Ngẫm ngợi cuối tuần: Tình yêu và gia đình
Gia đình là cái cây, muốn cây phát triển sâu rễ bền gốc thì cả vợ cả chồng phải cùng nhau vun xới. Nếu một bên vun, một bên bới thì cây lấy đâu chất màu để phát triển. Khi cả hai bên đều bới ra thì cây trơ rễ chết là chắc.
Tính ích kỉ cá nhân thời nay có cơ lên ngôi mạnh mẽ khi tiền bạc nhiều khi thành trung tâm cất tiếng nói trong gia đình. Bên làm ra tiền coi mình là quyền lực, đòi lên ngôi, sắp xếp mọi thứ. Bên kém hơn yếm thế không làm gì được hướng vào cái đau nội tâm, hoặc chịu đựng, hoặc tìm cách phá bỏ. Đó là ung nhọt làm cho tình yêu rã vữa dần. Trong gia đình khi đồng tiền lên tiếng cậy quyền thì tình yêu tan rã.
Bây giờ từ "nếp nhà" nhiều nơi đang mòn mỏi đi, không còn "của chồng công vợ" như văn hóa gia đình của tiền nhân. Tính thực dụng, cùng lối sống tự do đua đòi tràn vào tạo ra thứ "nước hến lờ nhờ" cho nhiều gia đình trẻ. Họ quẫy đạp trong nồi nước hến nửa trong nửa đục đó, rồi lối thoát là ai đi đường nấy, khốn khổ phần nhiều là người phụ nữ gánh chịu. Tính ích kỉ do đề cao tự do cá nhân hơn cả đạo đức đang ảnh hưởng tiêu cực lên gia đình truyền thống.
Bạn đừng tưởng phương Tây hôn nhân bừa bãi. Đó là cách tiếp cận phiến diện. Một người bạn tôi đọc cho nghe câu ngạn ngữ của người Anh đại ý: Muốn có tình yêu bền vững thì phải luôn biết "thi vị hóa" người bạn đời của mình lên. Có lẽ điều đó cao quá trong lối suy nghĩ của nhiều người, mặc dù dễ hiểu. Nhưng nó cũng giống như ví von về gia đình bền vững: cây muốn phát triển phải cả hai cùng vun gốc.
Ngày nay có những đôi vợ chồng được ăn có học tử tế, có tri thức, nhưng trong đời sống gia đình nhiều khi họ như những đứa trẻ chưa trưởng thành. Dỗi là bỏ, chấp nê nhau từng tí một. Cậy hơn nhau trong cách làm ra tiền rồi coi rẻ nhau, kênh nhau về văn hóa sống mà khi yêu chưa nhận ra. Lấy nhau rồi mới lộ ra, thế là từ yêu sang chán chỉ hai ba bước chân! Khi yêu thì mù lòa, nhưng khi ghét nhau thì bới lông tìm vết đủ thứ tội để dè bỉu, dìm nhau.
Cuộc sống nếu cá nhân tự đề cao không chỉ hỏng trong gia đình mà còn nhiễm độc cả xã hội, dẫn đến thối nát không thể cứu chữa. Người xưa đã nhắc nhở nhau "Nhân vô thập toàn", nghĩa là con người chẳng ai mười phân vẹn mười cả, ai cũng có điểm yếu, điểm mạnh, nên đã dạy con cái: "Chồng giận thì vợ bớt lời/ Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê".
Thời nào cũng có người chí thú gia đình và cũng có người chểnh mảng coi thường. Nhưng đạo đức gia đình được xã hội quan tâm thì nó cũng lành mạnh hơn. Đừng có quá đề cao cá nhân của riêng mình, đi vào lối sống ích kỷ mà tưởng đang hưởng hạnh phúc của sự tự do.
Kết hôn rồi ly hôn có nhiều nguyên nhân, ta không thể lên án tất cả. Khi một bên quá tệ mà neo giữ thì cũng tan nát một đời người. Cho nên, chuyện đi đến hôn nhân không nên theo nếp xưa kiểu làng xã nhưng cũng không nên có lối tự do quá trớn để rồi tự bóp nát đời mình mà không biết.