Mỹ nhân Sài Gòn xưa: Xem dung nhan đó bây giờ ra sao
(Thethaovanhoa.vn) - Họ từng là mỹ nhân một thời của Sài Gòn và giờ đây, những nhan sắc xưa đã xuất hiện trở lại trong một triển lãm đang diễn ra tại đường sách Nguyễn Văn Bình ( TP.HCM).
Giới mộ điệu có thể gặp lại 17 gương mặt quen thuộc trên sàn diễn một thời, như: Thanh Nga, Thẩm Thúy Hằng, Bạch Yến, Bạch Lê, Thanh Lan, Hà Thanh, Ngọc Giàu, Bạch Tuyết, Thái Thanh, Thanh Thanh Hoa, Trang Bích Liễu, Diễm Thúy, Phượng Liên, Xuân Thu… qua ống kính của nhiếp anh gia 81 tuổi, Đinh Tiến Mậu.
Nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu bên bức ảnh ông chụp nữ danh ca Thái Thanh
Chụp hình giới nghệ sĩ hiện nay có rất nhiều tay máy nhờ vào sự tiện lợi của các phương tiện kỹ thuật số, như: Thái Nhàn, Quốc Huy, Nguyễn Á, Lý Võ Phú Hưng, Lê Thiện Viễn…; nhưng thời nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu không có mấy người làm việc này như ông bởi các “rào cản” về máy móc.
Để có được những chân dung đẹp của các nghệ sĩ, ông Đinh Tiến Mậu phải học nghề ảnh từ nhỏ.
Nhà báo Phạm Công Luận (cầm mic) đang giới thiệu về nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu (thứ 2 từ trái qua) và làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá
Theo nhà báo, nhà nghiên cứu Phạm Công Luận, thì: “Nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu sinh năm 1935, người gốc làng Lai Xá (trước thuộc Hà Đông, nay thuộc xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) – một ngôi làng xứ Bắc làm trùm về nghề ảnh tại Sài Gòn. Không tính các hiệu ảnh của ông Khánh Ký thuở ban đầu, đã có khoảng 32 hiệu ảnh của người Lai Xá mở tại Sài Gòn từ thập niên 1930 – 1940. Và hiện vẫn còn hoạt động 9 hiệu ảnh thống kế được (2016)”.
Nghệ sĩ Bạch Tuyết
Ca sĩ Bạch Yến
Ca sĩ Hà Thanh
Nghệ sĩ Ngọc Giàu
Ông Đinh Tiến Mậu học nghề ảnh khi mới 10 tuổi, đến năm 1948, chiến tranh mở rộng, vào Sài Gòn tiếp tục học nghề ảnh khi mới 13 tuổi. Ông học nghề ảnh ở tiệm Văn Vấn trên đường Duranton (nay là Bùi Thị Xuân – Q1). Bà Văn, vợ ông Vấn là dì ruột của ông. Trong suốt mười năm ở đó, ông học tất cả các khâu từ đơn giản nhất như vỗ ảnh, thay nước ảnh, phơi ảnh, vào bao, xách nước… theo kiểu nhìn thợ làm ra sao rồi bắt chước theo.
Học nghề ảnh khi mới 10 tuổi nhưng mãi đến năm ngoài 20 (1958) ông Mậu mới có cơ hội ra thuê nhà mở tiệm ảnh riêng. Khi thương hiệu ảnh của ông vừa có tiếng thì chủ nhà đòi lại nhà khiến phải dời tiệm mấy lần. Trụ lâu là tiệm King’s photo ở Ngô Quyền (Chợ Lớn) trong suốt 6 năm. Tiệm cuối cùng ông lấy tên là Viễn Kính ở 277 Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu), mở từ năm 1963 chuyên chụp ảnh cho các nghệ sĩ, người nổi tiếng.
Nghệ sĩ Thanh Lan
Tiệm ảnh Viễn Kính của ông Đinh Tiến Mậu lúc cao điểm rửa tới mấy ngàn tấm ảnh chân dung nghệ sĩ. Có lẽ vì chụp và rửa quá nhiều ảnh của các nghệ sĩ Sài Gòn xưa, nên khi hỏi ông có ấn tượng đặc biệt nào với các nghệ sĩ đếm tiệm ảnh của mình, ông không trực tiếp vào vấn đề mà chỉ say sưa nói về kỹ thuật chụp làm nên tấm hình đẹp.
Danh ca Thái Thanh
Nữ minh tinh Thẩm Thúy Hằng
Nghệ sĩ Thanh Nga
Buổi triển lãm nhưng dung nhan Sài Gòn xưa đã làm nhiều người xúc động. Chỉ hơi tiếc rằng, buổi khai mạc triển lãm lần này lại không có sự xuất hiện của các nhân vật “vang bóng một thời” trong ảnh, để câu chuyện ảnh ấm áp, để những hồi ức được trở về rõ ràng hơn.
Trạc Tuyền