MV 'Mưa tháng sáu' của Văn Mai Hương: Ngổn ngang những suy nghĩ
Trong những ngày qua, với MV Mưa tháng Sáu, Văn Mai Hương đã nhận về khá nhiều lời khen từ người hâm mộ. Còn từ góc nhìn chuyên môn, MV này còn thiếu những gì để có thể hoàn thiện hơn?
Văn Mai Hương phát hành MV Mưa tháng Sáu hôm 24/5trên kênh YouTube cá nhân với 294 nghìn subscribers. Tính tới thời điểm cuối ngày 29/5, MV đạt 2,5 triệu views, hơn 44 nghìn lượt thích, hơn 3.200 bình luận, đứng #4 on Trending for music. Mưa tháng Sáu cũng đã có mặt trong Top 10 vị trí thứ 4 BXH #zingchart tuần 21 (từ 22 - 28/5).
Không chỉ kết hợp với nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền như nhiều sản phẩm khác của Văn Mai Hương, MV Mưa tháng Sáu còn có thêm sự kết hợp với Grey D và Trung Quân. 2 nam nghệ sĩ có sản phẩm thành công gắn liền với mưa.
Đúng thời điểm
Mưa tháng Sáu, cái tên thôi, đã gây được cảm tình tới người nghe, nhất là những người thiên hướng nội tâm, thích những khoảnh khắc lãng mạn. Văn Mai Hương và ê-kíp chọn thời điểm tháng 6 cận kề để ra mắt sản phẩm về mưa đương nhiên là thích hợp nhất.
Ở thời điểm này, miền Nam đã chính thức bước vào mùa mưa, những cơn mưa rào bất chợt đổ xuống, rồi bất chợt qua đi. Cũng thời điểm này, những cơn mưa rào miền Bắc khiến lòng người luôn mong ngóng giữa những ngày nắng chói chang.
MV Mưa tháng Sáu của ca sĩ Văn Mai Hương khởi nguồn là từ điện ảnh: "Lấy cảm hứng từ những thước phim nổi tiếng của đạo diễn đình đám châu Á từ thập niên 1990 Vương Gia Vệ, MV Mưa tháng Sáu là cảm xúc của cô gái ngồi trên chiếc xe taxi, lắng nghe ca khúc đầy tâm trạng và hồi ức về những hoài niệm đã qua khi trời đổ mưa lớn".
Ê-kíp đã bật mí như vậy và gợi người nghe hướng về khung trời kỷ niệm: "Không hẳn là những kỷ niệm đau buồn, Mưa tháng Sáu có niềm vui, sự thân thuộc và có cả bộ phim cuối cùng mà 2 người đã xem cùng nhau, được khơi gợi lại đẹp đẽ và đáng nhớ. Bộ phim đó bao lâu bạn chưa xem lại? Cơn mưa ấy họ còn nhớ đến không?".
Tháng 6 với "đặc sản" mưa cũng là nguồn cảm xúc của nhiều nhạc sĩ tiền bốivới nhiều ca khúc bất hủ như Tháng Sáu trời mưa (nhạc Hoàng Thanh Tâm, thơ Nguyên Sa), Khúc mưa (nhạc Phú Quang, thơ Đỗ Trung Quân)…Nhiều câu hát sống mãi cùng tâm hồn người nghe: "Tháng Sáu trời mưa trời mưa không dứt/ Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa…"; "Tháng Sáu mưa, mưa, mưa/ Giá trời đừng mưa và anh đừng nhớ…".
Rất nhiều ca khúc ra đời từ nguồn cảm xúc gắn liền với mưa. Tôi nhớ mãi cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 lúc sinh thời về Thương nhau ngày mưa. Đó là cảm xúc rung động từ trái tim ông, nhưng ông không phải nhân vật chính trong câu chuyện đó. Một buổi trú mưa trong quán cà phê ở Sài Gòn (năm 1971) nhìn ra khung trời mưa không ngớt, dưới tán cây xa xa có một đôi bạn trẻ đang cùng nhau trú mưa. Và nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 viết ca khúc bất hủ ấy.
MV "Mưa tháng Sáu"
Có điều, vị nhạc sĩ không biết đôi bạn trẻ kia là ai, sau cơn mưa họ sẽ đi về đâu, cuộc tình có bền lâu hay không. Nhưng ông muốn khoảnh khắc ấy trở thành vĩnh cửu nên đã chủ động tạo sự kết thúc ngay từ câu mở đầu: "Tình chết không đợi chờ" và sau đó: "Tình đi ai nào ngờ" rồi khẳng định: "Tình đã phai nhạt màu còn đâu"… Để rồi,ca từ là những nuối tiếc về kỷ niệm ngọt ngào: "Chiều mưa ngày nào sánh bước bên nhau/ Tin yêu dạt dào mộng ước mai sau…".
Hứa Kim Tuyền cũng đã chạm đến cảm xúc với Mưa tháng Sáu, một ca khúc về cơ bản tương đối lãng mạn, ca từ khá đẹp và giai điệu bắt tai.
"Quá xuất sắc"!
"Bài hát quá xuất sắc", bạn tôi - nhạc sĩ hòa âm Nguyễn Tân Châu - nhận xét khi nghe Mưa tháng Sáu. Châu ngoài 30 tuổi, không còn cái tuổi quá trẻ của cảm xúc mơ mộng trong tình yêu, cũng đã đủ thời gian để trải những cay đắng ngọt bùi, lại là người trong nghề âm nhạc, hẳn không thể nói thiếu căn cứ.
"Tuyền giờ viết "bén" quá! Bài hát cũng được thể hiện quá cảm xúc và hợp với Hương", cậu bạn tôi nhấn mạnh và tiếp tục dành lời khen cho Mưa tháng Sáu: "Bài hát của nhạc sĩ trẻ mà em nghe thấm từng chữ".
Nhạc sĩ Giáng Son, huấn luyện viên của Hứa Kim Tuyền ở Sing my song đã từng nhận xét: Ca từ là một lợi thế của Tuyền. Trong cuộc trò chuyện gần đây với tôi, nữ nhạc sĩ vẫn giữ nguyên nhận định này.
Mưa tháng Sáu mở đầu bằng ca từ: "Ngoài trời mưa rơi tháng Sáu, trong lòng rướm máu, biết ta đã mất nhau/ Muốn cùng anh đến nơi ngày xanh, mà tim anh sao nỡ đành". Ca từ tiếp theo nối vào mạch nguồn cảm xúc đã có: "Ngoài trời mưa rơi tháng Sáu, trong lòng rướm máu, những hoang tàn nỗi đau/ Muốn cùng đi đến khi biệt ly, mà tình nào đâu mấy khi"…
Nói chung văn phong gọn gàng, diễn đạt thế giới nội tâm với sự tiếc nuối một cuộc tình đã chia xa trong một ngày mưa tháng 6.
Ca khúc mang màu sắc giọng thứ, giai điệu chủ đề khá đẹp, "bắt tai", có ấn tượng đặc biệt bởi trong một nét giai điệu đẹp có một bước nhảy quãng 3 trưởng theo hướng đi lên được sử dụng 2 lần. Giai điệu chủ đề này ứng với ca từ là: "Ngoài trời mưa rơi tháng Sáu, trong lòng rướm máu, biết ta đã mất nhau". 2 quãng 3 trưởng được sử dụng ở vị trí gần cuối mỗi tiết nhạc, ứng với ca từ "rơi" và "tháng", "lòng" và "rướm". Đây cũng là nét chủ đạo quán xuyến toàn bộ ca khúc.
Có thể nói, nếu chỉ tiếp cận ở góc độ thưởng thức thì Mưa tháng Sáu là ca khúc có giai điệu đẹp, câu từ có ý nghĩa và có cảm xúc nội tâm, phần hòa âm cũng như phong cách âm nhạc được khai thác một cách hợp lý và hiệu quả.
"Nếu Hứa Kim Tuyền xuất hiện sớm hơn khoảng 10 năm trở về trước và trình làng Mưa tháng Sáu ở thời điểm đó, nam nhạc sĩ sẽ hứng chỉ trích không hề nhẹ" - nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long.
Chưa trọn vẹn!
Sau chừng 1 ngày ra mắt, đã có những ý kiến hoài nghi vềMưa tháng Sáu: Mọi nghi vấn hướng tới bài nhạc Hoa có tên Dạ khúc của Jay Chou (Châu Kiệt Luân).Người viết tìm đến kênh YouTube arielkatelivà thấy bài Dạ khúc được giới thiệu cách nay 13 năm. Dạ khúccó độ dài 3 phút 51 giây và có nét tương đồng với Mưa tháng Sáu ngay từ giai điệu câu nhạc dạo mở đầu nhưng khá mờ nhạt.
Nét tương đồng rõ hơn với đặc điểm giai điệu bình ổn và xuất hiện bước nhảy quãng 3 trưởng đi lên ở đoạn bắt đầu từ 1 phút 09 giây đến 1 phút 13 giây bài Dạ khúc. Đoạn này ứng với ca từ:"Vì em đàn dạ khúc của Chopin/ Tôi kỷ niệm một tình yêu đã chết…"(theo lời dịch hiện trên màn hình).
MV "Dạ khúc" có liên quan đến nghi vấn đạo nhạc
Nét tương đồng này cũng thấy ở một ca khúc nhạc Việt khác là Lâu lâu nhắc lại của Châu Đăng Khoa do Hà Nhi hát, phát hành 22/9/2022 trên kênh của nữ ca sĩ. Cũng giống như Dạ khúc, nét tương đồng của Mưa tháng Sáu so với Lâu lâu nhắc lại là đặc điểm giai điệu có quãng 3 trưởng đi lên cùng tinh thần âm nhạc, xuất hiện ngay từcâu nhạc dạo mở đầu và rõ hơn ở đoạn điệp khúc, ứng với ca từ: "Cớ sao ta lại đau đến thế, cứ buồn đến thế, khi tình yêu tan vỡ" (từ 1 phút 22 giây đến 1 phút 29 giây).
"Riêng bài này nếu nói "đạo" thì cũng khó", nhạc sĩ Tân Châu chia sẻ và nói thêm: "Cá nhân em thấy với thời đại âm nhạc như hiện nay học hỏi từ cách làm rồi vòng hòa âm thì khó tránh được". Châu bảo: "Em vẫn đánh giá cao Mưa tháng Sáu từ lời lẽ ca từ đến cách làm nhạc, chất lượng âm nhạc".
MV "Lâu lâu nhắc lại" có nét tương đồng với "Dạ khúc" và "Mưa tháng sáu"
Tôi thì thấy rằng, nếu Hứa Kim Tuyền xuất hiện sớm hơn khoảng 10 năm trở về trước và trình làng Mưa tháng Sáu ở thời điểm đó,nam nhạc sĩ sẽ hứng chỉ trích không hề nhẹ. Nhưng quả thực sau quá trình tiếp xúc nhiều với nhạc trẻ đại chúng hiện nay, người viết cũng thấy rằng quan niệm của giới trẻ giờ đã rất khác, sự tương đồng, nhất là về màu sắc, mô-típ và hòa âm là khó tránh.
Dẫu vậy, cũng cần khẳng định trong sáng tạo nghệ thuật, quan trọng nhất là nét riêng. Quá khứ từng có những bài được phổ nhạc từ cùng một bài thơ mà có giai điệu rất riêng như bài Thuyền và biển (thơ Xuân Quỳnh) giọng thứ của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và giọng trưởng của nhạc sĩ Hữu Xuân.
Nếu chỉ là một tác giả năng lực nhàng nhàng vừa phải, sáng tác chạy theo xu hướng, theo thị trường thì không nói, nhưng Hứa Kim Tuyền thì khác. Vốn có lợi thế cả ca từ và giai điệu, lại đang trong giai đoạn sáng tạo sung sức, người viết rất muốn Tuyền tiếp tục phát huy sở trường và tiếp tục chinh phục khán giả bằng những ca khúc mang phong cách riêng, như một vài thành công trước đó.
Hòa âm "cực kỳ sang"
Về phong cách âm nhạc, bài Mưa tháng Sáu được làm trên nền nhạc lofi khá thú vị với phần hòa âm "cực kỳ sang", "âm thanh sạch sẽ tuyệt đối nhất là nghe những câu sub bass thả xuống ta nói nó quyện đến kỳ lạ", nhạc sĩ Tân Châu nhận xét. Anh cho biết thêm: "Hòa âm nền cũng rất đáng chú ý, nó dày và nghe rất hút. Trong khi phần guitar lead được đưa vào rất điểm nhấn. Piano và dàn dây quá hợp và sắc bén".
Điểm: 7,3