Mỹ chế tạo siêu máy bay mà 'thế giới chưa từng chứng kiến'
(Thethaovanhoa.vn) - Không lực Mỹ đang tiến rất gần tới việc công bố tên doanh nghiệp giành được hợp đồng trị giá nhiều tỷ đô la, sẽ sản xuất ra một thế hệ máy bay ném bom tầm xa mới, thay thế những vũ khí già cỗi hiện có trong trang bị của quân đội.
Trong mấy tuần tới đây, Không lực Mỹ sẽ quyết định ai sẽ được thực hiện cái gọi là Chương trình máy bay ném bom tấn công tầm xa (LRSB). Doanh nghiệp thắng thầu có thể là Northrop Grumman hoặc Boeing kết hợp với Lockheed Martin.
Hơn nửa tỷ đô la mỗi chiếc máy bay
Chương trình sẽ tạo ra từ 80 tới 100 chiếc máy bay ném bom chiến lược, nhằm thay thế các máy bay B-52 và B1 đã lỗi thời. Gần như mọi thông tin về chương trình hiện vẫn đang nằm trong bức màn bí mật, ngoại trừ chi phí của mỗi chiếc máy bay, dự kiến khoảng 550 triệu USD mỗi chiếc, tính theo tỷ giá đô la của năm 2010.
Các chuyên gia và những người quan sát ngành hàng không nói rằng những chiếc LRSB sẽ rất khác so với các loại máy bay mà nó sẽ thay thế.
Không chỉ là những phương tiện vận chuyển bom bình thường, dù là bom hạt nhân hay vũ khí quy ước, các máy bay mới còn có thể thu thập tin tức tính báo từ độ cao lớn. Để phục vụ khả năng này, chiếc máy bay sẽ trang bị rất nhiều cảm biến, thiết bị giám sát, trinh sát nhằm thu gom nhiều thông tin nhất có thể.
Nhà phân tích hàng không Richard Aboulafia nói rằng LRSB có khả năng sẽ là chiếc máy bay tàng hình, khiến ra đa của đối phương khó phát hiện. Chiếc máy bay cũng có tính năng che giấu các tín hiệu điện tử, bên cạnh việc trang bị nhiều công cụ gây nghẽn mạnh, khiến kẻ thù không thể đưa nó vào tầm ngắm.
Aboulafia tin rằng chiếc máy bay sẽ không di chuyển với tốc độ siêu âm, bởi nếu như thế nó sẽ đốt nhiều nhiên liệu hơn, làm giảm tầm hoạt động và khiến máy bay dễ bị phát hiện hơn.
"Không gây ra nhiều tiếng ồn, không tạo ra nhiều tín hiệu ra đa, bay cao nhất có thể và trang bị trên thân những hệ thống điện tử có thể gây nghẽn, không cho hệ thống vũ khí của đối phương khóa mục tiêu" - Aboulafia tổng kết về các tính năng mà LRSB sẽ có.
Sẽ chỉ đi vào hoạt động trong những năm 2030?
Mỹ hiện đã có một phi đội máy bay ném bom tàng hình B-2, thứ vũ khí gần như vô hình trước các hệ thống ra đa và có hình dáng trông giống như bay ra từ các bộ phim viễn tưởng.
Tuy nhiên, hiếm khi B-2 lâm trận ở nước ngoài, bởi Mỹ canh gác rất cẩn trọng, không để các bí mật về chiếc máy bay này lọt ra ngoài. Hiện chỉ có 20 chiếc B-2 đang tồn tại.
AFP cho biết Lầu Năm Góc muốn chiếc máy bay mới phải có khả năng bay không người lái và tiếp nhiên liệu trên không. Tuy nhiên một chiếc máy bay ném bom không người lái chẳng phải là ý tưởng hay, theo nhận xét của Aboulafia. Nguyên nhân bởi người ta có thể chiếm quyền điều khiển máy bay từ xa và như thế, máy bay sẽ cần được trang bị một nút bấm để phá hủy nó, trong tình huống bị mất kiểm soát.
"Trang bị phi công luôn là chính sách bảo hiểm rẻ nhất" - ông nói, cho biết thêm rằng một tổ lái sẽ có khả năng kéo máy bay ra khỏi rắc rối, nếu có bất kỳ sự cố nào xảy ra.
Việc có thể bay ở độ cao cực lớn cũng rất quan trọng, bởi như thế LRSB sẽ nằm ngoài tầm với của nhiều hệ thống tên lửa đất đối không và máy bay chiến đấu của đối phương. Bay cao là yêu cầu rất quan trọng, bởi các nước như Nga và Trung Quốc đã đầu tư lớn vào hệ thống tên lửa cùng ra đa siêu hiện đại, đủ khả năng để chống lại mối đe dọa do máy bay đối phương mang lại.
Theo các chuyên gia, chiếc LRSB có thể đã được phát triển trong một thời gian, ngay cả trước khi tên công ty thắng thầu được công bố. Tuy nhiên sẽ vẫn mất nhiều năm nữa trước khi nó được đưa vào trang bị.
Nhiều khả năng các chuyến bay thử của LRSB sẽ không diễn ra cho tới giữa những năm 2020 và chiếc máy bay mới sẽ chỉ đi vào hoạt động từ những năm 2030. Như thế, Lầu Năm Góc sẽ chưa có kế hoạch khai tử lập tức đội máy bay B-52, đã được phát triển từ những năm 1950.
Miếng bánh ai cũng thèm khát Độ tuổi trung bình của một chiếc B-52, từng được sử dụng nhiều trong thời Chiến tranh Việt Nam và chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, là 51 năm. Trong khi đó những chiếc B-1, được triển khai lần đầu hồi những năm 1980, đã có tuổi đời trung bình là 29 năm. Xét tới việc dự án LRSB sẽ kéo dài rất lâu, Không lực Mỹ đã đẩy vòng đời của những chiếc B-52 và B-1 tới tận năm 2040. Ngày hôm nay vẫn còn 76 chiếc B-52 và 63 chiếc B-1 đang hoạt động. Có thể thấy, miếng bánh mà Bộ Quốc phòng Mỹ tung ra cho các công ty quốc phòng trong nước là rất hấp dẫn. Trung tâm Ngân sách và đánh giá chiến lược ước tính chương trình LRSB có chi phí khoảng 73 tỷ USD. Đây là lý do cả ba nhà thầu chính tham gia chương trình đều đã tích cực vận động để giành chiến thắng. Trong nỗ lực đánh bóng thương hiệu vào phút chót, Northrop đã sản xuất một đoạn video quảng cáo và phát sóng tại sự kiện Super Bowl được rất đông người Mỹ theo dõi. "Chế tạo một chiếc máy bay mà thế giới chưa từng chứng kiến là điều chúng tôi đang làm" - một giọng nói vang lên khi camera thu hình một chiếc máy bay bị vải che phủ, rất có thể là mẫu LRSB mà công ty đang nghiên cứu, phát triển. |
Tường Linh (Theo AFP)
Thể thao & Văn hóa