Ngân hàng Anh đang làm gì để 'cứu' thị trường tài chính sau Brexit?
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 24/6, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) khẳng định sẽ thực hiện các bước đi cần thiết để đảm bảo cho nền kinh tế Anh đứng vững sau “cú sốc” Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu EU) giữa lúc các thị trường tài chính và chứng khoán trên thế giới đang rơi vào tình trạng hỗn loạn mới.
Ngay sau khi có kết quả chính thức với phần thắng thuộc về phe ủng hộ Brexit (51,9%) khiến giá trị của đồng bảng Anh giảm 10% xuống mức thấp nhất kể từ năm 1985, cũng như khiến giá trái phiếu chính phủ nước này “lao dốc” xuống mức thấp kỷ lục mới, BoE đã ngay lập tức ra tuyên bố khẳng định đang theo sát các diễn biến trên thị trường.
Các chỉ số chứng khoán trên thị trường Anh được dự báo sẽ giảm khoảng 7%
Ngân hàng này cũng đang khẩn trương làm việc với Bộ Tài chính Anh, cùng giới chức trong nước và các ngân hàng trung ương nước ngoài khác để lên kế hoạch toàn diện ứng phó với sự việc bất ngờ trên. Bên cạnh đó, BoE còn tính tới khả năng phải sử dụng biện pháp hoán đổi ngoại tệ từng áp dụng trước đó với nhiều ngân hàng trung ương khác trên thế giới để ngăn chặn “cú sốc” mới đối với các thị trường tài chính.
Ngân hàng trung ương Anh cũng không loại trừ khả năng giảm lãi suất để “trấn an” nền kinh tế Anh thời kỳ hậu Brexit.
Trước đó, BoE cho rằng quyết định rời khỏi EU – thị trường tiêu thụ tới 1/2 hàng hóa xuất khẩu của Anh, có thể dẫn tới những hậu quả với nền kinh tế “xứ Sương mù”, trong đó có việc làm tăng tỷ lệ lạm phát do thị trường rối loạn, gây khó cho việc đưa ra bất kỳ quyết định nào liên quan tới việc cắt giảm tỷ lệ lãi suất. Thống đốc BoE nhận định kinh tế Anh có thể sẽ phải đối mặt với viễn cảnh suy thoái ít nhất là trong 6 tháng tới.
* Cú chao đảo của thị trường tài chính, chứng khoán thế giới
Đồng bảng Anh đã giảm 10% và chỉ đổi được 1,3229 USD, mức thấp nhất kể từ năm 1985. Trước đó, đồng tiền này đã có lúc chạm mức đỉnh kể từ đầu năm nay, đổi được 1,5 USD, chỉ vài phút sau khi cuộc trưng cầu dân ý bắt đầu được tiến hành.
Các thị trường tài chính trên thế giới đang trải qua một trong những ngày "đen tối" nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu kể từ năm 2008. Cụ thể, "đồng bạc xanh" trượt giá và lần đầu tiên trong 2 năm rưỡi qua khi 1 USD chỉ đổi được chưa đến 100 yên Nhật Bản. Tại các nền kinh tế mới nổi, thị trường tài chính cũng chao đảo mạnh, với việc đồng dollar của Australia giảm 3,4%, đồng won (Hàn Quốc) giảm 2,4% và đồng rupiah (Indonesia) giảm 1,7%. Trong khi đó, đồng ringgit của Malaysia cũng trượt giá 2,7%, một trong những mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1998. Cùng đà giảm với các thị trường trên, là đồng rupee của Ấn Độ, đồng CAD (Canada) và đồng dollar Singapore.
Đồng bảng Anh đã giảm 10% và chỉ đổi được 1,3229 USD
Các thị trường chứng khoán tại châu Á cũng ngập tràn "sắc đỏ". Các chỉ số của Nhật Bản đã giảm gần 8%, Sydney giảm 3,3% và Seoul giảm 3,1%. Mumbai giảm 3,6%, Thượng Hải giảm 0,8% và Hồng Công (Trung Quốc) giảm hơn 5% trong phiên giao dịch chiều 24/6, trong khi các thị trường Wellington, Manila và Jakatar cũng mất điểm mạnh.
Các chỉ số chứng khoán trên thị trường Anh được dự báo sẽ giảm khoảng 7%, và các chỉ số của Frankfurt giảm 6%. Theo nhận định của chuyên gia James Butterfill, phụ trách nghiên cứu và đầu tư thuộc Công ty chứng khoán ETF, đây là những diễn biến chưa từng có và nhiều nhà đầu tư sẽ mất rất nhiều tiền.
* Chỉ có giá vàng thế giới được hưởng lợi từ kết quả trưng cầu dân ý tại Anh. Giá vàng đã tăng giá 6%, đạt 1.359 USD/ ounce, mức cao nhất kể từ tháng 3/2014.