Nàng Mona Lisa và vụ trộm 110 năm trước
(Thethaovanhoa.vn) - Tại sao Mona Lisa là bức tranh nổi tiếng nhất trên thế giới? Vì nụ cười bí ẩn của nàng? Vì bí ẩn xung quanh thân thế của nàng? Vì bức tranh cho danh họa Phục hưng Leonardo da Vinci vẽ?
Có thể, những điều này đã góp phần tạo ra sự nổi tiếng của kiệt tác thế kỷ 16. Nhưng không phủ nhận: Bức chân dung này trở thành “ngôi sao” được biết tới sau vụ trộm táo bạo từ cách đây 110 năm.
Khi người thợ Italy Vincenzo Peruggia đánh cắp Mona Lisa khỏi bảo tàng Louvre ở Paris vào ngày 21/8/1911, anh ta không bao giờ có thể ngờ rằng sự vắng mặt của Mona Lisa sẽ khiến bức tranh này trở thành kiệt tác hội họa nổi tiếng nhất hành tinh.
Vụ trộm táo tợn
Vậy Peruggia đã làm cách nào để thực hiện một trong những vụ trộm cắp nghệ thuật “khét tiếng” nhất mọi thời đại?
Thời điểm đó, người thợ Peruggia đã được Louvre thuê để làm tủ kính bảo vệ cho một số tác phẩm nổi tiếng của bảo tàng, trong đó có cả bức Mona Lisa. Sau khi trốn trong tủ quần áo qua đêm, anh ta chỉ việc gỡ bức tranh ra, giấu nó dưới lớp áo khoác và định phóng ra khỏi tòa nhà. Tuy nhiên, anh ta phát hiện ra cửa đã bị khóa. Peruggia tuyệt vọng tháo tay nắm cửa, nhưng nó vẫn không mở cho đến khi một thợ sửa ống nước đi ngang qua và được nhờ mở cửa bằng chìa khóa của anh ta. Peruggia hối hả đến ga Quai d'Orsay, lên chuyến tàu tốc hành lúc 7h47 sáng ra khỏi thành phố.
Phải đến 24 giờ sau người ta mới phát hiện ra Mona Lisa đã mất tích. Sau khi Bảo tàng Louvre thông báo về vụ trộm, các tờ báo trên khắp thế giới đã đưa tin rầm rộ về kiệt tác này. Tờ New York Times tuyên bố: “60 thám tử tìm kiếm bức tranh bị đánh cắp Mona Lisa trong sự phẫn nộ của công chúng Pháp”.
Vụ trộm đã trở thành một bê bối quốc gia. Dorothy Hoobler, đồng tác giả cuốn The Crimes of Paris, nói: “Ở Pháp, rất nhiều người lo ngại rằng các triệu phú Mỹ đang mua di sản của Pháp - những bức tranh đẹp nhất. Có thời điểm, nhà tài phiệt người Mỹ đồng thời là người yêu nghệ thuật J.P. Morgan bị tình nghi đứng sau vụ trộm. Cả danh họa Tây Ban Nha Pablo Picasso cũng bị coi là nghi phạm và bị thẩm vấn”.
Sau một tuần đóng cửa, Bảo tàng Louvre mở cửa trở lại cho rất nhiều người, trong số đó có nhà văn Franz Kafka. Đây cũng là lần đầu tiên có những người xếp hàng bên ngoài bảo tàng Louvre chỉ để nhìn thấy khoảng không gian trống nơi bức tranh đã được treo – điều mà đối với nhiều người dân Paris, đó là “dấu ấn đáng xấu hổ”.
Thực tế, trước khi bị đánh cắp, Mona Lisa không được biết đến rộng rãi bên ngoài thế giới nghệ thuật. Leonardo da Vinci đã vẽ nó vào năm 1507 nhưng phải đến những năm 1860, các nhà phê bình mới bắt đầu ca ngợi nó như một tác phẩm hội họa thời Phục hưng. “Vụ trộm đã khiến Mona Lisa trở thành một cái tên quen thuộc đối với những người chưa bao giờ đến châu Âu và không quan tâm đến nghệ thuật” - theo Noah Charney, giáo sư lịch sử nghệ thuật đồng thời là tác giả cuốn Thefts of the Mona Lisa được phát hành hồi năm 2011.
Perugia hy vọng sẽ bán được bức tranh. Tuy nhiên, vụ trộm đã nhận được nhiều sự chú ý và bức Mona Lisa trở nên quá “nóng”. Trong vài ngày, nhiều tờ báo đã đưa tin về phần thưởng cho ai tìm được bức tranh. Vì vậy, Perugia đã cất nó vào đáy giả của một chiếc hòm trong nhà trọ ở Paris của mình.
28 tháng sau khi đánh cắp từ bảo tàng Louvre, Perugia cuối cùng đã tìm được mối bán bức Mona Lisa - một đại lý nghệ thuật ở Florence. Nhưng người mua đã nghi ngờ và mời người đứng đầu một phòng trưng bày nghệ thuật Italy đến xem bức tranh. Một con tem ở mặt sau xác nhận xuất xứ của nó. Perugia trở về nhà. Nửa giờ sau, trước sự ngạc nhiên của Perugia, cảnh sát đã có mặt trước cửa nhà anh ta.
Tháng 12/1913, Peruggia đã bị bắt và bị kết án 7 tháng tù. Mona Lisa được tìm thấy và nó đã trở thành bức tranh được biết đến nhiều nhất trong thời buổi trước khi người ta có thể chia sẻ các hình ảnh trên TV, internet và điện thoại.
- Bản sao bức chân dung Mona Lisa được bán với giá gần 15 tỷ đồng
- 500 năm kiệt tác 'Mona Lisa': 'Bí hiểm' nhất lịch sử nghệ thuật
- 'Mona Lisa' là người tình đồng giới của Da Vinci?
Trở thành viên ngọc quý
Giờ đây, Mona Lisa là viên ngọc quý trên vương miện của Bảo tàng Louvre, giúp thu hút hơn 9,7 triệu lượt khách đến bảo tàng ở Paris hàng năm và xuất hiện trong nhiều sản phẩm, từ các tác phẩm pop-art của Andy Warhol đến tiểu thuyết ăn khách The Da Vinci Code (Mật mã Da Vinci) của Dan Brown.
Nhưng nếu Peruggia thay một tác phẩm nghệ thuật khác dưới chiếc áo choàng vào ngày định mệnh đó, đó có thể là một câu chuyện rất khác. “Nếu một tác phẩm khác của Leonardo bị đánh cắp, thì đó sẽ là tác phẩm nổi tiếng nhất trên thế giới chứ không phải Mona Lisa. Tác phẩm này được biết đến là một bức tranh tuyệt vời của một danh họa, nhưng vụ trộm mới thực sự làm tăng sức hấp dẫn của nó và khiến Mona Lisa trở thành một cái tên quen thuộc” – Charney, người sáng lập Hiệp hội Nghiên cứu Tội ác Nghệ thuật (ARCA), cho biết.
Ông nói thêm: “Bảo tàng Louvre có hơn 400 phòng, nhưng chỉ có 200 bảo vệ và thậm chí còn ít hơn khi họ phải làm nhiệm vụ qua đêm. Về cơ bản trong thời gian đó, không có hệ thống báo động nào hoạt động. Các tác phẩm trong bảo tàng được bảo mật rất thấp, bởi hầu hết các viện bảo tàng ở thời điểm đó đều như vậy”.
Bây giờ, khi khách tham quan tới Bảo tàng Louvre chỉ được ngắm nụ cười đặc biệt của nàng Mona Lisa từ phía sau tấm kính chống đạn, không ai có thể hưởng đặc ân như Peruggia – khi anh ta đã được ở bên người phụ nữ nổi tiếng nhất thế giới trong trong hơn 2 năm.
Khi bị bắt, Peruggia – lúc đó 32 tuổi - tuyên bố anh ta đánh cắp tác phẩm nghệ thuật để đưa Mona Lisa trở về quê hương Italy. Theo Charney: “Peruggia dường như đã thực sự tin rằng mình sẽ được coi là anh hùng dân tộc khi đưa được bức tranh trở về quê hương. Nhưng cuối cùng anh ta đã thực sự thất vọng khi phát hiện ra mình không được nhìn nhận như vậy”.
Kiệt tác gắn với lịch sử nước Pháp Danh họa Leonardo da Vinci bắt đầu vẽ Mona Lisa vào khoảng năm 1503, trong thời Phục hưng Italy sau khi ông đã bỏ bẵng nó trong 4 năm, không hoàn thành. Da Vinci được cho là đã tiếp tục bức vẽ trong 3 năm sau khi đã rời sang Pháp. Ông đã hoàn thành nó một thời gian ngắn trước khi mất vào năm 1519, sau khi vua François I mời nghệ sĩ tới làm việc tại Clos Lucé gần lâu đài của mình. Qua những người thừa kế trợ lý của da Vinci là Salai, nhà vua đã mua bức tranh và giữ nó tại Château Fontainebleau, nơi nó được lưu giữ cho tới khi được trao cho Louis XIV. Louis XIV đưa bức tranh tới Cung điện Versailles. Sau cuộc Cách mạng Pháp, bức tranh được đưa tới Bảo tàng Louvre. Napoleon I từng đưa kiệt tác này vào phòng ngủ trong Cung điện Tuileries nhưng sau đó nó được đưa trở lại Louvre và được lưu giữ cho đến nay. |
Việt Lâm (tổng hợp)