Mỹ, Anh phản ứng về Thông điệp liên bang 2018 của Tổng thống Nga
(Thethaovanhoa.vn) - Ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc Thông điệp liên bang 2018 ngày 1/3, dư luận thế giới đã có những phản ứng về thông điệp liên bang cuối cùng trong nhiệm kỳ tổng thống thứ 3 của nhà lãnh đạo Nga.
- Nhận diện vũ khí mới của Nga qua video minh họa Thông điệp Liên bang 2018 của Tổng thống Putin
- Phản ứng của người Mỹ về Thông điệp Liên bang đầu tiên của Tổng thống Trump
- Có gì trong Thông điệp Liên bang đầu tiên của Tổng thống Donald Trump?
Từ Washington, Mỹ ngày 1/3 đã cáo buộc Nga công khai vi phạm các hiệp ước ký từ thời Chiến tranh lạnh bằng cách phát triển vũ khí mới mà Tổng thống Putin gọi là "bất khả chiến bại".
Bộ Ngoại giao Mỹ đã cáo buộc việc Nga phát triển các loại vũ khí hạt nhân gây bất ổn là vi phạm các nghĩa vụ trong Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert, những phát biểu trong Thông điệp liên bang của ông Putin đã cho thấy Nga vi phạm những nghĩa vụ trong khuôn khổ INF mà Moskva đã ký năm 1987.
Trong khi đó, Lầu Năm Góc phản ứng một cách thận trọng hơn. Một phát ngôn viên Lầu Năm Góc nhấn mạnh quân đội Mỹ đã chuẩn bị đầy đủ để phản ứng lại "bất kỳ điều gì".
Cùng ngày 1/3, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cũng cho biết ông coi việc Moskva giới thiệu các loại vũ khí mới thông qua thông điệp liên bang của Tổng thống Putin là hành động "khiêu khích".
Báo Telegraph (Anh) dẫn bình luận của ông Williamson cho rằng với thông điệp của Tổng thống Putin, Nga đã lựa chọn "đường lối khiêu khích và leo thang căng thẳng".
Trong bản Thông điệp liên bang trình bày trước lưỡng viện Quốc hội Nga, Tổng thống Putin tuyên bố các nỗ lực tiếp cận biên giới Nga của lực lượng NATO đã trở nên vô ích nhờ vào các vũ khí tối tân nhất của Nga.
Tổng thống Putin nhấn mạnh tất cả các nỗ lực nhằm tăng cường năng lực phòng thủ của Nga đều được thực hiện trong khuôn khổ các thỏa thuận quốc tế và Nga chưa từng vi phạm bất cứ thỏa thuận nào.
Ông Putin cũng khẳng định Nga đã chế tạo được các tên lửa mà không một hệ thống phòng thủ tên lửa nào có thể ngăn chặn được.
Tổng thống Nga cũng nhấn mạnh lập trường kiên quyết trong chính sách đối với phương Tây của Nga, cho rằng các nước này chỉ bắt đầu "lắng nghe" Nga sau khi biết được Moskva chế tạo các hệ thống vũ khí mới.
Tuy nhiên, Nga không có ý định tấn công quân sự bất cứ quốc gia nào và việc Nga tăng cường tiềm lực quân sự là để đảm bảo hòa bình và an ninh toàn cầu.
TTXVN
Trong Thông điệp liên bang 2018, Tổng thống Putin cho biết lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga đã tiếp nhận 80 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới, 102 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và 3 tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borei. Nga đang phát triển đầu đạn hạt nhân nhỏ có thể lắp vào tên lửa hành trình và với đầu đạn này, các hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ rất khó để có thể đánh chặn tên lửa của Nga. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Nga cũng cho biết Moskva đang thử nghiệm các thiết bị không người lái dưới nước mới có thể mang đầu đạn hạt nhân. Tổng thống Putin khẳng định Nga chế tạo các hệ thống phòng thủ mới để đối phó với động thái triển khai lực lượng của Mỹ và rằng tất cả các đề xuất cùng phối hợp làm việc của Nga đã bị phía Mỹ bác bỏ. Cụ thể, Moskva từng cố thuyết phục Washington không vi phạm hiệp ước về phòng thủ tên lửa, song không thành công.