Ngày mai, trao giải Cánh diều 2024: "Thành phố điện ảnh" Nha Trang nâng cánh diều bay cao
Với mong muốn làm mới hình ảnh giải thưởng thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam, khởi đầu từ năm 2002, sau 18 lần sự kiện diễn ra luân phiên tại Thủ đô Hà Nội và TP.HCM, năm 2021, lần đầu tiên Giải thưởng Cánh diều được tổ chức tại Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Qua 2 mùa, giải thưởng này đã được đổi mới trong cách trao giải, đặc biệt đã minh chứng đầy sức thuyết phục, hứa hẹn mảnh đất hiền hòa này sẽ trở thành Thành phố điện ảnh trong tương lai rất gần.
1. Sau hai thập niên, Cánh diều đã khẳng định vị thế của một giải thưởng nghệ thuật, góp phần tôn vinh thành quả sáng tạo nghệ thuật điện ảnh - truyền hình, là một trong những sự kiện văn hóa có sức hấp dẫn hằng năm, được người làm nghề cùng đông đảo công chúng và truyền thông quan tâm, đón đợi. Đặc biệt, Cánh diều năm 2023 đã lọt top 10 sự kiện văn hóa nghệ thuật tiêu biểu năm 2023.
Cánh diều lần thứ 21 diễn ra tại Nha Trang từ ngày 3/9 đến 10/9, với nhiều chuỗi sự kiện đặc sắc được tổ chức trước và trong tuần lễ trao giải thưởng gồm: chuỗi talk show các tác phẩm tham gia Cánh diều 2024 trên fanpage của Trung tâm Phát triển điện ảnh (Hội Điện ảnh Việt Nam); 18 phim truyện điện ảnh được chiếu miễn phí tại các điểm: Lotte Cinema Nha Trang, Beta Cineplex Nha Trang từ ngày 6 -10/9 (khung giờ 8h30 và 10h30); hội thảo "Điện ảnh Việt Nam từ khi đất nước thống nhất: 50 năm - một chặng đường"; Bức tường danh vọng gồm 466 ngôi sao tôn vinh tác phẩm, cá nhân đoạt giải thưởng Cánh diều Vàng; Thảm đỏ từ 17h00 ngày 10/9 tại Quảng trường Nhà hát Đó; Lễ trao giải Cánh diều 2024 được truyền hình trực tiếp lúc 20h ngày 10/9 trên KTV, tiếp sóng tới các đài truyền hình và livestream trên các nền tảng mạng xã hội...
Tham dự giải Cánh diều năm nay có hơn một ngàn nghệ sĩ, diễn viên, nhà sản xuất, nhà nghiên cứu điện ảnh, báo đài... trong và ngoài nước tham dự.
Điểm mới năm nay là có thêm hạng mục Nam/nữ diễn viên điện ảnh được yêu thích nhất, Nam/nữ diễn viên truyền hình được yêu thích nhất do khán giả giả bình chọn trên nền tảng mạng xã hội TikTok.
2. Trong khuôn khổ giải thưởng sẽ diễn ra hội thảo "Điện ảnh Việt Nam từ khi đất nước thống nhất: 50 năm - một chặng đường" vào sáng mai, 10/9. Hội thảo hứa hẹn thu hút sự tham gia của các nhà quản lý, nghiên cứu điện ảnh, văn hóa, nhà làm phim, truyền thông... Các ý kiến trao đổi thẳng thắn, phân tích sâu sắc những thành tựu, giá trị và cả những tồn tại, hạn chế của điện ảnh Việt Nam trong hành trình nửa thế kỷ. Từ đó đề xuất những giải pháp khả thi, trong đó có giải pháp phát triển ngành công nghiệp điện ảnh. Khánh Hòa có tiềm năng du lịch rất lớn, hứa hẹn "gặt mùa vàng" bội thu "cộng hưởng" hài hòa với điện ảnh để trở thành một Thành phố điện ảnh xứng tầm.
Cuộc ra quân tranh giải Cánh diều 2024 thật rầm rộ, với hơn 163 tác phẩm: điện ảnh (18 phim), tài liệu (41 phim), khoa học (18 phim), hoạt hình (14 phim), truyền hình dài tập (18 phim), phim ngắn (50 phim), công trình nghiên cứu lý luận - phê bình (4 tác phẩm).
18 phim điện ảnh tranh giải tại Cánh diều 2024 đã tạo được ấn tượng thú vị với khán giả cho nhiều hạng mục quan trọng. Có thể kể đến Bà già đi bụi. Dựa theo truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, do NSƯT Phi Tiến Sơn viết kịch bản, phim được đánh giá là chỉn chu, thẩm mỹ, giàu ý nghĩa nhân văn về vấn đề gia đình, đặc biệt là khoảng cách thế hệ...
Phim Mai có doanh thu lớn, tạo cơn sốt phòng vé, từng đoạt ba giải Phim Việt Nam hay nhất, Đạo diễn xuất sắc và Nữ chính xuất sắc nhất ở hạng mục phim Việt Nam tại LHP châu Á Đà Nẵng lần thứ 2. Hồng Hà nữ sĩ (kịch bản: Nguyễn Thị Hồng Ngát, đạo diễn: Nguyễn Đức Việt) là phim lịch sử về danh nhân được đầu tư kỹ càng, chỉn chu, mang đến một không gian trữ tình, giàu chất thơ, làm nổi bật câu chuyện tình thoáng nhẹ, dung dị, thanh khiết về hai nhà thơ lớn.
Hai diễn viên chính Anh Đào và Nguyễn Quốc Toàn đã hóa thân ngọt ngào, tự nhiên, làm toát lên mối tình thơ mới nhen sáng trong, thánh thiện của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm tài hoa, người đã dịch Chinh phụ ngâm từ chữ Hán của Đặng Trần Côn ra bản thơ Nôm, thành kiệt tác văn học.
Phim Hai Muối ấn tượng về tình cha con, ghi nhận sau 20 năm tái xuất điện ảnh của nghệ sĩ Quyền Linh. Cu li không bao giờ khóc là phim điện ảnh độc lập, phim nghệ thuật duy nhất tham dự giải. Đây là phim đầu tay đoạt giải xuất sắc tại LHP Berlin lần thứ 74 (2024), phim châu Á hay nhất tại LHP châu Á Đà Nẵng 2024. Phim Sao xanh nơi biển sóng (Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất) có tính trinh thám hấp dẫn, kể về việc phá đường dây buôn bán ma túy qua đường biên giới biển. Phim kinh dị Quỷ cẩu là tác phẩm điện ảnh đầu tay của đạo diễn trẻ Lưu Thành Luân, lấy cảm hứng từ truyền thuyết dân gian "chó đội nón mê". Với chủ đề xuyên không, phim Gặp lại chị bầu là câu chuyện cảm động về tình mẫu tử thiêng liêng. Ngoài thị trường trong nước, phim đã được trình chiếu ở Úc, Mỹ, châu Âu và một số nước châu Á. Phim âm nhạc Đóa hoa mong manh (A Fragile Flower) của đạo diễn Mai Thu Huyền là minh chứng cho tâm huyết, nỗ lực quảng bá văn hóa, con người Việt Nam qua nghệ thuật điện ảnh…
Ngoài phim truyện điện ảnh, có 18 phim truyền hình (548 tập) tham dự giải thưởng, đó là: Nhà mình lạ lắm (đạo diễn: Đinh Tuấn Vũ), Tết ở làng địa ngục (đạo diễn: Trần Hữu Tấn), Đội điều tra số 7 (mùa 1, đạo diễn: NSƯT Nguyễn Danh Dũng), Trạm cứu hộ trái tim (đạo diễn: Vũ Trường Khoa), Biệt dược đen (đạo diễn: Phạm Gia Phương - Trần Trọng Khô), Cuộc đời vẫn đẹp sao (đạo diễn: Nguyễn Danh Dũng), Người một nhà (đạo diễn: Trịnh Lê Phong), Chúng ta của 8 năm sau (đạo diễn: Bùi Tiến Huy), Cuộc chiến không giới tuyến (đạo diễn: Mai Hồng Phong - Triệu Hoài Nam), Làng trong phố (đạo diễn: NSƯT Nguyễn Mai Hiền), Lỡ hẹn với ngày xanh (đạo diễn: Trần Hoài Sơn), Gia đình mình vui bất thình lình (đạo diễn: Nguyễn Đức Hiếu - Lê Đỗ Ngọc Linh), Gặp em ngày nắng (đạo diễn: Nguyễn Đức Hiếu)…
Điểm mới năm nay là có thêm hạng mục Nam/nữ diễn viên điện ảnh được yêu thích nhất, Nam/nữ diễn viên truyền hình được yêu thích nhất do khán giả giả bình chọn trên nền tảng mạng xã hội TikTok.
3. Hạng mục phim tài liệu, khoa học, hoạt hình, ngoài Công ty CP Hãng phim hoạt hình Việt Nam, Công ty TNHH Một thành viên Hãng phim Tài liệu & Khoa học TW, thì năm nay được bổ sung nhiều đơn vị mới: Công ty CP phim Giải phóng, Trung tâm phim tài liệu (VTV), Hãng phim TFS; các công ty tư nhân như Trees, Vietking, hoặc Media Vina Rio…
Năm 2024 có 5 công trình nghiên cứu lý luận - phê bình tham gia tranh giải gồm: Điện ảnh như là thủ pháp (Vũ Ngọc Thanh), Bụi vàng lấp lánh (Lê Ngọc Minh), Từ ngôn ngữ văn học đến ngôn ngữ điện ảnh (Vũ Thị Ngọc Dung), Xây dựng cấu trúc và cách kể chuyện trong kịch bản phim truyện (Nguyễn Cao Thanh - Đặng Thu Hà).
PGS-TS Đỗ Lệnh Hùng Tú (Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam) cho biết: "Cánh diều đã được bay cao tại biển Nha Trang - Khánh Hòa từ sự cố gắng của Ban chấp hành Hội Điện hành Việt Nam và sự chung sức của nhiều doanh nghiệp, và đặc biệt là của tỉnh Khánh Hòa. Chúng tôi ý thức được rằng để tổ chức giải Cánh diều ngày càng quy mô hơn, phải kết hợp giữa nguồn đầu tư công và xã hội hóa. Để làm được điều đó phải có sự kết hợp vững vàng giữa chính quyền các cấp, giữa doanh nghiệp, doanh nhân và các nghệ sĩ. Hình ảnh của các nghệ sĩ tại Nha Trang góp phần kích cầu cho du lịch phát triển, thúc đẩy kinh tế xã hội, đưa Nha Trang trở thành Thành phố điện ảnh trong tương lai".
Hạng mục Phim truyện điện ảnh nhỉnh hơn mọi năm
Hạng mục phim truyện điện ảnh năm nay nhỉnh hơn các năm trước, gồm 18 phim với nhiều đề tài phong phú, được đầu tư công phu.
5 phim có thời lượng dưới 100 phút: Đóa hoa mong manh (đạo diễn: Mai Thu Huyền), Culi không bao giờ khóc (Phạm Ngọc Lân), Móng vuốt (Lê Thanh Sơn), Quỷ cẩu (Lưu Thành Luân), Live-phát trực tiếp (Khương Ngọc).
13 phim đều có độ dài trên 100 phút: Đào, phở và piano (đạo diễn: NSƯT Phi Tiến Sơn, 104 phút), Vầng trăng thơ ấu (NSƯT Hồ Ngọc Xum, 103 phút), Mai (Trấn Thành, 131 phút), Hai Muối (Vũ Thành Vinh, 118 phút), Hồng Hà nữ sĩ (Nguyễn Đức Việt, 102 phút), Bà già đi bụi (Trần Chí Thành, 111 phút), Cái giá của hạnh phúc (Nguyễn Ngọc Lâm, 115 phút), Fanti (Andy Nguyễn, 108 phút), Sao xanh nơi biển sóng (Bùi Tuấn Dũng, 110 phút), Án mạng lầu 4 (Nguyễn Hữu Tuấn, 106 phút), Gặp lại chị bầu (Nhất Trung, 104 phút), Mùa Hè đẹp nhất (Vũ Khắc Tuận, 118 phút), Sáng đèn (Hoàng Tuấn Cường, 128 phút).