Mỹ: Công bố bằng chứng nghi phạm vụ đấu súng tại Ferguson đã bắn cảnh sát
(Thethaovanhoa.vn) - Cảnh sát thành phố St. Louis, bang Missouri ngày 11/8 đã công bố đoạn phim ngắn cho thấy nghi phạm Tyrone Harris đã rút súng bắn một số cảnh sát mặc thường phục trước khi bị bắn trọng thương hôm 9/8 vừa qua.
Vụ việc xảy ra trong cuộc tuần hành để tưởng niệm một năm vụ một cảnh sát da trắng nổ súng sát hại thiếu niên da màu Michael Brown không vũ trang tại thị trấn Ferguson.
Trong đoạn phim dài 13 giây được camera an ninh của một văn phòng bảo hiểm tại hiện trường ghi lại, cảnh sát cho biết có thể thấy nghi phạm Harris, 18 tuổi, bạn thân của Michael Brown, đã rút súng sau khi có hàng loạt tiếng súng vang lên từ hai nhóm người quá khích tách ra khỏi cuộc tuần hành. Trong khi vụ đấu súng diễn ra, Harris rõ ràng đã nhằm vào các sỹ quan cảnh sát đang tiến tới một chiếc xe tải và nổ súng vào họ.
Trước khi đoạn video trên được công bố, cha của Tyrone Harris khẳng định thanh niên này không sử dụng vũ khí và đơn giản chỉ đang chạy trốn khỏi bị bắn. Harris hiện vẫn đang trong tình trạng nguy kịch do bị bắn trọng thương trong vụ đấu súng với cảnh sát tối 9/8 vừa qua. Một ngày sau đó, các thẩm phán tại thành phố St. Louis đã sơ bộ cáo buộc 10 tội danh đối với Harris, trong đó có 4 tội tấn công lực lượng thực thi luật pháp.
Giới quan sát nhận định quyết định trên của thẩm phán nhiều khả năng khiến nguy cơ bùng phát tình trạng biểu tình bạo loạn tại Ferguson càng lớn. Lực lượng thực thi luật pháp tại Ferguson cùng ngày cho biết khoảng 150 người đã bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình biến thành bạo động trong vài ngày qua nhân dịp tròn một năm vụ Michael Brown.
Hiện tình trạng khẩn cấp tiếp tục được duy trì tại thị trấn từng là tâm điểm này của làn sóng biểu tình trên cả nước Mỹ phản đối cách hành xử mang tính phân biệt chủng tộc của lực lượng cảnh sát.
Vụ cảnh sát da trắng cố tình bắn chết Brown ngày 9/8/2014 đã làm bùng nổ làm sóng biểu tình tại nhiều thành phố lớn của nước Mỹ phản đối cách hành xử mang tính phân biệt đối xử của cảnh sát đối với các sắc tộc thiểu số, nhất là người da đen. Sau vụ này, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phải lên tiếng và áp dụng một số biện pháp nhằm giám sát cách hành xử của cảnh sát trong lúc thi hành nhiệm vụ.
TTXVN