Mỹ chọc giận người Hàn vì chê... mỳ gói
(Thethaovanhoa.vn) - Với nhiều người, việc một kết luận nghiên cứu của Mỹ nói rằng mỳ ăn liền (mỳ gói) gây hại tới tim mạch có thể sẽ chỉ làm họ ăn ít loại thực phẩm này hơn. Nhưng với dân Hàn Quốc, sự kiện đã khiến họ có phản ứng tức giận, giống như vừa bị xúc phạm.
Bằng một động tác dứt khoát để xé toạc nắp đậy cốc mỳ ăn liền, Kim Min-koo đã đưa ra câu trả lời rõ ràng cho nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ.
Món ăn quốc hồn quốc túy?
"Không một nghiên cứu nào có thể ngăn tôi ăn mỳ” - Kim nói, khuôn mặt đỏ gay lấm tấm mồ hôi khi anh thêm nước sôi vào bát mỳ. Miệng anh ứa nước miếng, đôi đũa giơ lên chờ đợi, đôi kính của anh mờ đi vì hơi nước nóng.
Cuối cùng anh kề môi vào miệng bát và húp đánh “sột” một tiếng to. “Đây là khoảnh khắc tuyệt vời nhất, miếng ăn đầu tiên” - Kim, một biên tập phim tự do thường ăn mỳ 5 lần mỗi tuần, nói liến thoắng sau mỗi lần húp - “Vị của tô mỳ, mùi hương, độ dai - thật hoàn hảo”.
Giống Kim, nhiều người Hàn Quốc tham gia cuộc phỏng vấn của hãng tin AP, đã thề sẽ không bỏ thói quen ăn mỳ. Có người còn đưa ra các “bí kíp” giúp việc ăn mỳ không gây hại sức khỏe như uống dầu Omega-3, ăn thêm rau, sử dụng ít gia vị, tránh việc húp nước. Trong khi nhiều người khác chẳng buồn quan tâm tới nghiên cứu, vốn dựa trên thói quen sử dụng mỳ ăn liền quá mức của người Hàn Quốc.
Ở nơi nào đó trên thế giới, mỳ ăn liền chỉ là một món ăn nhanh bình thường. Nhưng tại đất nước có tỷ lệ tiêu thụ mỳ gói trên đầu người cao nhất thế giới như Hàn Quốc, mỳ gói đã trở thành đam mê, chứa đựng trong nó những giá trị văn hóa và cả lịch sử.
Người Hàn Quốc gọi mỳ ăn liền là "ramyeon", một món đồ ăn nhanh cay, mặn, có chi phí chỉ chưa đầy 1 USD mỗi gói. Mỳ gói, mỳ cốc, mỳ tô bán khắp nơi: trong các quán cà phê, thư viện, các đoàn tàu, đường trượt tuyết. Thậm chí trên đường đi bộ lên ngọn núi cao nhất Hàn Quốc, du khách vẫn có thể dừng chân và tự thưởng cho mình cốc mỳ ăn liền nóng bỏng môi.
Người già Hàn Quốc thường lưu giữ cảm giác hoài cổ rất mạnh về mỳ ăn liền, món thực phẩm đã vào nước này trong những năm 1960. Đó là thời điểm Hàn Quốc bắt đầu thoát dần khỏi đói nghèo và khung cảnh tàn phá sau chiến tranh Triều Tiên để trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á.
Nhiều người vẫn nhớ rõ cảm giác lần đầu họ được nếm món mỳ ăn liền, khi ấy là hàng hiếm và xa xỉ. Đó là chưa kể tới việc dân nhậu Hàn Quốc xem mỳ ăn liền như “thần dược” chữa đau đầu, mệt mỏi sau các màn uống rượu thâu đêm.
Một số người thậm chí không thể rời Hàn Quốc trong cảnh thiếu mỳ ăn liền, do sợ rằng các loại mỳ ngoại quốc dở hơn ở trong nước. Và có thứ thuốc nào chữa căn bệnh nhớ nhà tuyệt vời hơn một bát mỳ ramyeon nóng ở phương xa. "Ramyeon giống kimchi với nhiều người Hàn Quốc” - Ko Dong-ryun, một kỹ sư 36 tuổi sống ở Seoul nói – “Mùi, vị của nó khiến người ta lập tức nhớ về quê nhà”.
“Không thể nói mỳ gói có lợi cho sức khỏe”
Ảnh hưởng sâu rộng như thế của mỳ ăn liền ở Hàn Quốc đã lý giải vì sao người dân nước này khó chịu trước nghiên cứu do Bệnh viện tim mạch Baylor của Mỹ tiến hành. Sự tức giận còn có một phần nguyên nhân không nhỏ do các nhà nghiên cứu đã dựa vào thói quen ăn mỳ gói quá mức của người Hàn Quốc để đánh giá khả năng mắc bệnh tim mạch.
Cụ thể nghiên cứu dựa vào các cuộc khảo sát được thực hiện tại Hàn Quốc từ năm 2007 tới năm 2009, trên 10.700 người lớn có tuổi từ 19-64, với khoảng một nửa là phụ nữ. Nghiên cứu thấy rằng những người ăn nhiều thịt, uống nhiều nước ngọt, đồ rán, đồ ăn nhanh như mỳ ăn liền, rất dễ bị béo phì. Việc ăn mỳ ăn liền hơn 2 lần mỗi tuần cũng khiến nữ giới dễ mắc bệnh tim mạch hơn.
Nghiên cứu có nêu ra những câu hỏi quan trọng, nhưng không thể chứng minh rằng mỳ ăn liền là thủ phạm chính gây bệnh tim mạch. Alice Lichtenstein, giám đốc phòng nghiên cứu dinh dưỡng tim mạch tại Đại học Tufts ở Boston nhận xét: "Những gì thu được là người ăn nhiều mỳ nạp nhiều muối vào cơ thể hơn người bình thường”. Và quá nhiều muối thì luôn không tốt cho tim mạch.
Hiển nhiên là các gói mỳ ăn liền luôn dư thừa muối. Một gói mỳ ramyeon có thể cung cấp lượng muối đủ đáp ứng 90% nhu cầu sử dụng muối thường nhật của cơ thể. Tuy nhiên người ta cũng chẳng thể trông mong việc có được nhiều lợi ích hoặc dinh dưỡng từ một bữa ăn có giá chưa đầy 1 USD, như nhận xét của Choi Yong-min, 44 tuổi, giám đốc tiếp thị công ty thực phẩm Paldo của Hàn Quốc. “Tôi không thể nói mỳ gói có lợi cho sức khỏe. Nhưng nó được sản xuất an toàn” - Choi nói.
Đồ ăn hoàn hảo của người lười
Dù biết rõ tác hại của mỳ ăn liền, người Hàn Quốc vẫn không thể bỏ được món ăn này. Tính theo giá trị, mỳ ăn liền là thực phẩm đã qua chế biến bán chạy hàng đầu ở Hàn Quốc trong năm 2012. Bộ an toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc nói rằng một lượng mỳ gói có tổng giá trị 1,85 ngàn tỷ won (1,8 tỷ USD) đã được tiêu thụ hết vào năm đó.
Người Hàn Quốc thích mỳ ăn liền, ngoài lý do hương vị và chi phí rẻ thì còn bởi nó giúp người ta nhanh chóng được ấm bụng. Hàng ngàn cửa hàng tạp hóa ở đây đã lắp các máy đun nước sôi pha mỳ gói để khách có thể dùng tại chỗ. Họ chỉ cần xé nắp đậy, thêm nước nóng, chờ một vài phút là ăn được mỳ.
Một số thậm chí chẳng cần nước nóng. Họ mua mỳ, dùng tay đấm vào gói cho mỳ vỡ ra, thêm chút gia vị rồi ăn luôn. “Mỳ giòn, ngon hơn nhiều đồ ăn vặt ngoài kia” - Byon Sarah, 28 tuổi, chia sẻ tại Seoul - “Gia vị của mỳ rất ngây nghiện. Nó vừa ngọt, vừa mặn lại rất cay”.
Tại cửa hàng sách của mình ở Seoul, Lim Eun-jung, 42 tuổi, nói rằng cô thấy bụng mình béo ra thêm khoảng 6 tháng sau khi cô lắp máy cấp nước nóng pha mỳ. “Hiển nhiên mỳ không tốt cho cơ thể tôi” - Lim nói - “Nhưng tôi lười biếng, trong khi ramyeon là đồ ăn nhanh hoàn hảo cho người lười”.
Tường Linh (Theo AP)
Thể thao & Văn hóa