Mỹ: "Bí" lời giải cho cậu bé khóc ra máu
Nói “khóc ra máu” có thể không chuẩn xác với trường hợp của Calvino Inman. Đơn giản vì cậu không điều khiển được những lần “khóc” đó, vốn xuất hiện khoảng 3 lần mỗi ngày mà chẳng có lấy một dấu hiệu cảnh báo và có thể kéo dài tới cả tiếng đồng hồ.
Cậu bé bị “quỷ ám”
Các bức ảnh và đoạn video ghi lại hiện tượng kỳ lạ của Inman xuất hiện đầy nhan nhản trên internet. Trong đó người ta thấy máu ứa ra từ khóe mắt Inman và chảy dài xuống má cậu. Đôi khi máu cũng chảy ra từ mũi cậu bé thành những vệt đỏ nhức nhối.
“Máu chảy mọi lúc mà không vì một lý do nào cả. Nó có thể chảy ra khi tôi ở trường, ở nhà hoặc trong đêm. Tôi không biết khi nào máu sẽ chảy ra nhưng đôi khi nó khiến đôi mắt tôi bỏng rát. Đôi khi tôi không biết mình đang chảy máu cho tới khi người lạ bắt đầu nhìn mình một cách khó hiểu. Nhưng sau đó tôi cảm thấy như có ai đó lấy búa đập vào bên trái đầu mình” - Inman thổ lộ. Cậu bé cho biết máu chảy nhiều tới mức bạn bè ở lớp học tin rằng cậu bé đã bị quỷ ám.
Mẹ đẻ của Inman, bà Tammy Mynatt, tiết lộ rằng con trai mình gặp phải căn bệnh quái lạ cách đây chừng 2 năm. Lần đầu khi thấy mắt con chảy máu, bà đã vội gọi cấp cứu. “Điều kinh khủng nhất trong đời tôi xảy đến khi cháu nhìn tôi và nói: “Mẹ ơi, con có chết không?” Lời nói của nó khiến tim tôi tan nát”.
Bó tay
Tuy nhiên các cuộc kiểm tra bằng máy siêu âm, chụp cộng hưởng từ MRI, chụp cắt lớp CT, do những chuyên gia giỏi ở Mỹ tiến hành đều không mang lại một kết quả bất thường nào.
Tháng 12 này, khoảng 15 bác sĩ hàng đầu tới từ New York, Memphis và Atlanta đã trực tiếp kiểm tra tình trạng bệnh của Inman. Nhưng họ đã phải “bó tay”, chào thua trước trường hợp quá đỗi đặc biệt của cậu. Sự bất lực của các bác sĩ khiến mẹ Inman tan nát cõi lòng. “Chúng tôi cảm thấy như các bác sĩ đã cạn ý tưởng. Thật nản lòng khi thấy con tôi phải chịu đựng căn bệnh như vậy. Tôi chỉ còn biết cầu nguyện ai đó ở ngoài kia có năng lực giúp đỡ được cho con tôi” - bà nói.
Những con người khóc ra máu
Tuần này, Inman sẽ xuất hiện trong một bộ phim tài liệu mang tên The Boy With Bloody Tears (tạm dịch Cậu bé khóc ra máu), chiếu trên kênh truyền hình The Learning Channel.
Cùng lên màn ảnh với Inman là một bà mẹ 3 con tới từ Patna, Ấn Độ, người đã trở nên rất yếu ớt do chứng khóc ra máu.
Rashida Begum, 27 tuổi, đã bắt đầu khóc ra máu cách đây 3 năm, sau một cơn đau đầu nặng và nôn mửa dữ dội. Người chồng của chị, anh Mohammed Aslam, 40 tuổi, đã cưới chị bất chấp sự ngăn cản của gia đình. Giờ anh vừa phải chăm sóc chị, vừa nuôi nấng các con Mohammed Adil, 10 tuổi, Tehseen, 8 tuổi và Asifa, 5 tuổi.
Anh cho biết mình đã thử đi gặp nhiều bác sĩ ở vùng Patna của Ấn Độ. Nhưng ai cũng lắc đầu không biết vì sao vợ anh khóc ra máu.
Được biết 2 con người kém may mắn trên không phải là những cá nhân duy nhất bị chứng khóc ra máu. Hồi năm 2008, tờ Daily Mail của Anh đã đưa tin về trường hợp khóc ra máu của cô bé Twinkle Dwivedi. Dwivedi, 15 tuổi, bị chảy máu ở miệng lần đầu vào tháng 7/2007. Vài tuần sau, máu bắt đầu xuất hiện ở mũi, mắt, chân tay và đầu của cô bé. Trong hơn hai năm trời, Twinkle gần như thường xuyên chảy máu, với tần suất từ 7 tới 20 lần/ngày. Điều đặc biệt là máu chảy ra tại nhiều phần trên người Twinkle dù cơ thể cô bé không hề có vết thương. Cuối cùng các bác sĩ ở Viện Y học Ấn Độ đánh giá rằng cô bé bị bệnh rối loạn tiểu cầu típ 2. Đây là căn bệnh hiếm gặp do máu quá thiếu tiểu cầu. Việc này khiến máu Twinkle bị loãng và có xu hướng “thấm” qua da và chảy ra ngoài.
Với trường hợp của chị Begum, sau khi được đưa vào bộ phim tài liệu kể trên, chị đã nhận được sự quan tâm của các chuyên gia y tế tại Viện Nghiên cứu Khoa học Y tế toàn Ấn Độ ở New Delhi. Sau nhiều kiểm tra, các bác sĩ tin rằng họ đã phát hiện căn bệnh bí hiểm có liên quan tới các vấn đề về dạ dày của chị. “Tôi rất vui vì các bác sĩ đã cố gắng giúp đỡ mình. Tôi không thể chịu đựng được căn bệnh khóc ra máu kinh khủng này lâu hơn được nữa” - chị nói.
Trong khi đó ở Tennessee, các bác sĩ của Inman vẫn đang tích cực tìm kiếm lời giải cho căn bệnh lạ của cậu. Tiến sĩ John Fleming thuộc Viện Mắt Hamilton ở Memphis tin rằng sớm muộn nguyên nhân cũng sẽ được xác định. “Chúng tôi thường tìm thấy các nguyên nhân gây chảy máu mắt bất thường như khối u hoặc nhiễm trùng tuyến lệ” - ông tuyên bố - “Nhưng chúng tôi cũng đã thấy những cá nhân khóc ra máu trong nhiều tháng, nhiều năm rồi một ngày triệu chứng đột ngột biến mất hoàn toàn”.