online, giao hàng… Đa phần giáo viên cảm thấy quá tải trong công việc và có ít thời gian nghỉ ngơi, giải trí.
Một điều khá bất ngờ từ kết quả khảo sát cho thấy, giáo viên ít bị áp lực liên quan đến công việc chuyên môn hay thời gian giảng dạy mà áp lực lớn nhất từ phụ huynh học sinh. Bởi, nhiều phụ huynh đặt kỳ vọng quá cao, thường xuyên can thiệp sâu vào công việc giảng dạy, thậm chí gây áp lực về điểm số. Đáng lo ngại hơn, một số phụ huynh còn có những hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến thầy, cô. Nhiều giáo viên đối mặt tình trạng bị đe dọa hay bôi nhọ danh dự trên mạng xã hội.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng, vấn đề dạy thêm trong ngành giáo dục cần nhìn nhận đa chiều. Bởi ngoài một số trường hợp "con sâu làm rầu nồi canh" trong hoạt động dạy thêm hiện nay, nhu cầu học thêm là có thật và chính đáng. Chính vì vậy, đa phần giáo viên bày tỏ nguyện vọng được hợp pháp hóa việc dạy thêm, bao gồm cả dạy thêm ở nhà và dạy thêm online để tăng thu nhập từ chính năng lực của mình nhưng vẫn giữ được hình ảnh cao quý của nghề giáo trong mắt học sinh, xã hội.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, giáo viên hài lòng cao nhất với môi trường làm việc và hài lòng thấp nhất với mức thu nhập. Yêu nghề, yêu trò là lý do quan trọng nhất để giáo viên gắn bó không phải thu nhập hay chính sách đãi ngộ. Có đến 99% giáo viên được phỏng vấn trả lời rằng nếu có cơ hội được chọn lại nghề, họ vẫn chọn lại nghề giáo. Chính sách quan trọng nhất giáo viên mong muốn là ưu đãi về tài chính, tiếp đến là giảm tuổi hưu, tăng thu nhập và giảm rào cản trong thăng hạng giáo viên.
Từ kết quả khảo sát trên, Viện Phát triển chính sách Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra một số đề xuất về chính sách cho nhà giáo, nhất là trong dự thảo Luật Nhà giáo. Trong đó, để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện chính sách tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo như đề xuất trong dự thảo Luật Nhà giáo cần đánh giá tổng thể nguồn lực và đặt trong mối quan hệ với tiến trình về cải cách tiền lương để khi triển khai trên thực tế được khả thi.
Cùng với đó, việc tôn trọng, bảo vệ nhân phẩm, danh dự, thân thể của giáo viên phải đặt lên hàng đầu và đưa nội dung này thành một mục lớn riêng trong Điều 8 của dự thảo Luật. Đồng tình với nội dung về tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non, giáo viên trường lớp dành cho người khuyết tật trong dự thảo Luật Nhà giáo, nhóm nghiên cứu đề xuất ban soạn thảo cân nhắc thêm điều kiện để giáo viên các cấp còn lại được nghỉ hưu sớm hơn so với tuổi nghỉ hưu hiện hành 2 năm khi có nhu cầu.
Trong quản lý dạy thêm học thêm, cần xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng, cơ chế minh bạch, công khai trong việc dạy thêm để lãnh đạo nhà trường, phụ huynh học sinh và cộng đồng cùng giám sát. Ngoài ra, cần tập trung các giải pháp từ nhiều bên liên quan để nâng cao chất lượng giảng dạy, giảm tình trạng học thêm không cần thiết thay vì tập trung cấm đoán.
Nhóm nghiên cứu đề xuất Nhà nước ban hành chính sách ưu đãi về tài chính (vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi dựa vào thâm niên công tác hoặc cam kết số năm công tác đối với giáo viên trẻ); xây dựng Quỹ hỗ trợ tài chính quốc gia cho giáo viên trẻ, giáo viên môn đặc biệt, giáo viên tài năng, giáo viên vùng đặc biệt….