Nga ngừng cung cấp động cơ tên lửa cho Mỹ
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 3/3, Tổng Giám đốc cơ quan vũ trụ liên bang Nga Roscosmos Dmitry Rogozin cho biết Nga sẽ ngừng cung cấp các động cơ tên lửa cho Mỹ.
Trả lời phỏng vấn kênh tin tức Rossiya 24, ông Rogozin nêu rõ Nga cũng từ chối bảo dưỡng cho 24 động cơ còn lại tại Mỹ. Theo ông Rogozin, do ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt, chương trình tên lửa và vũ trụ của Nga sẽ có sự điều chỉnh. Ưu tiên hiện nay là sản xuất các vệ tinh phục vụ hoạt động của Roscosmos và Bộ Quốc phòng Nga.
Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc Rogozin cho hay Nga đã quyết định đình chỉ hợp tác với Đức về các thí nghiệm trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Quan chức này xác nhận để phản đối hành động của Trung tâm Hàng không vũ trụ Đức, Nga đã quyết định tắt đài quan sát vũ trụ Spektr-RG cách Trái Đất 1,5 triệu km. Cụ thể, kể từ ngày 3/3, Nga sẽ ngừng hợp tác với tổ chức này, bao gồm cả các thí nghiệm khoa học tại module của Nga trên trạm ISS. Ông khẳng định phía Nga có đủ nguồn lực cần thiết để tự thực hiện các hoạt động này.
Tại Anh, công ty truyền thông vệ tinh toàn cầu OneWeb thông báo ban lãnh đạo công ty đã quyết định đình chỉ toàn bộ các vụ phóng tại bãi phóng Baikonur của Nga ở Kazakhstan.
Chính phủ Anh đã lên tiếng ủng hộ quyết định này, đồng thời nhấn mạnh do chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, Anh đang xem xét lại việc tham gia tất cả những dự án có sự hợp tác của Nga.
- Nga cân nhắc phạt nặng hành vi tung tin giả về hoạt động quân sự
- Nga công bố nội dung hòa đàm vòng hai với Ukraine
- Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết kêu gọi Nga rút quân khỏi Ukraine
Theo hãng tin Interfax, động thái này diễn ra sau khi Roscosmos đề nghị OneWeb phải đảm bảo rằng công nghệ của hãng sẽ không được dùng cho các mục đích quân sự. Phía Nga đã ra hạn chót để phản hồi là ngày 4/3 tới, nếu không Nga sẽ hủy kế hoạch phóng vệ tinh tại Baikonur mà không bồi thường cho OneWeb.
OneWeb đang hoàn tất quá trình xây dựng mạng lưới gồm 650 vệ tinh ở tầng quỹ đạo thấp của Trái Đất, nhằm tăng cường cho băng thông và dịch vụ khác cho các quốc gia trên thế giới, hướng tới cung cấp dịch vụ Internet trên toàn cầu vào năm tới.
TTXVN