NASA phát hiện thành phần quan trọng cho sự sống trên 'mặt trăng nhỏ' của Sao Thổ
Dựa trên dữ liệu từ sứ mệnh tàu vũ trụ Cassini của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), các nhà khoa học đã tìm ra bằng chứng về thành phần quan trọng của sự sống và nguồn năng lượng hóa học trên mặt trăng băng giá Enceladus của Sao Thổ. Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Nature Astronomy ngày 14/12.
Theo đó, các nhà khoa học đã tìm thấy bằng chứng chắc chắn về hydrogen cyanide, một phân tử có vai trò then chốt cho nguồn gốc của sự sống. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra bằng chứng cho thấy đại dương, vốn ẩn dưới lớp vỏ băng giá bên ngoài của mặt trăng Enceladus, có một nguồn năng lượng hóa học mạnh mẽ. Dù chưa được xác định, song nguồn năng lượng này ở dạng một số hợp chất hữu cơ, đáng chú ý một vài trong số hợp chất này có trên Trái Đất, được dùng làm nhiên liệu cho sinh vật.
Nghiên cứu cho biết có thể có nhiều năng lượng hóa học hơn bên trong mặt trăng Enceladus so với nghiên cứu trước đây. Theo NASA, càng có nhiều năng lượng thì sự sống càng có nhiều khả năng sinh sôi và được duy trì.
Trước đó trong năm nay, các nhà thiên văn cũng đã phát hiện luồng hơi nước khổng lồ từ mặt trăng Enceladus của Sao Thổ với triển vọng tìm thấy sự sống ngoài Trái Đất. Luồng khí dài khoảng 9.600 km, tương đương khoảng cách giữa Ireland và Nhật Bản, phun nước vào không gian với tốc độ ước tính 300 lít một giây.
Từ lâu giới chuyên gia đã cho rằng Enceladus chứa một đại dương nước mặn sâu bên dưới lớp vỏ băng giá và có thể phun hơi nước vào không gian. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên họ quan sát được vụ phun hơi nước lớn như vậy.
Năm 2017, các nhà khoa học NASA cho biết Enceladus có gần như mọi thành phần cần thiết cho sự sống mà con người biết đến, bao gồm nước, năng lượng và các yếu tố hóa học. Nguồn năng lượng được cho là tương tự những miệng phun thủy nhiệt tràn ngập sự sống dưới đáy biển trên Trái Đất.