Nam thần Nevertheless mắc chứng động kinh được miễn nghĩa vụ quân sự: Căn bệnh này nguy hiểm tới mức nào mà WHO từng cảnh báo đến toàn thế giới?
Ngày 18/1, tờ Star Today đưa tin trong cuộc phỏng vấn nhằm quảng bá bộ phim Unlock the Boss ra mắt tháng 12 năm ngoái, nam diễn viên Chae Jong Hyeop bất ngờ khi lần đầu chia sẻ lý do anh được miễn nghĩa vụ quân sự. Theo đó, anh được chẩn đoán mắc chứng động kinh từ trước khi quay bộ phim truyền hình đầu tay Stove League của đài SBS.
"Khi chuẩn bị trở thành diễn viên, tôi biết chuyện nhập ngũ rất quan trọng và tôi nghĩ mình nên tham gia nghĩa vụ quân sự sớm. Do đó, tôi rất chú ý chăm sóc sức khỏe bản thân. Thời điểm đó, qua cuộc kiểm tra điện não đồ, tôi được chẩn đoán mắc chứng động kinh", Chae Jong Hyeop nói.
Chae Jong Hyeop trở thành hiện tượng, được khán giả đặc biệt quan tâm khi bộ phim Nevertheless phát hành năm 2021.
Nam diễn viên chia sẻ thêm lần đầu tiên xảy ra triệu chứng là ở Nam Phi, nơi anh học cho đến năm 21 tuổi. Sau khi đến Hàn Quốc tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học, Chae Jong Hyeop lên cơn co giật và ngã quỵ. Bác sĩ yêu cầu anh khám sức khỏe toàn diện và nhận được kết quả sức khỏe loại 4.
"Tôi chỉ nghĩ mình bị thiếu máu do ăn kiêng và bỏ qua chuyện này. Thậm chí tôi còn bị ngã khi đang quay phim", anh kể.
Jong Hyeop nói rằng anh hiểu việc tham gia nghĩa vụ là đặc biệt quan trọng nên đã chú ý chăm sóc sức khỏe của bản thân. Tuy nhiên, sau một lần anh đến bệnh viện kiểm tra, chụp điện não đồ thì được chẩn đoán mắc động kinh.
Tại Hàn Quốc, việc thực hiện nghĩa vụ quân sự là chuyện bình đẳng, không ai có thể trốn tránh trách nhiệm này. Các trường hợp miễn nghĩa vụ quân sự là rất ít. Chủ yếu là những người không đủ khả năng thực hiện như:
- Người tàn tật
- Người mắc bệnh tâm thần
- Người mắc bệnh truyền nhiễm
- Người không có khả năng lao động
- Vận động viên giành được huy chương vàng ở Olympic hoặc ASIAD
Nhận thấy sức khỏe của bản thân không đáp ứng được yêu cầu, Chae Jong Hyeop đã nộp hồ sơ cho Cục quản lý và được xếp vào diện miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự, chuyển sang lao động thời chiến.
“Sáng nào tôi cũng uống thuốc. Bác sĩ bảo những người có khả năng tái phát sẽ cảm thấy các triệu chứng nên tôi phải đề phòng.
Động lực lớn nhất là bởi tôi rất yêu thích công việc của mình và muốn tiến xa hơn trong sự nghiệp. Tôi biết mình còn nhiều thiếu sót, đó là lý do tại sao tôi đang làm việc chăm chỉ và kiên trì”. Chae Jong Hyeop nói.
Chae Jong Hyeop có sức khỏe yếu và được miễn nghĩa vụ quân sự
Bệnh động kinh là gì?
Động kinh là bệnh trong dân gian còn gọi là phong xù, kinh phong, kinh giật. Đây là một trạng thái bệnh lý của não bộ, do sự phóng điện đột ngột kịch phát và tăng đồng bộ của các tế bào thần kinh vỏ não. Với đặc điểm có các cơn rối loạn kịch phát chức năng của não về vận động, tâm thần, cảm giác, giác quan, thần kinh thực vật và ý thức.
Theo thống kê, số người mắc bệnh động kinh chiếm khoảng 0,5 - 0,7% dân số, số người bệnh mới mắc trung bình hàng năm là 20 - 70 người trong 100.000 dân. Nhưng tỷ lệ giữa các nước, vùng, khu vực có sự khác nhau.
Thực tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã nhấn mạnh căn bệnh động kinh này là vấn đề cấp bách trong y tế hiện nay khi có tới 65 triệu người mắc, riêng tại Mỹ có 3 triệu người bệnh. Các chuyên gia dự báo, con số trên sẽ không ngừng gia tăng trong thời gian tới.
Dấu hiệu của động kinh
Cơn động kinh xảy ra khi có sự phóng quá mức và nhất thời của một nhóm neuron trong não nên gây ra các triệu chứng tương ứng với vùng não bị kích thích. Người bệnh có thể biểu hiện các dấu hiệu và triệu chứng như:
- Cơn lú lẫn thoáng qua
- Co giật không kiểm soát được ở tay, chân và/hoặc toàn bộ cơ thể
- Co cứng
- Mất ý thức hoặc nhận thức, nhìn chằm chằm vào khoảng không
- Cảm giác sợ hãi, lo lắng hay thấy hiện tượng Deja vu (cảm giác lạ hoặc mùi vị khác lạ)
- Té ngã hay ngã quỵ xuống
- Bất tỉnh và không nhớ chuyện gì đã xảy ra sau cơn động kinh.
Nguyên nhân gây bệnh động kinh là gì?
Khoảng 50% người mắc bệnh động kinh không xác định được nguyên nhân rõ ràng. Các trường hợp còn lại, động kinh có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố, như:
Do ảnh hưởng từ yếu tố di truyền: Một số loại động kinh có thể được di truyền qua các thế hệ. Tuy nhiên, với hầu hết mọi người, gen chỉ là một phần nguyên nhân gây ra chứng bệnh này. Một số gen nhất định có thể làm cho bạn nhạy cảm hơn với các điều kiện môi trường gây ra cơn động kinh.
Chấn thương đầu: Sau một tai nạn gây chấn thương ở đầu có thể dẫn đến tình trạng động kinh trong tương lai.
Các bệnh lý ở não bộ: Các bệnh lý gây tổn thương não như có khối u trong não, đột quỵ , dị dạng động mạch, dị dạng xoang hang có thể gây ra động kinh. Đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây động kinh ở người trưởng thành trên 35 tuổi.
Bệnh nhiễm trùng: Tình trạng viêm màng não, HIV, viêm não do virus và một số bệnh nhiễm kí sinh trùng đều có khả năng gây ra bệnh động kinh.
Tổn thương trước khi sinh: Trước khi chào đời, thai nhi rất nhạy cảm với các yếu tố có khả năng gây tổn thương não, như nhiễm trùng ở người mẹ, thiếu dinh dưỡng hay thiếu oxy. Tổn thương ở não sẽ làm tăng khả năng bị động kinh hoặc bại não ở trẻ.
Rối loạn phát triển: Bệnh động kinh đôi khi có liên quan đến các rối loạn phát triển, chẳng hạn như bệnh tự kỷ.