Nam sinh Harvard 18 tuổi ra đi vì trầm cảm: Mặt tối phía sau ĐH danh giá nhất thế giới
Trước khi qua đời, nam sinh này được đánh giá là chàng trai thông minh, tốt bụng và có tương lai vô cùng sáng sủa.
Mỗi kỳ tuyển sinh, những đại học danh tiếng luôn là mơ ước của nhiều học sinh và cả bậc làm cha mẹ. Trong đó, Harvard không phải cái tên xa lạ khi sở hữu loạt thành tích đào tạo ấn tượng và nổi tiếng là cái nôi của nhiều doanh nhân và lãnh đạo hàng đầu thế giới.
Nhưng bên cạnh những điểm sáng, Harvard cũng có nhiều mặt tối không hoàn hảo, có thể khiến bạn "vỡ mộng" về ngôi trường danh giá này.
Cái kết bi kịch của nam sinh Harvard qua đời ở tuổi 18
Luke Tang, sinh ra trong gia đình người Mỹ gốc Hoa, có bố mẹ và anh trai đều có thành tích khủng. Cha Luke là Tiến sĩ và nhà nghiên cứu bệnh học tại Trung tâm y tế New Orleans (Mỹ) trong khi mẹ cậu là kế toán, được công nhận là nhà phân tích tài chính cấp cao tại bệnh viện nhi cùng thành phố với chồng. Anh trai của Luke Tang - Richard Tang là nhạc sĩ từng học tại trường ĐH Tulane.
Trước khi qua đời, Luke Tang được miêu tả là chàng trai thông minh, có thành tích học vấn xuất sắc và vô cùng tốt bụng.
Năm 2014, Luke Tang được bầu là học sinh xuất sắc nhất tại trường Trung học Benjamin Franklin - nơi cậu từng theo học. Cùng năm đó, cậu giành được danh hiệu U.S. Presidential Scholar (Học giả của Tổng thống Hoa Kỳ) - chương trình tôn vinh các học sinh xuất sắc nhất của nước Mỹ. Bên cạnh đó, Luke Tang cũng nằm trong ban điều hành CLB Toán học của trường ĐH Harvard. Thời gian rảnh rỗi, Luke Tang còn dạy đàn violin cho các trẻ em kém may mắn ở ngoại thành New Orleans và làm thiện nguyện.
Với một bảng lý lịch hoàn hảo như vậy, Luke Tang trở thành hình mẫu lý tưởng của nhiều bạn học, cũng như được kỳ vọng sẽ có một tương lai tươi sáng. Thế nhưng, không ai biết hết những áp lực mà chàng trai tài năng và tốt bụng này phải gánh chịu.
Vào một ngày tháng 9/2015, chàng trai đã ra đi vì bệnh trầm cảm tại ký túc xá của trường Đại học Harvard. Thời điểm đó, Luke Tang mới tròn 18 tuổi và đang là sinh viên năm 2 tại trường ĐH Harvard danh giá.
Thông tin chàng trai tốt bụng qua đời khiến thầy cô, bạn bè và người thân của Luke Tang không khỏi bàng hoàng và đau xót. Sau khi Luke Tang ra đi, những lời nói của cậu trong buổi lễ tốt nghiệp tại trường cấp 3 bỗng được bạn bè chia sẻ lại với niềm tiếc thương sâu sắc.
"Không có người xấu trên thế giới này, chỉ có những người mang trong mình vấn đề phức tạp. Ai cũng có câu chuyện riêng dù bạn có biết chúng hay không... Ai cũng có khả năng làm điều xấu và cả điều tốt nữa", Luke Tang từng nói.
Trước sự qua đời đột ngột của con trai, cha Luke Tang - ông Wendell Tang đã bắt tay tìm hiểu nguyên nhân của tấm bi kịch. Theo đó, ông Wendell Tang phát hiện nhân viên quản lý của trường ĐH Harvard đã biết về việc Luke Tang từng cố gắng kết liễu cuộc đời mình không thành vào đầu mùa xuân năm 2015, tuy nhiên phía trường học không hề có động thái cảnh báo cho gia đình hay tư vấn cho Luke Tang.
Cũng vì thế trong năm 2018, ông Wendell Tang đã đệ đơn kiện trường Harvard vì làm việc bất cẩn và thiếu trách nhiệm trước cái chết của con trai ông, đồng thời yêu cầu khoản tiền bồi thường là 20 triệu USD (~469 tỷ đồng). Tuy nhiên, tòa án địa phương đã bác bỏ vụ kiện này bởi họ cho rằng không có đủ chứng cứ cho việc trường ĐH Harvard đã không cố gắng ngăn chặn sự ra đi của con trai ông.
Song ông Wendell Tang không dễ dàng chấp nhận phán quyết đó. Mới đây, ông đã tiếp tục kháng cáo lên tòa án cấp cao hơn với lập luận rằng: Quản lý và Hiệu trưởng trường ĐH Harvard đã biết trước ý định tự tử của Luke Tang. Đáng ra họ phải có nghĩa vụ chăm sóc Luke Tang đến khi có một chuyên gia y tế xác nhận cậu không còn nguy cơ tự gây hại cho bản thân nữa.
Đơn kháng cáo của Wendell Tang cũng chỉ ra một lập luận sai trong bản án trước đó, rằng tòa án cho rằng "ĐH Harvard không cần thiết phải chăm sóc cho con trai ông".
Theo ông Wendell Tang, phía trường ĐH Harvard từng yêu cầu con trai ông ký "hợp đồng chăm sóc" và sử dụng dịch vụ nhằm đảm bảo an toàn của Luke Tang suốt những năm học tại Harvard. Thế nhưng, khi Luke Tang có dấu hiệu bất ổn tâm lý, quản lý của trường lại không đưa ra giải pháp kịp thời, ít nhất là tìm kiếm chuyên gia chăm sóc cho cậu, từ đó gián tiếp dẫn đến cái kết bi kịch của chàng trai 18 tuổi.
Và những mặt tối đằng sau...
Từ lâu, các trường Ivy League nói chung và ĐH Harvard nói riêng đã nhận hàng loạt phản hồi rằng họ thường xuyên thất bại trong việc đảm bảo sức khỏe tâm thần cho sinh viên. Trong một bảng khảo sát, các phòng tư vấn tâm lý của 8 trường thuộc khối Ivy League đều bị sinh viên chấm ở mức từ F đến D+ trên thang điểm chữ gồm 9 mức từ cao xuống thấp lần lượt là A+, A, B+, B, C+, C, D+, D, F.
Cách đây không lâu, sinh viên trường ĐH Yale và ĐH Harvard còn cùng nhau kiện trường vì "phân biệt đối xử" với sinh viên mắc bệnh tâm thần. Trước đó, một cựu sinh viên ĐH Yale tố cáo trường cố tình đuổi học anh vào do chàng trai từng bị chẩn đoán mắc bệnh tâm lý. Dù bác sĩ khẳng định anh có thể sẵn sàng cho việc học và việc quay lại trường sẽ có lợi cho sức khỏe của anh.
Ngày nay, sinh viên đại học chịu áp lực lớn từ gia đình, nhà trường và xã hội, đặc biệt là người trẻ đến từ các trường đại học danh giá. Nếu học trường có thứ hạng cao, khối lượng học tập lớn và kỳ vọng thực tế có thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tinh thần của sinh viên.
Cũng vì thế, nếu nhận thấy bản thân gặp vấn đề gì trong cuộc sống, bạn hãy dũng cảm đối mặt và tìm kiếm sự giúp đỡ của những người xung quanh. Bên cạnh đó, sau hàng loạt vụ việc đau lòng xảy ra, có lẽ đã đến lúc nhà trường và gia đình cần ý thức hơn về tính nghiêm trọng của các bệnh tâm lý. Nếu con gặp khó khăn, đừng dặn chúng cố gắng chịu đựng một mình, thay vào đó cha mẹ nên ngồi xuống cùng con phân tích vấn đề và tìm phương hướng giải quyết.
Nguồn: Sohu, Dailymail