Mỹ - Pháp nỗ lực hàn gắn quan hệ đồng minh bị rạn nứt vì AUKUS
(Thethaovanhoa.vn) - Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã tới Paris, để thực hiện sứ mệnh hàn gắn mối quan hệ với Pháp sau khi xảy ra bất đồng giữa hai nước liên quan việc Australia hủy bỏ hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp. Sau các cuộc đối thoại thời gian qua giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Pháp, chuyến thăm đã khẳng định nỗ lực hàn gắn mối quan hệ giữa hai đồng minh chiến lược này.
* Rạn nứt sau thỏa thuận AUKUS
Hồi tháng 9 vừa qua, Anh, Australia và Mỹ đã quyết định thành lập liên minh an ninh ba bên (AUKUS) gắn với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Thỏa thuận ba bên này thu hút sự chú ý không chỉ của các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mà cả của các đồng minh trong Liên minh châu Âu (EU). Thỏa thuận ba bên được đánh giá không chỉ là bước khởi đầu cho một sự thay đổi địa chính trị sâu sắc trong khu vực, mà còn tác động tới các mối quan hệ liên minh truyền thống xuyên Đại Tây Dương.
Theo thỏa thuận AUKUS, Mỹ, Anh và Australia nhất trí tăng cường phát triển các năng lực chung và chia sẻ công nghệ, thúc đẩy hội nhập sâu hơn về khoa học, công nghệ, các nền tảng công nghiệp và các chuỗi cung ứng liên quan đến lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Một trong những sáng kiến lớn đầu tiên đáng chú ý của AUKUS là Australia sẽ xây dựng một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với sự giúp đỡ của Mỹ và Anh.
Như vậy, cùng với việc tham gia liên minh ba bên AUKUS, Australia thông báo hủy hợp đồng mua 12 tàu ngầm lớp Attack đã ký với Pháp trị giá 56 tỷ euro. Thay vào đó, Australia sẽ mua ít nhất 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, sử dụng công nghệ của Mỹ và Anh.
- Pháp - Mỹ nỗ lực xây dựng lại lòng tin sau căng thẳng AUKUS
- Thay đổi địa chính trị từ liên minh ba bên AUKUS
Pháp đã phản ứng khá gay gắt, gọi đây là "nhát dao đâm sau lưng". Lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, Pháp đã cấp tốc triệu hồi đại sứ tại Mỹ và Australia về nước để tham vấn, một động thái được coi là phản ứng dữ dội nhất của Paris với hai đồng minh kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai trở lại đây. Nhiều sự kiện ngoại giao và văn hóa quan trọng với Mỹ, Anh cũng bị Pháp hủy bỏ.
Phản ứng mạnh mẽ của Pháp không nằm ngoài dự đoán bởi hợp đồng có giá trị lên đến 56 tỷ euro có ý nghĩa quan trọng đối với tập đoàn đóng tàu Naval Group, một trong những trụ cột của nền công nghiệp quốc phòng Pháp, đồng thời sẽ tạo ra hàng nghìn việc làm cho các địa phương vùng Bretagne.
Động thái của Australia không chỉ giáng một đòn mạnh vào niềm tự hào của nước Pháp vốn từ trước đến nay vẫn khẳng định là cường quốc có tầm vóc toàn cầu, mà còn có nguy cơ phá vỡ một phần chiến lược Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương mà hai đời tổng thống gần đây của nước Pháp, từ ông François Hollande đến ông Emmanuel Macron đã dày công theo đuổi. Bên cạnh đó, Paris cũng cảm giác bị các đồng minh truyền thống quay lưng và không hài lòng với cách mà Mỹ, Australia và Anh xử lý quan hệ bất chấp lợi ích của một đồng minh lớn như Pháp.
* Nỗ lực hàn gắn quan hệ
Trong nỗ lực nhằm hàn gắn quan hệ với Pháp, thời gian qua Mỹ đã liên tục có các động thái tích cực, trong đó có chuyến thăm Paris của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken với kết quả Tổng thống Macron cử Đại sứ nước này trở lại Mỹ. Tiếp đó là cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Macron bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Rome, Italy hôm 29/10 vừa qua.
Trong sứ mệnh tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với đồng minh thân cận và lâu năm nhất ở châu Âu sau rạn nứt liên quan việc Australia hủy bỏ hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp, ngày 9/11, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã thực hiện chuyến thăm tới Paris.
Trong cuộc hội kiến được coi là tâm điểm của chuyến thăm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào ngày 10/11, Phó Tổng thống Mỹ Harris đề cập đến loạt đề xuất của Tổng thống Mỹ Joe Biden, như việc Mỹ hỗ trợ lực lượng Pháp trong cuộc chiến chống khủng bố tại khu vực Sahel hay kế hoạch tăng cường năng lực phòng thủ cho các nước châu Âu.
Phát biểu trong cuộc hội kiến tại Điện Elysee ở thủ đô Paris, Tổng thống Macron hoan nghênh chuyến thăm của bà Harris, đồng thời cho biết cuộc gặp giữa ông và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Rome đã tạo tiền đề cho quan hệ giữa hai nước trong tương lai. Theo ông Macron, hai bên có chung quan điểm rằng thế giới đã bắt đầu một kỷ nguyên mới và hợp tác giữa Pháp và Mỹ đóng một vai trò "then chốt" trong kỷ nguyên này.
Chia sẻ quan điểm trên, Phó Tổng thống Harris cho rằng kỷ nguyên mới sẽ mang đến cả thách thức và cơ hội cho hai nước. Theo bà, trong quá khứ, việc đồng hành trên chặng đường có cả khó khăn và thuận lợi đã giúp Pháp và Mỹ đạt được những thành công lớn. Phó Tổng thống Mỹ hy vọng hai nước sẽ duy trì hợp tác và khôi phục những trọng tâm trong quan hệ đối tác, dựa trên kết quả của cuộc hội đàm giữa hai tổng thống.
Theo kế hoạch, Phó Tổng thống Mỹ sẽ tham dự và có bài phát biểu tại Diễn đàn Hòa bình Paris vào ngày 12/11 cùng nhiều lãnh đạo thế giới. Nội dung của sự kiện này xoay quanh sự hồi phục sau đại dịch COVID-19. Trước khi trở về Washington, bà Harris cũng tham gia Hội nghị đa phương về Libya vào ngày 13/11 nhằm thúc đẩy cuộc bầu cử hòa bình tại nước này, qua đó giúp giảm thiểu dòng người di cư đổ tới châu Âu. Bên cạnh đó, Phó Tổng thống Mỹ sẽ tham dự lễ tưởng niệm kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất.
* Khép lại tranh cãi là điều quan trọng
Đánh giá về mối quan hệ Mỹ-Pháp, giới phân tích cho rằng, đây không phải là lần đầu tiên hai nước lâm vào tình thế căng thẳng ngoại giao. Bà Anne Cizel, chuyên gia về chính sách đối ngoại Mỹ tại Đại học Sorbonne (Paris) cho rằng động thái của Mỹ trong vụ AUKUS là bước đi có tính toán nhằm vào Pháp trong một cuộc “tranh giành quyền lãnh đạo”.
Tuy nhiên, về lâu dài, cả hai không có lựa chọn nào khác là phải nhanh chóng khép lại tranh cãi để hợp tác với nhau đối phó với những thách thức an ninh lớn. Chuyên gia Cizel nhấn mạnh cho dù củng cố liên minh với Anh và Australia, Washington sẽ vẫn cần đến vị thế và năng lực của Pháp tại nhiều khu vực và trên nhiều lĩnh vực quan trọng.
Trên thực tế, tầm quan trọng của mối quan hệ giữa Mỹ và Pháp, cũng như mối quan xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và các nước châu Âu là nội dung mà Tổng thống Joe Biden khi còn là ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ, đã nhấn mạnh trong chiến dịch tranh cử của mình.
Xây dựng lại các mối quan hệ đồng minh và can dự trở lại với cộng đồng quốc tế trong hợp tác đối phó với những thách thức an ninh lớn là mục tiêu của nhà lãnh đạo Mỹ sau khi lên nắm quyền. Rạn nứt với Pháp - một trong những đồng minh thân cận và lâu năm nhất châu Âu của Mỹ, có thể hủy hoại những nỗ lực này. Do đó, khép lại tranh cãi để hợp tác, cài đặt lại mối quan hệ đồng minh Mỹ-Pháp là điều quan trọng.
Thanh Lâm /TTXVN