NATO bất đồng về kế hoạch phòng thủ mới
Theo hãng tin Reuters, các Bộ trưởng quốc phòng NATO ngày 16/6 đã không thể đi tới sự đồng thuận về kế hoạch phòng thủ mới trong bối cảnh căng thẳng giữa liên minh quân sự này và Nga không ngừng leo thang thời gian qua.
Sau cuộc họp kéo dài 2 ngày của Bộ trưởng Quốc phòng các nước thành viên NATO tại Brussels (Bỉ) Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg chỉ tuyên bố rằng các nước thành viên đã xích lại gần nhau hơn.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, kế hoạch này được đưa ra bàn luận sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2 năm ngoái.
Một nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này chặn không cho thông qua kế hoạch mới vì khúc mắc về từ ngữ liên quan tới các vị trí địa lý và Cyprus cũng đóng vai trò trong việc này. Nhà ngoại giao này nói rằng vẫn còn cơ hội để NATO tìm ra giải pháp trước khi hội nghị thượng đỉnh của khối diễn ra vào giữa tháng 7.
Kế hoạch phòng thủ bao gồm hàng nghìn trang kế hoạch quân sự bí mật sẽ trình bày chi tiết cách liên minh sẽ phản ứng nếu bùng phát xung đột với Nga.
Việc soạn thảo các tài liệu mới cho thấy một sự thay đổi cơ bản của NATO. Trong hàng chục năm qua, NATO không cần phải có các kế hoạch phòng thủ quy mô lớn khi tổ chức này tham gia các cuộc chiến tương đối nhỏ tại Afghanistan và Iraq. Tuy nhiên, sau khi chiến sự ở Ukraine bùng phát và trở thành cuộc chiến dữ dội nhất trên lục địa châu Âu kể từ năm 1945, NATO giờ đây nhận thấy sự cần thiết của việc phải chuẩn bị trước khi một cuộc xung đột tiềm tàng có thể xảy ra.
Trong tài liệu mới, NATO cũng sẽ hướng dẫn các quốc gia về cách nâng cấp lực lượng và hậu cần. Một quan chức cấp cao của Mỹ nhấn mạnh: "Mặc dù các kế hoạch khu vực chưa được chính thức thông qua ngày hôm nay, nhưng chúng tôi dự đoán các kế hoạch này sẽ là một phần của hội nghị thượng đỉnh vào tháng 7".
Phát biểu bên lề cuộc họp tại Brussels (Bỉ), Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius một lần nữa bác bỏ khả năng Ukraine gia nhập NATO trong bối cảnh đang xảy ra chiến tranh.
Theo Bộ trưởng Pistorius, việc kết nạp một quốc gia đang có chiến tranh là điều không thể vì NATO sau đó sẽ ngay lập tức trở thành một bên tham chiến. Đó không phải là điều NATO mong muốn. Bộ trưởng Pistorius cũng nhấn mạnh NATO sẽ quyết định vấn đề xin gia nhập khối này của Ukraine vào thời điểm phù hợp. Hiện tại, NATO cần tập trung vào việc đảm bảo sự hỗ trợ quân sự cho Ukraine.