'Nếu không cải tạo, Hồ Gươm có thể sẽ biến thành bãi lầy..."
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 15/2, tại hội thảo về cải tạo môi trường nước hồ Hoàn Kiếm, ông Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội cho biết việc cải tạo môi trường hồ Hoàn Kiếm là việc làm hết sức cần thiết và cấp bách hiện nay.
Theo ông Hùng, để cải tạo đồng bộ môi trường hồ Hoàn Kiếm cần chia thành 2 phần việc, gồm: nạo vét bùn, thanh thải phế liệu dưới đáy hồ và xử lý, duy trì chất lượng nước hồ.
Cũng theo ông Hùng, thời gian nạo vét bùn dự kiến tốn khoảng 69 ngày trên diện tích hơn 10ha của hồ Hoàn Kiếm. Chất lượng nước hồ Hoàn Kiếm sẽ được xử lý bằng chế phẩm Redocy-3C - chế phẩm đặc biệt xử lý hồ của Đức sản xuất theo đơn đặt hàng độc quyền của thành phố Hà Nội. Phương án thực hiện xử lý chất lượng nước hồ bằng Redocy-3C theo đúng quy trình cũng đã được Sở Xây dựng chấp thuận.
Quang cảnh buổi hội thảo
Báo cáo tại hội thảo cho thấy hồ Hoàn Kiếm (hồ Gươm) rộng 12 ha, hiện nay nước hồ đang trong tình trạng mất khả năng làm sạch nước bị ô nhiễm. Cá và động thực vật trong hồ chưa được bảo vệ và bổ sung đúng mức đã khiến chất hữu cơ đi vào lòng hồ không trở thành thức ăn mà biến thành chất ô nhiễm.
Đặc biệt, lớp bùn lắng đọng của đáy hồ ngày một dày gây ảnh hưởng tới môi trường sống của những sinh vật tại đây do chứa nhiều kim loại nặng và khí độc.
Ngoài ra, mật độ thực vật phù du có xu hướng tăng dần kéo theo hàm lượng ô-xy hoà tan giảm đột ngột vào từng thời điểm khác nhau gây ảnh hưởng đến sự tồn tại của nhiều động thực vật trong hồ từ nhiều năm nay.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, hồ Hoàn Kiếm là một địa chỉ văn hoá, tâm linh đặc biệt quan trọng với người dân Thủ đô Hà Nội và cả nước. Khi thực hiện phương án xử lý, cải tạo môi trường hồ Gươm, cần thực hiện thận trọng, tính toán đầy đủ các yếu tố tác động, đặc biệt là việc bảo vệ hệ sinh thái đang sinh sống trong lòng hồ.
Đồng tình với quan điểm việc cải tạo hồ Gươm là rất cấp bách, Giáo sư, Tiến sỹ Hà Đình Đức - người chuyên nghiên cứu về hồ Hoàn Kiếm cho rằng, nếu không cải tạo, hồ có thể sẽ biến thành bãi lầy, mất đi những loại thủy sinh vật hữu ích.
Tuy nhiên, việc cải tạo phải được chia làm hai giai đoạn, sau giai đoạn 1, sẽ phải đánh giá tác động của việc cải tạo tới cảnh quan, thủy sinh vật sống ở hồ. "Nếu không làm thận trọng trong cải tạo, sẽ làm chết hết những loại tảo, vi sinh vật có lợi tạo ra màu nước xanh đặc trưng của hồ Hoàn Kiếm", Giáo sư Hà Đình Đức nhấn mạnh.
Giáo sư, Tiến sỹ Trần Hiếu Nhuệ, Khoa môi trường Đại học Xây dựng Hà Nội phân tích, việc trao đổi nước của hồ Hoàn Kiếm bị hạn chế, vì vậy để bảo tồn lâu dài hồ, sau cải tạo cần phải tính đến duy trì chế độ động, tức là hồ có thể trao đổi nước để hạn chế ô nhiễm.
Cùng góp ý kiến về nguồn nước cho hồ Hoàn Kiếm, đại diện Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Nội cho rằng, cần phải khoan giếng để cấp nước cho hồ một cách chủ động hơn.
Đề cao việc tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng trong bảo vệ môi trường hồ, ông Phạm Tuấn Long, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết sẽ tăng cường tổ chức tuyên truyền để người dân, du khách tham gia phố đi bộ, không vứt rác, ra hồ.
Quận cũng sẽ yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh quanh hồ Gươm, ký cam kết tuân thủ nghiêm ngặt các quy định nhà nước về môi trường, để bảo vệ hồ tốt hơn.
Tin, ảnh: Mạnh Khánh (TTXVN)