Nắng nóng tại Bắc Bộ: Hà Nội chạm ngưỡng 36 độ C
Ngày 21/3, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, từ ngày 21-24/3, khu vực Bắc Bộ sẽ xuất hiện nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất 34-36 độ C, có nơi trên 36 độ C.
"Đây là đợt nắng nóng cục bộ đầu tiên trong năm 2023 xảy ra tại Bắc Bộ và tập trung tại Tây Bắc Bộ. Cao điểm của đợt nắng này vào ngày 22/3 khi nhiệt độ ở thành phố Hà Nội khoảng 36 độ C. Trạng thái oi nóng duy trì đến hết ngày 24/3", ông Hưởng lưu ý.
Ngày 22/3, khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh Sơn La, Hòa Bình và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có khả năng xảy ra nắng nóng diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ. Các nơi khác ở Bắc Bộ và khu vực từ thành phố Đà Nẵng đến Phú Yên có khả năng xảy ra nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến 34-36 độ C, có nơi trên 36 độ C.
Sau đợt nắng nóng kéo dài 4 ngày trên, dự báo từ ngày 25/3, nền nhiệt độ ở Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế sẽ chuyển mát; từ đêm 26-28/3 có mưa rào và dông rải rác.
Các chuyên gia khí tượng khuyến cáo, do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn, nên một số nơi có thể có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng.
Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Để phòng, tránh nắng nóng, theo các chuyên gia y tế, người dân cần uống nhiều nước, bổ sung đầy đủ, điều độ nước hàng ngày, thậm chí hàng giờ để chống nắng nóng và bù lượng nước bị mất đi; không nên uống nước đá, nước lạnh hay nước ngọt có gas vì sẽ làm cơ thể thêm phần mất nước; tốt nhất là chọn các loại nước như: nước lọc, nước ép trái cây, nước ép rau xanh nguyên chất…
Bên cạnh đó, người dân cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng hiệu quả; chế độ ăn đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng và có sự thay đổi, luân phiên trong việc chế biến các món ăn; nên ăn thức ăn dễ tiêu hóa, thức ăn nhiều nước; ăn nhiều những thực phẩm có tác dụng thanh nhiệt, giải độc cơ thể để chống nắng nóng như: trái cây, rau xanh, chè hạt sen, sữa chua, sữa tươi…
Mọi người nên mặc trang phục nhẹ, rộng, thoáng mát (như linen, cotton, lụa...) để dễ toát mồ hôi. Ra đường cần mặc kín, tránh quần áo quá dày và tối màu vì sẽ dễ hấp thụ nhiệt. Người dân nên đội mũ, nón rộng vành, ưu tiên loại có các lỗ thông hơi, đeo kính râm để bảo vệ mắt...; cần tắm rửa thường xuyên và giữ vệ sinh sạch sẽ để tránh mắc các bệnh truyền nhiễm...