'Nanh trắng', 'Tiếng gọi nơi hoang dã' của Jack London: Đọc và không thể kìm ý định nuôi chó
(Thethaovanhoa.vn) - Rất nhiều ý tưởng của Jack London rằng chó có hệ thống cảm xúc riêng đã được khoa học hiện đại chứng minh. Độc giả cũng dễ dàng thấy bóng dáng Nanh trắng và Buck (sách giáo khoa dịch là Bấc) qua những chú cún cưng nhà mình. ĐọcNanh trắng và Tiếng gọi nơi hoang dã, bạn không thể nào kìm được ý định nuôi chó.
- Chú chó Laika, sinh vật sống đầu tiên bay vào vũ trụ: 60 năm loài người vẫn rơi nước mắt
- Chuyện về con người và những chú chó
- Chú chó huyền thoại Hachiko: Ăn đòn rồi được phong thánh
“Một khúc xương cho chó không phải là hảo tâm. Hảo tâm là khi khúc xương được chia sẻ với con chó, vào lúc bạn cũng đói y như nó” là quan điểm của Jack London về quan hệ giữa người và chó.
Thế nhưng, với một chú chó, nó không so đo quá nhiều. Một khúc xương cho nó, dù tới từ bàn tay ân cần vuốt ve hay đi kèm với tiếng nạt nộ, vẫn là một sự ban ơn.
Khi người muốn thành sói
Mùa thu năm 1897, Jack London, khi đó 21 tuổi, cùng với em rể lao vào cuộc may rủi tìm vàng ở miền băng giá Klondike, Canada. Thời tiết khắc nghiệt nơi đây khiến thể chất nhà văn suy sụp. London bị suy dinh dưỡng và mắc bệnh scurvy, khiến ông bị rụng bốn chiếc răng ngoài.
Thế nhưng, sự suy kiệt về thể chất lại mang tới những sức mạnh tinh thần to lớn khiến Jack London phần nào cũng giống như Buck trong Tiếng gọi nơi hoang dã, một chú chó nhà thuần tính nhưng khi bắt đầu bị biến thành chó kéo xe ở Klondike, nó bắt đầu chai sạn, mạnh mẽ và hóa sói.
Sau này, mọi người thường gọi ông là Wolf (dịch: Sói). Trong thư gửi bạn thân, ông cũng ký tên Wolf còn nhà ông được gọi là Wolf House (dịch: Nhà Sói). Đặc biệt, rất nhiều tác phẩm của ông được viết dưới góc nhìn của một chú chó mang dòng máu sói.
Câu chuyện ngụ ngôn về loài người
Nanh trắng kể về chú chó cùng tên, mang 1/4 dòng máu chó nhà, còn lại là sói. Từ khi mới sinh ra, Nanh trắng đã rất hoang dã bởi phải đối diện với cuộc sống bấp bênh: các anh em cùng lứa chết đói cả, sói bố bị ăn thịt, vừa bước chân ra khỏi tổ thì chính nó cũng suýt thành mồi cho nhiều con vật khác ở Klondike…
Trong một lần lang thang, Nanh trắng gặp con người rồi nó cùng mẹ trở thành vật nuôi của Chồn Xám. Chủ này thực dụng, thích lấy đòn roi để thể hiện quyền lực, khiến Nanh trắng cũng trở nên mưu mô, thích dùng nanh vuốt để đàn áp những con vật yếu thế khi có cơ hội.
Sau khi bị chủ bán lại cho Smith “đẹp”, một tên tàn nhẫn, lươn lẹo, mua Nanh trắng để mang đi chọi chó, nhân vật chính trở nên hoang dã hơn bao giờ hết, chỉ biết cắn xé, thù hận.
Thế nên, khi gặp Weedon Scott, dù được người này cứu khỏi tay thần chết, Nanh trắng vẫn nhe vuốt nghi ngờ. Tuy nhiên, sau khi chứng kiến tình yêu thương thật lòng của chủ mới, Nanh trắng đã hoàn toàn thay đổi, trở thành một con chó nhà trung thành hết mực, biết “đối nhân xử thế”, cứu chủ bao phen thoát nạn và cuối cùng, được hưởng cuộc sống hạnh phúc viên mãn bên “vợ con”.
Từ thế kỷ 19, Darwin đã phát hiện ra những yếu tố tích cực trong khả năng nhận thức và thích nghi của loài vật trong các hoàn cảnh sống mới. Nanh trắng là con vật thông minh, thế nên, không lạ khi tính khí của nó thay đổi theo chủ nhân. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là Nanh trắng của Jack London không phán xét. Con vật đơn giản ghi nhận những điểm tốt ở chủ, coi họ là những “vị thần”, không cần biết động cơ, rồi từ đó đáp trả bằng hết tấm lòng (trừ Smith “đẹp”, vì tên này không có điểm tốt).
Câu chuyện của chú chó Buck trong Tiếng gọi nơi hoang dã cũng tương tự, tâm tính con vật vẫn hướng thiện, chỉ có điều hoàn cảnh đi ngược lại.
Đó chẳng phải là những đức tính tốt mà con người vẫn dạy nhau? Cuộc đấu tranh sinh tồn, tâm lý của Nanh trắng hay Buck có khác gì loài người? Những câu chuyện ngụ ngôn đáng đọc về luân lý, cứu rỗi, đứng vững trước mọi biến cố và nhất là lòng biết ơn.
Có hay không một triết gia – chó?
Chó trong truyện của Jack London là con vật biết nghiền ngẫm suy nghĩ về vị trí của mình trong xã hội, luôn tìm cách “thăng cấp” khi có cơ hội, nỗ lực duy trì “niềm tự hào” của mình thay vì ngồi gặm nhấm giầy dép và có những nỗi nhớ nhung rất con người.
Dù Jack London nỗ lực thể hiện sự rằng suy nghĩ của các chú chó này khác với loài người nhưng ông vẫn là chủ đề của nhiều lời chế giễu. Tổng thống Mỹ Roosevelt từng công khai gọi Jack London là kẻ chẳng biết gì về các đặc tính của loài vật mà dám “khua môi múa mép”.
London nổi khùng: “Hết lần này tới lần khác, rất nhiều lần, trong câu chuyện của mình, tôi viết, nói về những chú chó anh hùng của tôi: “Nó không nghĩ những điều đó, nó đơn giản là hành động”. Vì nhắc lại quá nhiều, mạch văn của tôi bị nghẽn và các quan điểm nghệ thuật bị vi phạm. Tôi làm vậy để làm rõ điều một người có trí óc trung bình cũng hiểu được là những con chó anh hùng của tôi không có lý luận trừu tượng gì mà hoạt động theo bản năng, cảm giác, cảm xúc, và với những lý do đơn giản”.
Quả thật, những con sói thật ít cô độc và hiếu chiến hơn so với nhân vật của London. Tuy nhiên, rất nhiều ý tưởng của London rằng chó có hệ thống cảm xúc riêng đã được khoa học hiện đại chứng minh. Quan điểm của Roosevelt rằng chó không suy nghĩ gì đã lỗi thời. Độc giả cũng dễ dàng thấy bóng dáng Nanh trắng và Buck qua những chú cún cưng nhà mình.
Nhưng quan trọng hơn, qua các chú chó, Jack London muốn cứu vãn những giá trị tình cảm đang ngày một đi xuống ở con người. Chẳng thế mà London, một người “có hầu hết những thứ quý giá nhất trên thế giới” nhưng “vẫn là một người bi quan”. “Khi nhìn mọi thứ một cách bình thản, khoa học, tôi vẫn thấy mọi thứ dường như vô vọng. Sau nhiều năm lao động và phát triển, con người lại trở nên xấu xa hơn bao giờ” - như ông bộc bạch, lộ rõ mong muốn được là sói.
Đúng như bậc đàn anh của ông là Mark Twain đã viết: “Càng hiểu rõ con người, tôi càng thấy yêu chó hơn”.
Thư Vĩ
Thể thao & Văn hóa Xuân Mậu Tuất