NASA phóng tàu tìm sự sống trên sao Hoả
(TT&VH) - Ngày 26/11, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã triển khai chương trình thám hiểm sao Hoả tham vọng nhất từ trước tới nay, khi phóng lên vũ trụ con tàu thăm dò Curiosity (Sự tò mò) trị giá 2,5 tỷ USD, nhằm giúp trả lời một câu hỏi đã khiến nhân loại băn khoăn trong nhiều thế kỷ: liệu có sự sống tồn tại trên hành tinh Đỏ?
Các đám đông đã cùng nhau reo hò, khi quả tên lửa đẩy Atlas V với chiều cao bằng toà nhà 19 tầng, mang theo Curiosity lao vút lên không trung trong tiếng gầm gào dữ dội. "Chúc may mắn và thượng lộ bình an. Sẽ còn nhiều thách thức trên đường tới sao Hoả nhưng chúng tôi rất tự hào khi được bắt đầu hành trình" - giám đốc chương trình phóng tàu vũ trụ của NASA, ông Omar Baez tuyên bố.
Curiosity - “ông nội của mọi hệ thống thăm dò"
Mất 7 năm, đối mặt với không ít khủng hoảng do chi phí tăng cao quá mức, các nhà khoa học Mỹ mới tạo ra Curiosity. Đây được xem là cỗ máy khám phá hành tinh mạnh nhất, phức tạp nhất, nhiều khả năng nhất của nhân loại.
Về cơ bản, Curiosity có kích cỡ bằng một chiếc xe Mini Cooper với 6 bánh xe khổ lớn. Trái tim của Curiosity là một lò phát điện hạt nhân sử dụng plutonium, đủ giúp nó khám phá bề mặt sao Hoả tới 10 năm, nếu mọi chuyện diễn ra thuận lợi.
Con tàu được trang bị khoan, cánh tay máy để đào đất và một camera góc rộng đặt trên đỉnh, vốn chịu trách nhiệm ghi lại các thước phim có độ phân giải cao và chuyển về Trái đất. Ngoài ra, Curiosity còn có tới 10 công cụ khoa học hiện đại, giúp nó có thể nhìn, ngửi, lấy mẫu thử và phân tích đất đá, với mức độ phức tạp chưa từng có tiền lệ, nhằm tìm ra các yếu tố hỗ trợ sự sống.
"Đây là ông nội của mọi hệ thống thăm dò" - Charles Bolden, lãnh đạo của NASA tuyên bố - "Đây là khoa học viễn tưởng trở thành hiện thực. Tôi cũng gọi là sự kiện Super Bowl của hoạt động thám hiểm không gian".
Trong ngày Curiosity bay lên vũ trụ, một đám đông gồm 13.500 khách mời đã theo dõi trực tiếp cuộc phóng tại căn cứ không quân mũi Canaveral, Florida. Hàng ngàn người dân thường cũng đứng trên các con đường, bãi biển và họ đều đồng loạt hoan hô khi quả tên lửa bay lên, để lại sau một đụn khói lớn. Được biết đây sẽ là nhiệm vụ lớn cuối cùng của NASA trong thập kỷ này và ít nhất 7 năm nữa, họ sẽ không có sứ mạng không gian nào với quy mô lớn tương tự.
Mô phỏng hoạt động của tàu thăm dò Curiosity trên sao Hoả
Mục tiêu tìm kiếm sự sống
Tính tới nay, đã có 38 cuộc chinh phục của con người tới sao Hoả. Cuộc đầu tiên diễn ra hồi tháng 10/1960, khi Liên Xô đưa 2 tàu thăm dò trong sứ mạng Mars 1M bay ngang qua hành tinh Đỏ. Tuy nhiên các tàu thăm dò này đã không có đủ lực đẩy để bay qua bầu khí quyển Trái đất và mới chỉ lên được chừng 100km đã rơi trở lại. Phải tới năm 1965, tàu thăm dò Mariner 4 của Mỹ mới chính thức bay ngang qua sao Hoả, sau hành trình kéo dài 228 ngày.
Với đường kính 6.780km, sao Hoả có kích thước bằng nửa Trái đất và trọng lực chỉ lớn bằng 38%. Điều đó có nghĩa một người nhảy cao 1m ở Trái đất có thể đạt được độ cao lớn hơn thế 3 lần khi tới hành tinh Đỏ. Nhân loại từng tin vào sự tồn tại của "người sao Hoả" và niềm tin này kéo dài tới tận thế kỷ 20. Năm 1938, tác phẩm chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết The War of the Worlds của nhà văn Orson Welles, khi phát trên sóng phát thanh đã khiến nhiều người dân Mỹ hoảng loạn vì tưởng thông tin bị người sao Hoả tấn công là có thật.
Các nghiên cứu cho tới nay đã khẳng định nước có ở trên sao Hoả, dưới dạng hơi hoặc băng đá. Song dù có nước, không một ai có thể tồn tại trên sao Hoả do bầu không khí ở đây quá loãng. Nếu ai đó táo gan bước ra khỏi bộ quần áo phi hành sau khi tới hành tinh Đỏ, chênh lệch áp suất sẽ làm máu của họ lập tức sôi lên, gây ra cái chết tức thì. Ngoài ra sao Hoả không có tầng ozone và con người sẽ phải hứng trọn tác động xấu do tia tử ngoại từ Mặt trời gây ra. Đó là chưa kể tới việc bầu không khí sao Hoả có hơn 90% là khí CO2, nhiệt độ bề mặt vô cùng khắc nghiệt, dao động từ mức -128 độ C trong đêm ở vùng cực, cho tới 27 độ C ở vùng xích đạo.
Nhưng các nhà khoa học tin rằng các dạng sống như tế bào từng tồn tại ở đây và rất có thể một số dạng sống cơ bản vẫn đang ẩn náu ở nơi nào đó dưới bề mặt của hành tinh Đỏ. Giả thuyết này đã được tiếp thêm sức thuyết phục, sau khi người ta tìm thấy bằng chứng về sự tồn tại của nước.
Để kiểm tra giả thuyết này, Curiosity sẽ hoạt động trong một miệng núi lửa có đường kính rộng hơn 100km, kiểm tra các mẫu đất đá đã 3,8 tỉ năm tuổi xem bên trong chúng có hay không chất carbon, một thành phần quan trọng của sự sống. Dựa trên kết quả tìm kiếm của Curiosity, các nhiệm vụ tương lai sẽ nhắm tới việc mang một mẫu đất đá từ sao Hoả về Trái đất để phân tích kỹ hơn dấu hiệu sự sống.
Chuẩn bị cho sự đổ bộ của con người
Giới chuyên gia nói rằng trong hành trình kéo dài 8 tháng lên sao Hoả, rủi ro lớn nhất mà Curiosity đối mặt sẽ là việc hạ cánh. Với tổng trọng lượng lên tới gần 1 tấn và tốc độ lên tới 5.100km/h, hoạt động hạ cánh của con tàu đòi hỏi rất nhiều quy trình phức tạp, gồm việc bật dù hãm tốc, và lượn vòng trong bầu không khí của sao Hoả xuống như tàu lượn và sử dụng động cơ đẩy. Những việc này có nhiều rủi ro tới mức ông Peter Theisinger, giám đốc dự án của NASA, nói rằng nhóm nghiên cứu Curiosity đã thường xuyên vấp phải hàng loạt phản ứng từ cấp trên, kiểu như "các anh có đùa không đấy".
Cho tới nay chưa có người nào từng đặt chân lên sao Hoả, nhưng Mỹ đã đặt mục tiêu đưa người lên hành tinh đỏ vào giữa những năm 2030 và chuyến đi của Curiosity sẽ là bước đầu tiên để đánh giá xem tham vọng này có đạt được hay không.
Bản thân Tổng thống Barack Obama cũng đã bày tỏ sự ủng hộ việc đưa người lên sao Hoả và tuyên bố ông muốn thấy việc này thành hiện thực khi đang còn sống. Nhưng do chi phí đắt đỏ và những thách thức công nghệ khổng lồ trong việc đưa người tới sao Hoả, đã có ý kiến cho rằng Trái đất chỉ nên tổ chức các chuyến đi một chiều tới hành tinh Đỏ và những ai đã đặt chân lên tàu vũ trụ sẽ không bao giờ còn có cơ hội trở lại Trái đất nữa.
Tường Linh (Theo Daily Mail)