Năng lượng mặt trời, gió, sóng biển, thủy triều: Tiềm năng khổng lồ của biển đảo Việt Nam
(Thethaovanhoa.vn) - Việt Nam là quốc gia có bờ biển dài trên 3.200 km với 2.773 đảo ven bờ, chưa kể các đảo trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Nơi tập trung nhiều đảo ven bờ là khu vực biển ven bờ Quảng Ninh – Hải Phòng (2.321 đảo) và Kiên Giang (143 đảo). Các đảo ven bờ có vai trò đặc biệt trong phát triển kinh tế biển, an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia trên biển.
- Ký kết đẩy mạnh hoạt động VH,TT&DL và gia đình trên các tuyến biên giới, biển đảo
- Cuốn sách ảnh vô giá về biển đảo Việt Nam của nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn
Rất nhiều đảo lớn ven bờ biển Việt Nam đã có người sinh sống từ rất lâu, hiện hình thành các khu vực dân cư tập trung khá lớn. Đây cũng là vùng có tiềm năng về năng lượng tái tạo của nước ta. Nếu phát huy được tiềm năng này sẽ đổi hướng chuyển tải điện từ đất liền ra đảo, thành chuyển điện từ đảo vào đất liền khi Nhà nước quan tâm đến phát huy tiềm năng năng lượng tái tạo lớn của vùng biển ven bờ, đồng thời xóa bỏ được việc bao cấp trong sản xuất điện từ các nguồn năng lượng truyền thống là nhiệt điện và thủy điện.
Năng lượng gió
Theo phân tích của Tiến sĩ Dư Văn Toán, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam: Vùng biển ven bờ nước ta bao gồm các đảo và mặt nước biển có tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo với các dạng năng lượng chính, gồm năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sóng, năng lượng thủy triều, năng lượng sinh khối và các dạng năng lượng.
Trước hết là năng lượng gió: Sự chuyển động của không khí dưới sự chênh lệch áp suất khí quyển tạo ra gió, nên đây cũng là một nguồn năng lượng, nguồn điện vô cùng tận so với đời sống con người. Với ưu điểm là nguồn năng lượng gió không bao giờ cạn và hoàn toàn miễn phí, những máy quay gió cũng như những cánh đồng máy quay gió đã ra đời. Loại hình này cũng không tạo ra chất thải ô nhiễm môi trường và gần như rất thích hợp cho những khu vực xa đô thị, nơi mà lưới điện quốc gia khó có thể vươn tới. Giống như năng lượng mặt trời, loại hình năng lượng này cũng đòi hỏi vốn đầu tư khá cao và lệ thuộc vào tự nhiên. Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, loại hình năng lượng này đã xuất hiện ở nhiều quốc gia như Đức, Trung Quốc, Tây Ban Nha… và đang là tiềm năng kinh doanh đầy triển vọng.
Việt Nam có một vị trí địa lý tương đối thuận lợi để phát triển khai thác điện gió, trong đó phải nhắc đến vai trò quan trọng của hệ thống gió mùa trong khu vực. Theo tài liệu “Bản đồ năng lượng gió khu vực Đông Nam Á” công bố vào năm 2001, Việt Nam có một tiềm năng vô cùng lớn cho việc khai triển điện gió thương mại. Trong các nghiên cứu gần đây, tiềm năng điện gió trên đất liền quy mô lớn được đánh giá có công suất lý thuyết lên đến 120-160GW, với phần lớn các tiềm năng khai thác nằm dọc khu vực ven Biển Đông - Đông Nam.
Từ năm 2011, Công ty Công lý Cà Mau đã xây dựng và triển khai các nhà máy điện gió ven biển tại Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh) với mật độ 100MW/5km2, khoảng cách giữa các tuốc bin gió trục đứng 1,5MW cao 80m, chiều dài cánh quạt 42,5m. Tổng diện tích mặt biển dự tính gần 3.000 ha với công suất 600MW.
Năng lượng mặt trời
Đây là loại năng lượng phổ biến ở các vùng trên thế giới đã được con người sử dụng từ rất lâu đời. Thách thức chính trong sử dụng năng lượng mặt trời là cường độ năng lượng trên một đơn vị diện tích nhỏ, giá thành điện tương đối cao và sự phụ thuộc mạnh của bức xạ mặt trời vào thời tiết khí hậu. Trong những năm gần đây, sự tiến bộ nhanh chóng về thiết bị công nghệ (pin mặt trời) dẫn đến giá thành năng lượng mặt trời thấp, mang tính cạnh tranh cao về kinh tế đang làm cho năng lượng này, đặc biệt điện từ pin mặt trời trở nên phổ biến ở các quốc gia và Việt Nam.
Trong khi Việt Nam có bức xạ mặt trời vào loại cao trên thế giới, với số giờ nắng dao động từ 1.600-2.600 giờ/năm, đặc biệt là khu vực phía Nam. Cả nước hiện có trên 100 trạm quan trắc toàn quốc để theo dõi dữ liệu về năng lượng mặt trời. Tính trung bình toàn quốc thì bức xạ mặt trời dao động từ 3,8-5,2 kWh/m2/ngày. Tiềm năng điện mặt trời là tốt nhất ở các vùng từ Thừa Thiên - Huế trở vào miền Nam (bức xạ dao động từ 4,0-5,9 kWh/m2/ngày). Các đảo ven bờ Việt Nam là nơi có tiềm năng năng lượng mặt trời rất phong phú, việc triển khai năng lượng mặt trời tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đang là minh chứng cho việc sử dụng thành công năng lượng mặt trời trên các đảo.
Năng lượng thủy triều
Để quay cánh quạt chạy máy phát điện có thể sử dụng dòng thủy triều lên xuống, một dạng năng lượng có nguồn nhiên liệu vô tận và miễn phí. Loại mô hình này không sản sinh ra chất thải gây hại môi trường và không đòi hỏi sự bảo trì cao. Khác với mô hình năng lượng mặt trời và năng lượng gió, năng lượng thủy triều khá ổn định vì thủy triều trong ngày có thể được dự báo chính xác. Nhược điểm của loại năng lượng này là đòi hỏi một lượng đầu tư lớn cho thiết bị và xây dựng và đồng thời làm thay đổi điều kiện tự nhiên của một diện tích rất rộng.
Ngoài ra, mô hình này chỉ hoạt động được thời gian ngắn trong ngày khi có thủy triều lên xuống và cũng rất ít nơi trên thế giới có địa hình thuận lợi để xây dựng nguồn năng lượng này một cách hiệu quả. Ở Việt Nam, tiềm năng năng lượng thủy triều không lớn, chỉ có thể đạt công suất 4GW tại vùng biển ven bờ Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy vậy, khu vực tiềm năng lớn chưa được nghiên cứu là vùng biển ven bờ Quảng Ninh – Hải Phòng, đặc biệt là Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long, nơi thủy triều có biên độ cao (> 4m) và có nhiều đảo làm đê chắn cho các bể chứa nước trong các vịnh và đầm hồ ven biển.
Năng lượng sóng biển
Là một dạng năng lượng vô tận, không tạo chất thải, không đòi hỏi bảo trì cao và hoàn toàn miễn phí, song sóng biển gần như không thể dự đoán nên sự lệ thuộc của loại mô hình này vào tự nhiên quá lớn. Ngoài ra, không phải nơi nào cũng thích hợp xây dựng mô hình năng lượng này. Ở Việt Nam, vấn đề nghiên cứu và sử dụng năng lượng sóng biển chưa được quan tâm nhiều, nhưng với các hòn đảo vùng ven biển, điện từ sóng biển có thể trở thành nguồn năng lượng tiềm năng và vô tận khi giá thành điện từ nguồn năng lượng này mang tính cạnh tranh.
Ngoài các nguồn năng lượng tái tạo nguồn kể trên, các đảo ven biển Việt Nam còn có khả năng khai thác các loại năng lượng tiềm năng khác, gồm có năng lượng sinh khối là nước thải của các hoạt động kinh tế trên biển có thể xử lý thành Biogas nhằm cung cấp chất đốt sinh hoạt cho dân cư trên đảo; chất thải rắn sinh hoạt (rác thải và phế phụ phẩm nông nghiệp) có thể sử dụng nhiệt khi đốt rác để giảm diện tích chôn lấp trên các đảo đất hẹp người đông. Năng lượng nhiệt đại dương là nước biển bề mặt ven các đảo thường có nhiệt độ tương đối cao tùy thuộc vào mùa, trong khi nước biển ở tầng đáy thường khá thấp. Sự chênh lệch nhiệt độ này có thể lên đến vài chục độ, có thể tạo ra hiệu ứng dòng điện một chiều để cung cấp điện cho các hoạt động trên đảo. Năng lượng tái tạo từ việc nuôi trồng tảo trên biển. Theo đó, vùng nước biển được khoanh vùng để nuôi một số loài tảo có khả năng tích lũy sinh khối dạng dầu bio-diezen. Từ dầu bio-diezen thu được có thể sử dụng để phát điện.
Từ những phân tích, đánh giá về những nguồn năng lượng tái tạo nêu trên, các chuyên gia thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng, việc chuyển điện từ đất liền ra các đảo ven bờ do EVN đã và đang thực hiện là công việc cần thiết trong giai đoạn mở rộng hoạt động phát triển kinh tế biển, đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước hiện nay. Nhưng trong tương lai, xu hướng này có thể được thay thế bằng việc chuyển điện sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo có tiềm năng lớn trên vùng biển và các đảo vào đất liền, cũng như xu hướng hình thành các đảo được cung cấp 100% điện từ nguồn năng lượng tại chỗ.
Để phát huy các tiềm năng năng lượng tái tạo to lớn của vùng biển và các đảo ven bờ Việt Nam, Nhà nước cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đáng lưu ý là các giải pháp xây dựng Luật Năng lượng tái tạo, xóa bỏ dần các trợ cấp nhà nước cho sản xuất điện truyền thống (nhiệt điện và thủy điện), đầu tư kinh phí đánh giá tiềm năng các dạng năng lượng tái tạo ở các vùng biển ven bờ, tạo điều kiện khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện các dự án sản xuất điện từ nguồn năng lượng tái tạo.
Văn Hào