Năm 2024 "gần như chắc chắn" là năm nóng nhất trong lịch sử
Năm 2024 sẽ là năm nóng nhất từ trước đến nay và cũng là năm đầu tiên ghi nhận nhiệt độ toàn cầu đạt mức tăng hơn 1,5 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là dự báo được Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU) đưa ra ngày 7/11.
Theo C3S, từ tháng 1 đến tháng 10 năm nay, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng cao đến mức khiến năm 2024 gần như chắc chắn sẽ “xô đổ” các kỷ lục nhiệt độ trước đó, trừ khi nhiệt độ trung bình trong 2 tháng còn lại của năm đều phải xuống gần bằng 0. Giám đốc C3S Carlo Buontempo nhận định nguyên nhân lớn nhất dẫn tới chuỗi kỷ lục nhiệt độ kéo dài này là sự gia tăng liên tục của nồng độ khí nhà kính trong khí quyển, thúc đẩy hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Những yếu tố khác cũng góp phần tạo nên hai năm 2023 và 2024 đặc biệt ấm áp 2023 là hiện tượng El Nino, các vụ phun trào núi lửa và sự thay đổi năng lượng từ Mặt Trời. Tuy nhiên, các nhà khoa học chỉ ra rằng sự gia tăng nhiệt độ trong thời gian dài, không chỉ do ảnh hưởng của những hiện tượng như El Nino, là một dấu hiệu xấu.
Giới khoa học cũng cho biết việc nhiệt độ trung bình năm 2024 vượt mức tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp không đồng nghĩa thế giới đã thất bại trong việc đạt được mục tiêu được đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, bởi các mục tiêu này được tính trong vòng 20 hoặc 30 năm chứ không phải chỉ trong một năm cụ thể. Tuy nhiên, đây cũng cũng là dấu hiệu cảnh báo khẩn cấp đối với khí hậu toàn cầu.
Thông tin được đưa ra chỉ vài ngày trước khi diễn ra Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) tại thủ đô Baku của Azerbaijan. Nhiệm vụ chính của hội nghị lần này là đạt được sự đồng thuận giữa các quốc gia về một mục tiêu tài trợ hằng năm mà các nước giàu sẽ cung cấp, nhằm giúp các quốc gia nghèo hơn ứng phó với biến đổi khí hậu.