Nâng tầm giá trị sen Hà Nội (kỳ 3 & hết): Hướng tới một lễ hội mang tầm quốc tế
Sen Hà Nội hội tụ đủ những câu chuyện của một thương hiệu văn hóa để kể. Và, khi nó được kể trong một không gian đậm chất văn hóa của đất Kinh kỳ như những con phố đi bộ ven hồ Tây, thì chắc chắn sen Hà Nội sẽ là điểm nhấn về du lịch, văn hóa, và cả kinh tế cho Thủ đô.
Cũng bởi thế, mà Lễ hội Sen Hà Nội lần đầu tiên tổ chức đã mang đến những hiệu ứng tích cực trong tầm nhìn hướng tới một sự kiện quốc tế của Hà Nội.
Triển vọng từ nhiều hoạt động đặc sắc
Với chủ đề Sắc sen Hà Nội, Lễ hội Sen Hà Nội 2024 đã mang tới nhiều hoạt động đặc sắc tôn vinh giá trị của sen, giới thiệu sản phẩm OCOP (chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm) về sen Hà Nội cùng nhiều hoạt động trải nghiệm độc đáo.
Đáng chú ý có thể kể tới việc khánh thành và đưa vào hoạt động Trung tâm Giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch của quận Tây Hồ (số 2 phố Trịnh Công Sơn). Cơ bản được hoàn thành sau một năm thi công, Trung tâm đã kịp thời được đưa vào khai trương, phục vụ nhân dân đúng dịp quận Tây Hồ tổ chức Lễ hội Sen Hà Nội.
Ông Nguyễn Đình Khuyến, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết, Trung tâm này là điểm trưng bày giới thiệu, quảng bá, kết nối và tiêu thụ những sản phẩm OCOP của quận Tây Hồ và của các vùng miền khác; bảo tồn và khai thác các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời thúc đẩy, thu hút khách du lịch đến với quận Tây Hồ. Ngoài trưng bày sản phẩm OCOP của Tây Hồ, Trung tâm còn là điểm đến của những người yêu sen, thưởng sen, đặc biệt là trà sen - đặc sản của quận Tây Hồ và những người yêu nhạc Trịnh và nhạc dân tộc (dự kiến sẽ được tổ chức định kỳ).
Hoặc, một điểm nhấn khác của Lễ hội Sen Hà Nội đó là chương trình nghệ thuật bán thực cảnh Chuyện của sen tại sân khấu nổi trên mặt nước diễn ra trong lễ khai mạc. Chương trình sử dụng công nghệ ánh sáng mapping hiện đại, gồm 4 chương, tương ứng với 4 bối cảnh lịch sử cũng như giai đoạn vòng đời của một bông hoa sen cũng như một con người. Đó là câu chuyện về sự sống của loài sen được kết tụ tinh hoa của đất trời, từ lúc ươm mầm, lớn lên, kết nụ, nở hoa,… cùng với vẻ đẹp của người Hà Nội cần cù, chịu khó nhưng cũng vô cùng tinh tế, lãng mạn sống cùng sen.
Từ Chuyện của sen, nhìn rộng ra, đạo diễn Việt Đặng, Tổng đạo diễn chương trình khai mạc Lễ hội Sen Hà Nội cho rằng, quận Tây Hồ có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Hiện quận cũng có không gian văn hóa sáng tạo diễn ra tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn để phát triển du lịch đêm.
Với lợi thế về không gian, cảnh quan hiện có, quận Tây Hồ có thể xây dựng một chương trình nghệ thuật độc đáo được biểu diễn định kỳ để tạo điểm nhấn cho phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch đêm. Ví như, sau lễ khai mạc, chương trình bán thực cảnh Chuyện của sen nếu được điều chỉnh và hoàn thiện thêm, có thể trở thành sản phẩm văn hóa biểu diễn thường xuyên cho người dân và du khách.
"Định vị" thương hiệu sen Hà Nội
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định, Lễ hội Sen Hà Nội là một hoạt động cụ thể hiện thực hóa các chương trình, nghị quyết của Thành ủy Hà Nội.
"Người Hà Nội vẫn luôn tự hào "Đấy vàng đây cũng đồng đen/ Đấy hoa thiên lý đây sen Tây Hồ". Ngày nay, cây sen được phát triển ở nhiều huyện ngoại thành Hà Nội, gắn với du lịch sinh thái và làm nguyên liệu cao cấp cho ngành dệt may, chế biến hương liệu, tinh bột. Trong đó, có tơ sen "độc nhất vô nhị" ở Việt Nam do nghệ nhân Phan Thị Thuận sản xuất hoặc trà sen Tây Hồ nức tiếng bởi hương vị tinh túy của trời đất, có mâm cỗ sen - sản phẩm du lịch ẩm thực độc đáo hút khách ở làng cổ Đường Lâm…" - ông Quyền nhấn mạnh - "Thành phố Hà Nội đang tập trung phát triển cây sen như một phần trong chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp đô thị và du lịch. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi để phù hợp với tiến trình đô thị hóa và xây dựng đô thị sinh thái bền vững".
Bằng những hoạt động được xây dựng một cách bài bản, chuyên nghiệp, bước đầu thấy được Lễ hội Sen Hà Nội đã có những đóng góp thiết thực trong việc định vị thương hiệu sen Hà Nội, xa hơn là những đóng góp tích cực vào các chiến lược phát triển văn hóa, xã hội của Thủ đô.
Đó là, giới thiệu những giá trị độc đáo của nghề "ướp trà sen" cũng như những nét đặc trưng riêng có của văn hóa sen trong đời sống người Việt; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tăng cường liên kết, sản xuất và tiêu thụ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm các sản phẩm sen Hà Nội với các tỉnh, thành phố trên cả nước, góp phần phát triển kinh tế, du lịch địa phương.
Đồng thời, lễ hội này còn là cơ hội quảng bá và kích cầu du lịch, khơi dậy tiềm năng phát triển các sản phẩm OCOP của các địa phương; thu hút du khách đến tham quan Tây Hồ, Hà Nội, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng quận Tây Hồ thành "Trung tâm dịch vụ - du lịch - văn hóa của Thủ đô". Trong đó, sen Tây Hồ là một điểm nhấn, là một thương hiệu của quận Tây Hồ nói riêng và Hà Nội nói chung.
Trở thành sự kiện mang tính quốc gia và quốc tế
Ở góc nhìn quốc tế, bà Latana Siharaj, Đại biện lâm thời nước CHDCND Lào tại Việt Nam cho rằng, Lễ hội Sen Hà Nội là một hoạt động có ý nghĩa thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn hóa, hướng tới tăng cường mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các nước, các đại sứ quán tại Hà Nội.
"Những sự kiện như thế này không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về văn hóa và truyền thống của nước chủ nhà, mà còn tạo ra cơ hội để chia sẻ những giá trị và kinh nghiệm từ nhiều quốc gia khác nhau. Chúng tôi rất ấn tượng với sự chuẩn bị chu đáo và sự nhiệt tình của Ban tổ chức, các cơ quan liên quan của Việt Nam, cùng sự tham gia đông đảo của người dân và du khách. Đây chính là minh chứng cho thấy sự thành công của lễ hội và tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống" - bà Latana Siharaj nhấn mạnh - "Chúng tôi tin tưởng rằng hoạt động tôn vinh bản sắc văn hóa nói chung và hoa sen nói riêng sẽ tiếp tục được thành phố Hà Nội và các sở, ngành quan tâm tổ chức vào các năm tiếp theo, tạo nên một bức tranh đa sắc, làm phong phú thêm các hoạt động ngoại giao văn hóa của cộng đồng ngoại giao đoàn tại Thủ đô Hà Nội".
Rõ ràng, Lễ hội Sen Hà Nội đã mở ra một triển vọng trong phát triển hoạt động ngoại giao văn hóa. Ở khía cạnh này, Lễ hội Sen Hà Nội hoàn toàn có thể trở thành sự kiện quốc tế trong tương lai, đúng như gợi ý của PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tại giao lưu trực tuyến "Phát huy giá trị của sen Hà Nội trong cuộc sống hiện nay" được tổ chức trước thềm Lễ hội Sen Hà Nội diễn ra.
Theo ông Sơn: "Hà Nội đang tập trung phát triển công nghiệp văn hóa và Lễ hội Sen Hà Nội là hoạt động đóng góp tích cực, tôn vinh những giá trị văn hóa độc đáo của Thủ đô, của Tây Hồ, làm gia tăng giá trị của sen trong đời sống. Phải hướng lễ hội này trở thành sự kiện mang tính quốc gia và quốc tế. Vì thế, ban tổ chức cần quảng bá để lan tỏa các hoạt động của sự kiện đến người dân và du khách, đồng thời liên kết với các địa phương, tổ chức quốc tế".
Từ tầm nhìn này, ông Sơn cũng gợi ý thêm, Lễ hội sen Hà Nội cần liên kết với các địa phương nổi tiếng về hoa sen như Làng Sen quê Bác, đồng sen Tháp Mười… để tạo giá trị gia tăng cho hoạt động và câu chuyện về sen trong lễ hội, thậm chí có thể liên kết với các nước châu Á để xây dựng mạng lưới quảng bá, giới thiệu, làm tăng giá trị của sen trong đời sống.
"Phải hướng lễ hội này trở thành sự kiện mang tính quốc gia và quốc tế. Vì thế, ban tổ chức cần quảng bá để lan tỏa các hoạt động của sự kiện đến người dân và du khách, đồng thời liên kết với các địa phương, tổ chức quốc tế" - PGS-TS Bùi Hoài Sơn.