Năm 2019: Xử lý 42 người đứng đầu để xảy ra tham nhũng
(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2019, các cơ quan chức năng đã xử lý 42 người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, trong đó 4 người đã bị xử lý hình sự; 38 người bị xử lý kỷ luật hành chính.
Đây là thông tin theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra năm 2019 và triển khai nhiệm vụ công tác thanh tra năm 2020, diễn ra ngày 13/1, tại Hà Nội.
Xử lý 42 người đứng đầu để xảy ra tham nhũng
Theo báo cáo, năm 2019, Thanh tra Chính phủ và toàn ngành Thanh tra đã nỗ lực cố gắng, vượt qua khó khăn, đoàn kết, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trong đó, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh với cách làm bài bản, quyết liệt, đồng bộ, đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn. Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm, mặc dù vẫn còn phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực và tinh vi hơn, nhất là tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi.
Theo Thanh tra Chính phủ, năm 2019, đã xử lý 42 người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, trong đó 4 người đã bị xử lý hình sự; 38 người bị xử lý kỷ luật hành chính.
Ngoài ra, qua công tác thanh tra, kiểm tra, cơ quan thanh tra các cấp đã phát hiện 47 vụ, 72 người có hành vi liên quan đến tham nhũng… Trong năm 2019, số người nộp lại quà tặng cho đơn vị là 8 người với giá trị quà tặng là 116 triệu đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thanh tra Chính phủ thẳng thắn chỉ ra, tình trạng “tham nhũng vặt", nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn hiệu quả. Đặc biệt, vẫn còn xảy ra sai phạm, tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, gây dư luận và bất bình trong quần chúng nhân dân. Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém.
“Số vụ việc tham nhũng phát hiện còn ít trong tương quan so với số sai phạm kinh tế phát hiện qua thanh tra, kiểm toán; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng có tiến bộ nhưng nhìn chung còn thấp”, Thanh tra Chính phủ cho biết.
Vì vậy, Thanh tra Chính phủ đề nghị, thời gian tới, toàn ngành triển khai thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu lực, hiệu quả; tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ thanh tra, tích cực đôn đốc thực hiện kết luận thanh tra các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.
Bên cạnh đó, tập trung xử lý nghiêm, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc; tăng cường theo dõi, đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước và từng bộ, ngành, địa phương…
Vẫn xảy ra vi phạm kê khai tài sản
Cũng theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, qua xác minh 46 người về kê khai tài sản, thu nhập đã phát hiện 10 trường hợp vi phạm (tăng 4 trường hợp so với cùng kỳ năm trước).
Theo đó, các cơ quan chức năng đã xử lý kỷ luật 8 trường hợp (Bộ Công an 2 người, Đà Nẵng 1 người, Khánh Hòa 2 người, Tây Ninh 2 người, Thanh Hóa 1 người), đang xem xét xử lý kỷ luật 2 trường hợp.
Kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức tại 2.799 cơ quan, tổ chức, đơn vị, đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm, trong đó số cán bộ, công chức vi phạm bị xử lý là 159 người.
Ngành Thanh tra đã hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch tại 3.797 cơ quan, tổ chức, đơn vị đã phát hiện 106 đơn vị có vi phạm.
Cơ quan chức năng đã tiến hành 2.290 cuộc kiểm tra việc thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 338 vụ việc với 413 người vi phạm, đã xử lý kỷ luật 40 người, kiến nghị thu hồi và bồi thường 331 tỷ đồng (đã thu hồi 156 tỷ đồng, đạt 47%).
Xuân Tùng/TTXVN