Ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của tơ lụa
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 28/3, Festival Văn hóa Tơ lụa Việt Nam Châu Á đã khai mạc tại TP. Hội An với sự tham gia của đại diện 9 quốc gia trên thế giới. Một không gian sắc màu ấn tượng về tơ lụa đã được phô diễn tại đây thu hút đông đảo khách tham quan.
Lễ khai mạc Festival Văn hóa Tơ lụa Việt Nam Châu Á diễn ra tại làng Lụa Hội An với sự tham gia của hơn 70 đại biểu đến từ 9 quốc gia có nền tơ lụa nổi tiếng thế giới như Trung Quốc, Italy, Thái Lan, Ấn Độ, Nhật Bản, Myanmar,…
Tại lễ hội, một số hoạt động như lễ hội dâng hương Bà Chúa tơ tằm xứ Quảng, giới thiệu và trình diễn kỹ thuật dệt truyền thống của các làng nghề Tân Châu với sản phẩm Mỹ Á một thời nổi tiếng, kỹ thuật dệt hoa văn cổ đám cưới của người Chăm, dệt thổ cẩm dân tộc Cơ Tu… đã được phục dựng. Ban tổ chức cũng đã trưng bày một số sản phẩm lụa hiện đại của các làng dệt tiêu biểu ở Việt Nam như Nha Xá, Vạn Phúc, Mã Châu, Tân Châu… đồng thời đưa du khách tham quan quy trình ươm tơ dệt lụa của Làng lụa Hội An.
Chiều ngày 28/3 tại làng Lụa Hội An cũng đã diễn ra Hội thảo với chủ đề “Tơ lụa trong đời sống hiện đại”. Tại đây, các nghệ nhân trong nước, các nhà thiết kế thời trang và các đơn vị trực tiếp sản xuất, kinh doanh lụa tơ tằm đến từ Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc,… đã cùng giao lưu và trao đổi kinh nghiệm trong việc phát triển tơ lụa trong tương lai. Đặc biệt, lễ hội còn có sự tham gia của ông Li Jilin – Chủ tịch Hiệp hội Tơ lụa Thế giới và ông Dilip Barooah – Chủ tịch Hiệp hội Tơ lụa châu Á.
Trao đổi với PV, ông Li Jilin – Chủ tịch Hiệp hội Tơ lụa Thế giới chia sẻ: Tơ lụa Việt Nam vẫn giữ được nét truyền thống, nhiều làng nghề sản xuất tơ lụa ở Việt Nam vẫn còn giữ được lối sản xuất truyền thống bằng tay, đó là điều rất đặc biệt. Tuy nhiên, để phát triển hơn nữa và hội nhập với tơ lụa thế giới, tơ lụa Việt Nam cần phải sáng tạo trong hiện đại và tiếp cận được nhiều giới khách hàng hơn nữa”.
Bên cạnh tôn vinh các giá trị văn hóa của nghề lụa, mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế trên thương trường, Festival lần này cũng góp phần trong việc quảng bá hình ảnh di sản văn hóa Hội An ra thế giới, kết nối mô hình dịch vụ “thành phố may đo thời trang cho cả thế giới thông qua khách du lịch”.
Được biết, trong thời gian tới làng Lụa Hội An sẽ hoàn thiện mô hình “Bảo tàng sống trong lòng di sản sống Hội An về nghề tơ lụa” với việc hoàn thiện quy trình ươm tơ dệt lụa, bổ sung hiện vật, trưng bày hiện vật tơ lụa của các nước châu Á để người xem có đối sánh về tơ lụa mỗi dân tộc.
Du khách tìm hiểu các sản phẩm về lụa
Cụ bàn Đàn Thị Tình (Ninh Thuận) đang dệt thổ cẩm
Quy trình sản xuất tơ tằm diễn ra tại Lễ hội
Du khách thích thú khi chiêm ngưỡng các bước sản xuất tơ tằm
Quy trình sản xuất tơ tằm diễn ra tại Lễ hội
Không gian trưng bày lụa VinPerl Cash Mere với nhiều điểm nhấn
Lụa Việt Nam tại làng Lụa Hội An.
Các nghệ nhân dệt thổ cẩm đến từ dân tộc Cơ Tu.
Đại diện các quốc gia tham dự Festival cắt băng khai mạc.
Hoàng Yến