Mỹ - Trung liên tiếp 'lời qua tiếng lại', trả đũa lẫn nhau: Quan hệ đang tuột dốc
(Thethaovanhoa.vn) - Trung Quốc và Mỹ đang bất đồng về một số vấn đề quan trọng và những đòn trả đũa lẫn nhau giữa hai nước trong thời gian gần đây đã khiến quan hệ song phương xấu đi nghiêm trọng.
Liên tiếp “lời qua tiếng lại”
Ngoài hoạt động thương mại, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới Mỹ và Trung Quốc còn bất đồng về các vấn đề Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), Biển Đông và nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 gây đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Thời gian qua, Mỹ và Trung Quốc liên tiếp có những động thái gây tranh cãi và hành động trả đũa qua lại, khiến dư luận lo ngại về tương lai của mối quan hệ giữa hai nước.
- Cạnh tranh Mỹ - Trung sẽ đi về đâu?
- Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm do thương chiến Mỹ - Trung
Trong diễn biến mới nhất ngày 27/7/2020, Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc) đã hạ cờ. Động thái trên diễn ra vài ngày sau khi Bắc Kinh ngày 24/7 yêu cầu Mỹ đóng cửa Tổng Lãnh sự quán nước này tại Trung Quốc, nhằm đáp trả việc Washington đưa ra yêu cầu tương tự với Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Houston, bang Texas. Bắc Kinh nhấn mạnh việc đóng cửa Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô là "phản ứng chính đáng và cần thiết đối với các biện pháp vô lý của Mỹ", đồng thời cáo buộc rằng các nhân viên tại cơ quan ngoại giao này hành xử không đúng mực. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, một số nhân viên Mỹ tại Thành Đô "đã tham gia các hoạt động ngoài thẩm quyền, can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, gây nguy hiểm cho an ninh và lợi ích của Trung Quốc".
Ngày 22/7, Washington đã yêu cầu đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thông tin cá nhân. Giới chức Mỹ cho rằng nhân viên ngoại giao Trung Quốc tại Houston đã tìm cách "đánh cắp những bí mật, nghiên cứu khoa học và y tế độc quyền" của công ty Mỹ. Ngay sau đó cùng ngày, Bắc Kinh đã lên tiếng chỉ trích, coi đây là “một hành động leo thang chưa từng có” và cảnh báo sẽ đáp trả. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 20/7 cho biết Mỹ muốn xây dựng một liên minh toàn cầu để đối phó Trung Quốc; tiếp tục cáo buộc Bắc Kinh đưa ra những yêu sách hàng hải phi pháp, che giấu sự bùng phát của dịch COVID-19 và lợi dụng dịch bệnh để thúc đẩy lợi ích của riêng mình.
Trước đó, hôm 13/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp. Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ ngày 14/7 đã nhanh chóng ra thông báo bày tỏ phản đối tuyên bố của Mỹ về vấn đề Biển Đông. Ngay trong ngày 14/7, Washington ban hành sắc lệnh hành pháp chấm dứt những ưu đãi thương mại đối với Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc). Trong động thái đáp trả, Bắc Kinh ngày 15/7 tuyên bố “phản đối mạnh mẽ và kịch liệt lên án” việc Mỹ ký ban hành luật liên quan Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc).
Ngay sau đó, liền trong hai ngày 15 và 16/7, Washington cho biết sẽ áp đặt hạn chế thị thực với các công ty của Trung Quốc đồng thời tuyên bố sẽ cấm các cơ quan chính phủ mua thiết bị, dịch vụ sử dụng sản phẩm của 5 công ty công nghệ Trung Quốc. Bắc Kinh ngày 17/7 cũng cứng rắn cho biết sẽ áp thuế chống bán phá giá đối với hóa chất propanol nhập khẩu từ Mỹ.
Khởi đầu của sự tan vỡ?
Theo nhận định của giới chuyên gia, mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đang giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ qua. Trong vòng 40 năm đầu tiên sau khi Trung Quốc và Mỹ bắt đầu hợp tác với nhau vào năm 1979, hai nước đã phải xử lý rất nhiều cuộc khủng hoảng ngoại giao nhưng chưa bên nào từng đơn phương đóng cửa đại sứ quán hay lãnh sự quán của bên kia. Lãnh sự quán đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho vấn đề thương mại và tiếp cận thương mai, mặc dù cơ sở này không chịu trách nhiệm về vấn đề chính sách. Đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy mối quan hệ đang tuột dốc, thậm chí có thể là một điềm báo khởi đầu của một sự tan vỡ.
Nhiều nhà quan sát tỏ ra bi quan về sự xuống cấp trong mối quan hệ Mỹ-Trung, đồng thời tin rằng hai quốc gia này đang dần tiến tới một cuộc chiến tranh lạnh. Tồi tệ hơn, một số ý kiến còn dự đoán về một cuộc “chiến tranh nóng’ có thể sẽ nổ ra giữa hai nước. Tuy nhiên, lập luận này không mấy thuyết phục bởi Trung Quốc và Mỹ là hai nền kinh tế và xã hội có một sự gắn kết khá là chặt chẽ. Thứ nhất, Trung Quốc được cho là sẽ trở thành thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới, kể cả với các nhà xuất khẩu Mỹ. Và trong lĩnh vực giáo dục, có hơn 300.000 sinh viên Trung Quốc đang theo học tại Mỹ, mang lại nguồn thu nhập khổng lồ cho ngành công nghiệp giáo dục Mỹ. Thứ hai, ngay cả khi có một sự chia tách giữa hai nước thì những tổn hại cũng không hẳn quá lớn và có thể được giới hạn để không lan sang lĩnh vực an ninh quốc gia nếu được xử lý một cách hợp lý. Nói tóm lại, khả năng xảy ra một cuộc “chiến tranh nóng” giữa Trung Quốc và Mỹ là rất nhỏ.
Trong thời gian ngắn hạn, các nhà quan sát dự đoán một trạng thái căng thẳng bấp bênh trong mối quan hệ hai nước, từ nay cho đến cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11/2020. Trung Quốc dường như sẽ không tìm cách làm leo thang căng thẳng và Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng không muốn một cuộc đối đầu trầm trọng, chắc chắn không phải là một cuộc đối đầu quân sự. Hai bên cần phải tìm ra những phương thức sáng tạo để xoa dịu căng thẳng và không để cho mối quan hệ song phương xuống cấp đến mức rơi tự do mà không thể quay trở lại được.
Minh Trà/TTXVN