Mỹ lặng lẽ điều tàu sân bay chở F-35 tới Thái Bình Dương để làm gì?
(Thethaovanhoa.vn) - Hải quân Mỹ đã phá vỡ với truyền thống rầm rộ quảng bá việc triển khai F-35 khi bí mật điều tàu sân bay USS Essex chở theo chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 đa năng này tới Tây Thái Bình Dương tuần qua.
- Tiết lộ mới nhất về máy bay tàng hình thế hệ thứ 6 'soán ngôi' F-35
- Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ đáp trả nếu Mỹ ngừng bán máy bay F-35
- Hàn Quốc lên kế hoạch mua 40 chiến đấu cơ tàng hình F-35A để làm gì?
Điều này có thể báo hiệu một sự thay đổi lớn trong phương thức Mỹ đối phó với các đối thủ khó nhằn nhất trong khu vực.
Báo Business Insider trích bản tin từ tờ USNI News đưa tin, khi tàu USS Wasp trở thành tàu sân bay đầu tiên triển khai với máy bay chiến đấu đa năng F-35B vào đầu năm nay, hàng loạt phương tiện truyền thông đăng tải thông tin. Nhưng sự khởi hành âm thầm của tàu sân bay Essex ra Tây Thái Bình Dương đánh dấu một sự thay đổi, khi Hải quân thông báo về đợt triển khai chỉ sau khi con tàu đã lên đường.
Hải quân Mỹ thường xuyên điều động các tàu sân bay lớn nhỏ để tuần tra nhưng chỉ có hai lần tàu sân bay được triển khai lặng lẽ như này.
Lẽ thường, quân đội Mỹ rất muốn khoe khoang các loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, đánh dấu cuộc cách mạng trong tác chiến trên không vì thiết kế tàng hình cùng các cảm biến và điều khiển tiên tiến. Nhưng với đợt triển khai này, có vẻ như quân đội Mỹ đã chọn bỏ qua việc quảng bá trước công chúng và tập trung cho một điều gì đó liên quan tới hoạt động.
Theo một nguồn tin tiết lộ cho trang mạng USNI News, Hải quân Mỹ muốn thay đổi những kỳ vọng của giới truyền thông liên quan đến việc triển khai tàu đến Thái Bình Dương.
Vậy động cơ Hải quân Mỹ phải che giấu trong đợt triển khai tại Thái Bình Dương lần này là gì?
Mỹ có những đối thủ lớn ở Thái Bình Dương - cụ thể là Trung Quốc và ở một mức thấp hơn là Triều Tiên.
Có thể thấy rõ rằng trong bối cảnh Mỹ đang tiến hành đối thoại với Triều Tiên, Mỹ muốn lặng lẽ triển khai các cuộc điều động đến Tây Thái Bình Dương, vì việc triển khai các máy bay tàng hình thế hệ tiếp theo có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đối thoại với Triều Tiên.
Tuy nhiên, hải quân Trung Quốc mới là mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ và đó có thể là lý do chính khiến Mỹ yên lặng.
Khi nhóm tàu sân bay USS Ronald Reagan tuần tra Biển Đông – vùng lãnh thổ Trung Quốc đơn phương tuyên bố là của riêng mình bất chấp luật pháp quốc tế - Mỹ rất ít đề cập đến nó. Yêu cầu bình luận đến từ các hãng truyền thông liên tục bị chính quyền Washinton ngó lơ.
Mỹ thường sử dụng lực lượng Hải quân để đối phó trước những tuyên bố hàng hải phi pháp của hàng chục quốc gia mà họ ngụy biện đó chỉ là các hoạt động "tự do hàng hải”. Về cơ bản, nếu một quốc gia tuyên bố chủ quyền vùng lãnh thổ hàng hải vượt quá mức cho phép, Mỹ thường điều một tàu khu trục đi qua để thông báo rằng tuyên bố của họ không được công nhận.
Trong khi đó, Trung Quốc lại xem các cuộc tuần tra này như một thách thức đối với chủ quyền và thường lên tiếng phản đối.
Đối với Mỹ, việc họ công khai chống lại các tuyên bố của Trung Quốc không phải là chuyện mới. Một số nhà quan sát cho rằng Mỹ muốn gửi thông điệp rõ ràng tới các lãnh đạo quân đội Trung Quốc mà không kèm theo việc công khai rộng rãi nhằm tránh leo thang căng thẳng.
Với việc âm thầm triển khai dàn khí tài chất lượng tới Thái Bình Dương, Mỹ có thể bắn tín hiệu họ sẵn sàng hành động thực tế để giải quyết tranh chấp giữa các nước thay vì “nói mồm” qua những lần lên án, chỉ trích trên truyền thông.
Máy bay chiến đấu đa năng F-35 đã trở thành hệ thống vũ khí tốn tiền nhất trong lịch sử và chịu nhiều lời chỉ trích trong lúc nghiên cứu và hoạt động khi chi phí phát sinh, còn tiến độ luôn bị chậm trễ và kéo dài. F-35B của hải quân lục chiến Mỹ được thiết kế để hạ cánh theo chiều dọc và cất cánh từ các đường băng ngắn, giống như thiết kế đường băng trên một tàu tấn công đổ bộ, và sẽ thay thế AV-8B Harrier trong các nhiệm vụ tấn công mặt đất và trên không.
TTXVN