Nét đặc trưng của mâm ngũ quả ngày Tết ở 3 miền
(Thethaovanhoa.vn) - Trong văn hóa tâm linh của người Việt, mâm ngũ quả ngày Tết giữ một vị trí quan trọng, thể hiện lòng thành kính với tổ tiên và đạo lý uống nước nhớ nguồn. Người Việt dành nhiều thời gian và tâm sức để bày mâm ngũ quả bởi đó không chỉ mang ý nghĩa về mặt thẩm mỹ mà còn hàm chứa nhiều hy vọng về một năm mới sung túc, nhiều sức khỏe và may mắn.
Nguồn gốc và ý nghĩa của mâm ngũ quả
Mâm ngũ quả có nguồn gốc từ đạo Phật, được nhắc đến trong kinh Vu-lan-bồn (Ullambana Sutra) với hình ảnh "trái cây năm màu". 5 màu tượng trưng cho "ngũ thiện căn" theo quan niệm nhà Phật, gồm: tín căn (lòng tin), tấn căn (ý chí kiên trì), niệm căn (ghi nhớ), định căn (tâm không loạn), huệ căn (sáng suốt).
- Ý nghĩa sâu xa của các loại quả được bày trên mâm ngũ quả Tết
- Mâm ngũ quả - ước muốn của người Việt trên ban thờ tổ tiên
Việc lựa chọn 5 loại quả bày lên mâm ngũ quả tùy thuộc vào quan niệm văn hóa cũng như đặc trưng về sản vật của các vùng miền. Mỗi loại quả có những ý nghĩa riêng, thể hiện qua hình dáng, hương vị, màu sắc hay thậm chí là cả cách đọc tên.
Theo quan niệm của người Bắc Bộ, mâm ngũ quả gồm 5 loại quả có màu sắc khác nhau, tương ứng với 5 màu sắc của các hành Kim-Mộc-Thủy-Hỏa-Thổ, tượng trưng cho mong ước được ngũ phúc: "Giàu có, sang trọng, sống lâu, khỏe mạnh, bình yên". Bởi vậy 5 trái quả đó với ông cha ta xưa kia chính là 5 điều tốt đẹp mà mọi người đều mong đợi trong năm mới đó là Phú-Quý-Thọ-Khang-Ninh.
Trong khi đó, mâm ngũ quả miền Trung và miền Nam coi trọng nghĩa của quả, thể hiện khí chất, sự thuận lợi về thiên nhiên. 5 loại quả hay được chọn là mãng cầu, sung, dừa, đu đủ và xoài (khi đọc, phát âm của những loại quả này tương tự câu “cầu sung vừa đủ xài”, hay “cầu vừa đủ xài sung”. Ngoài ra, người miền Nam còn có thêm quả thơm (dứa) với mong muốn con cháu đầy nhà và một cặp dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng để cầu may mắn.
Mâm ngũ quả ở 3 miền
Tùy vào điều kiện hoàn cảnh mỗi gia đình, mỗi vùng miền mà có cách bày biện, sắp xếp mâm ngũ quả khác nhau. Nhưng nhìn chung mâm ngũ quả trên bàn thờ ngày Tết vẫn là nơi hội tụ của hồn quả, hương cây và ý nguyện cầu hòa, an, đủ mà người dân Việt gửi gắm.
Người miền Bắc bày mâm ngũ quả theo thuyết Ngũ hành trong văn hóa phương Đông là vạn vật dung hòa cùng trời đất. Vì thế, mâm ngũ quả cũng phải phối theo 5 màu: Kim màu trắng, Mộc màu xanh, Thủy màu đen, Hỏa màu đỏ, Thổ màu vàng. Cách bài trí, sắp xếp màu sắc từng loại quả xen kẽ với nhau để đẹp mắt, hợp phong thủy ngày Tết.
Theo đó, các loại quả không thể thiếu khi bày mâm ngũ quả miền Bắc bao gồm chuối, bưởi (hoặc quả phật thủ), cam, quất, xoài, hồng, táo, lựu…
- Nải chuối hoặc quả phật thủ có ý nghĩa thể hiện sự che chở của Trời, Phật cho con người.
- Bưởi, cam thể hiện sự trọn vẹn, hứa hẹn năm mới tốt lành, phúc lộc viên mãn.
- Quất thể hiện sự sung túc, đa lộc.
- Đào, hồng thể hiện sự hồng hào, thăng tiến và thành đạt.
- Táo có ý nghĩa là phú quý.
- Lựu có ý nghĩa tượng trưng cho con đàn cháu đống.
Cách trình bày truyền thống thường là nải chuối đặt ở dưới cùng để đỡ lấy toàn bộ những loại quả khác. Chính giữa nải chuối xanh thẫm là quả bưởi tròn căng mọng hoặc quả phật thủ có màu vàng đẹp mắt. Những quả nhỏ hơn như cam, quất, hồng… sẽ xếp xen kẽ xung quanh.
So với người miền Bắc, người miền Nam lại trọng về ý nghĩa các loại quả hơn nên mâm ngũ quả thường bao gồm: mãng cầu, sung, dừa xiêm, đu đủ, xoài. Những trái này đọc lái đi sẽ thành “cầu-vừa-đủ-xài-sung”, thể hiện mong muốn vừa đủ cho sự đủ đầy sung túc.
Cũng theo cách đọc lái này mà người miền Nam không dùng chuối hoặc cam quýt để bày mâm ngũ quả như người miền Bắc. Bởi từ chuối có phát âm giống với “chúi” (có nghĩa không ngẩng đầu lên được, làm ăn không may mắn), với quả cam, quýt thì có câu “quýt làm cam chịu”. Ngoài ra mâm ngũ quả miền Nam còn có thêm một cặp dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng tượng trưng cho sự may mắn và trái thơm (quả dứa) để tượng trưng cho con cái đủ đầy.
Cách bày đơn giản là chọn những trái lớn như đu đủ, dừa, mãng cầu đặt lên mâm trước để lấy thế. Sau đó bày những quả nhỏ hơn lên trên, sắp xếp hợp lý để mâm ngũ quả có hình thù giống như một ngọn tháp. Riêng cặp dưa hấu thì được dùng để đặt hai bên sau khi mâm ngũ quả đã hoàn thành.
Nếu mâm ngũ quả hai miền Nam, Bắc có sự khác biệt thì mâm ngũ quả miền Trung lại có sự giao thoa của hai vùng miền này. Các loại quả thường được bày rất đa dạng phong phú, bao gồm chuối, bưởi, xoài, dưa hấu, cam, táo, nho, sung, dứa, mãng cầu…
Cách bày trí cũng đơn giản theo hình thức quả to và nặng đặt ở dưới làm đế, tiếp đó là những quả có trọng lượng nhỏ hơn được chèn bên trên hoặc xen kẽ vào chỗ trống.
Ngày nay hoa quả ngày càng phong phú, vì thế mâm ngũ quả theo đó cũng có nhiều loại quả hơn. Thế nhưng, tên gọi thì vẫn giữ nguyên - “ngũ quả”. Mâm ngũ quả vẫn luôn tạo cho không gian thờ cúng gia tiên thêm phần tươi vui, ấm áp, rực rỡ. Nó thể hiện sinh động cho ý tưởng, triết lý-tín ngưỡng-thẩm mỹ ngày Tết. Tìm hiểu về mâm ngũ quả cũng là tìm hiểu về nguồn gốc, lịch sử, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Diệp Ninh/TTXVN (tổng hợp)