Mỹ khao khát chế 'hàng không mẫu hạm trên không'
(Thethaovanhoa.vn) - Một ý tưởng giống như được lấy ra từ phim khoa học viễn tưởng của Hollywood thực tế lại là điều mà Bộ Quốc phòng Mỹ thèm khát lâu nay: chế ra chiếc máy bay có thể phóng và thu hồi nhiều chiếc máy bay nhỏ hơn.
Tháng này, Cơ quan Quản lý các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến (DARPA) của Lầu Năm Góc đã đề nghị các doanh nghiệp trong nước vạch ra ý tưởng chế tạo một chiếc "máy bay mẹ" cỡ lớn, có thể phóng ra nhiều máy bay không người lái (UAV) để tấn công kẻ thù. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, những chiếc UAV sẽ trở về với máy bay mẹ.
Tham vọng có từ những năm 1920
Ý tưởng đã khiến người ta nghĩ tới hàng không mẫu hạm bay trên trời trong phim The Avengers. Tuy nhiên Mỹ sẽ chưa thể lập tức cho ra đời ngay một thứ vũ khí như thế. Hiện nay DARPA cũng mới chỉ tiến hành nghiên cứu tính khả thi của ý tưởng này.
"Đây mới chỉ là giai đoạn thử nghiệm ý tưởng. Chúng ta chưa đến giai đoạn sản xuất máy bay mẫu. Vẫn còn xa mới tới được mục tiêu đó" - Peter Singer, người có nhiều bài viết sâu sắc về rô-bốt và chiến tranh cho biết.
Trong một bức vẽ ý tưởng do DARPA công bố, người ta có thể thấy một chiếc máy bay chở hàng trông giống mẫu C-130 đang thả những đội UAV giống mẫu Predator và Reaper của Mỹ.
"Chúng tôi đang nghiên cứu các ý tưởng. Một trong số đó là việc chỉnh sửa một mẫu máy bay cỡ lớn, biến nó thành hàng không mẫu hạm trên trời"- ông Dan Patt, Giám đốc chương trình của DARPA cho biết.
Đây không phải lần đầu tiên quân đội Mỹ tìm cách chế tạo một chiếc máy bay với vai trò là sân bay di động. "Ý tưởng đã hình thành từ những năm 1920" - James Lewis, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, cho biết - "Thời khí cầu còn thống trị, người ta từng treo những chiếc máy bay nhỏ, loại chiến đấu cơ một người lái, lên chúng".
"Sân bay di động" này là sản phẩm của Hải quân Mỹ, được chế tạo trong những năm 1920. Nó thường mang theo một phi đội máy bay 2 thân Sparrowhawk và những chiếc máy bay này sẽ rời khí cầu để tấn công quân địch. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, máy bay trở lại với khí cầu và "hạ cánh" nhờ một hệ thống móc, giúp nó treo lủng lẳng dưới thân khí cầu.
Hải quân Mỹ cho chế tạo 2 khí cầu với vai trò sân bay di động kiểu này. Tuy nhiên cả 2 chiếc đều bị rơi trong các vụ tai nạn thảm khốc hồi những năm 1930, khiến hàng chục người chết và buộc hoạt động thử nghiệm phải chấm dứt.
Hàng không mẫu hạm dưới nước
Trong những năm 1960, Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã đặt hãng Lockheed Martin chế một chiếc máy bay không người lái mang tên D-21. Chiếc máy bay này được thiết kế để phóng đi từ máy bay khác, như mẫu máy bay ném bom B-52. D-21 mang theo một thiết bị ghi hình nhỏ để thực hiện các nhiệm vụ do thám. Sau khi hoàn tất nhiệm vụ, máy bay sẽ thả máy ghi hình xuống bằng dù, trước khi tự hủy.
Tuy nhiên sau 4 nhiệm vụ, D-21 đã không tự hủy như được thiết kế. Người ta cũng không thể tìm thấy chiếc máy ghi hình mà nó thả xuống đất. Vì thế, dự án bị hủy bỏ vào năm 1971.
Việc tìm kiếm khả năng chế tạo máy bay mẹ mang theo UAV nằm trong tham vọng lớn hơn của Lầu Năm Góc, nhằm đầu tư vào công nghệ rô-bốt hiện đại, khi các đối thủ của Mỹ như Nga, Iran và Trung Quốc đều đang tích cực chế tạo các đội máy bay không người lái.
Chiếc máy bay mà DARPA đang nghiên cứu tính khả thi được các nhà nghiên cứu xếp vào dạng "vũ khí mang rô-bốt". Gần đây, tại Hội chợ hàng không Chu Hải, Trung Quốc đã khoe một mẫu xe bọc thép không người lái mang theo 2 con rô-bốt nhỏ hơn. Một con rô-bốt là loại chạy bằng bánh xích, được gắn súng máy. Loại thứ 2 là một chiếc máy bay điều khiển từ xa mang theo thiết bị trinh sát.
Trong khi chế tạo máy bay chở rô-bốt bay có thể vẫn là hành trình dài, các nhà nghiên cứu Mỹ đã tiến gần hơn tới việc chế tạo "hàng không mẫu hạm" hoạt động dưới nước. Năm ngoái, phòng nghiên cứu Hải quân Mỹ cho biết đã phóng thành công một chiếc UAV từ một tàu ngầm. Rô-bốt bay này đã được phóng ra ngoài từ một ống phóng tên lửa Tomahawk, với cánh của nó chỉ được mở ra sau khi đã rời khỏi mặt nước.
Tường Linh (Theo AFP)
Thể thao & Văn hóa