Mười lăm ngày xác tín một dự báo: ‘1945 Việt Nam độc lập’
(Thethaovanhoa.vn) - Trong lịch sử cận hiện đại, chưa từng thấy một cuộc cách mạng nào như Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam năm 1945, vừa là sản phẩm của quá trình 15 năm vận động tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền, vừa xác tín một dự báo kết quả của một cuộc cách mạng xã hội đích thực.
- Rực rỡ pháo hoa chào mừng 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9
- Cách mạng Tháng Tám qua hồi ức người trong cuộc
- Cách mạng tháng Tám và 'nét riêng' của trí thức Hà Nội
Từ ‘sự cần thiết phải cải cách toàn bộ xã hội hiện tại’…
Từ nửa cuối thế kỷ XVI sang thế kỷ XVII, khi xã hội phong kiến Đông-Tây đều phát triển đến thời hoàng kim và chuyển sang mạt kỳ, thì phương Tây vọt lên với quá trình thai nghén và bùng nổ các cuộc cách mạng tư sản (mở đầu là Cách mạng Anh 1640); còn phương Đông đi vào giấc mộng dài mê mệt.
Xã hội Đại Việt thế kỷ XVII-XVIII chuyển vận trong thế suy vong, liên miên chiến tranh và tranh giành quyền lực phong kiến, nhiều nhân tố và mầm mống mới nảy sinh nhưng sớm thui chột. Cho đến khi hoàn chỉnh cương vực lãnh thổ rộng mở và thống nhất, thì vẫn đứng trước ngã ba đường: Đi đâu và về đâu? Thế kỷ XIX chủ nghĩa thực dân phương Tây bành trướng sang phương Đông, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia phong kiến khác ở đây trở thành miếng mồi ngon của tư bản để biến thành thuộc địa.
Mấy trăm năm như thế, quốc gia Việt Nam không có tên trên bản đồ, đất nước bị chia thành các xứ, dân tộc bị ngoại bang cai trị… Nguyễn Ái Quốc trong bài viết “Đông Dương” trên tạp chí La Revue Communiste số 15 ra tháng 5/1921 cho rằng: “Người châu Á tuy bị người phương Tây coi là lạc hậu vẫn hiểu rõ hơn hết sự cần thiết phải cải cách toàn bộ xã hội hiện tại” (Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 1, Nxb CTQG H.2011, trang 47).
… đến dự báo ‘1945 Việt Nam độc lập’
Tháng 2/1942, Chiến tranh thế giới lần thứ II đang phát triển đến giai đoạn quyết liệt, các mặt trận đang mở rộng cả ở châu Âu và châu Á (phát xít Đức đã chiếm một nửa châu Âu, mặt trận Xô-Đức sau chiến dịch Barbarossa bước vào bước ngoặt quan trọng; Phát xít Nhật mở rộng chiến tranh ra toàn khu vực Đông Nam Á, đánh bại lực lượng hỗn hợp Đồng minh ở đây). Lúc ấy chưa ai có thể nói đến chiến tranh thế giới sẽ kết thúc thế nào, thì ở Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dự báo “1945 Việt Nam độc lập” (Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 3, Nxb CTQG H.2011, trang 267).
Thực ra ngay khi về nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Trung ương Đảng tại Hội nghị Trung ương ở Pác Bó (tháng 5/1941) đã phân tích tình hình và xác quyết: “Cuộc đế quốc chiến tranh này là cuộc xâu xé quyền lợi giữa hai đế quốc, đều vì mục đích tham lam muốn cướp giật và giành thuộc địa, thị trường của nhau”, do đó là điều kiện “thuận lợi cho cách mạng thế giới”; “Nếu cuộc đế quốc chiến tranh lần trước đã đẻ ra Liên Xô, một nước xã hội chủ nghĩa, thì cuộc đế quốc chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, sẽ do đó mà cách mạng nhiều nước thành công”; các dân tộc Đông Dương trong lúc này phải thấy rõ “quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được” (Văn kiện Đảng tập 7, Nxb CTQG H.2000 trang 97-113)
Trong thư “Kính cáo đồng bào” (ngày 6/6/1941), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc yêu cầu: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng”; trên báo Việt Nam độc lập số 113 ra ngày 21/12/1941, Người chỉ rõ “phận sự dân ta” phải: “Đồng tâm hợp lực. Muôn người một lòng. Nhân cơ hội này mà khôi phục lại Tổ quốc, mà làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập”. Người chúc tết năm mới 1942 với quyết đoán: “Nga nhất định thắng, Đức nhất định bại. Anh-Mỹ sẽ được, Nhật Bản sẽ thua. Đó là một dịp rất tốt cho dân ta khởi nghĩa đánh đuổi Pháp, Nhật, làm cho Tổ quốc ta được độc lập, tự do” (Báo Việt Nam độc lập, số 114, ngày 1/1/1942).
Khi chiến tranh thế giới đi vào giai đoạn kết thúc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc càng thấy rõ “Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các Đồng minh quốc sắp tranh được sự thắng lợi cuối cùng”; Người có “Thư gửi đồng bào toàn quốc” (tháng 10/1944) nhắc nhở: “Thời gian rất gấp. Ta phải làm nhanh!”. Người cùng Đảng và Việt Minh nêu cao ý chí quyết tâm “Dù đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
15 ngày xác tín thành công
“Không phải Nhật bại mà bỗng nhiên ta được giải phóng, tự do”. Nghe tin Nhật đầu hàng, ngày 13/8/1945 Đảng triệu tập Hội nghị Toàn quốc quyết định phát động Tổng khởi nghĩa; ngay sau đó Tổng bộ Việt Minh triệu tập Quốc dân đại hội thống nhất toàn thể dân tộc trước giờ hành động; Chủ tịch Ủy ban dân tộc giải phóng-lãnh tụ Hồ Chí Minh kêu gọi: “Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.
Tại thủ phủ của chính quyền thuộc địa, từ chiều ngày 17/8, Tổng hội công chức tổ chức cuộc mít tinh tại Nhà hát lớn; hàng vạn quần chúng khắp nơi kéo vào thành phố, cả lính bảo an, cảnh sát cũng đến giữ trật tự; Khâm sai Bắc Kỳ xin từ chức. Sáng sớm ngày 19/8, cả Hà Nội rực màu cờ đỏ sao vàng; hàng chục vạn nhân dân nội, ngoại thành xuống đường biểu dương lực lượng, rồi tỏa đi các nơi giành chính quyền.
Tại kinh đô của nhà nước phong kiến Việt Nam, chiều ngày 23/8 hàng vạn nhân dân Thừa Thiên-Huế tập trung thành hàng ngũ chỉnh tề dưới rừng cờ đỏ sao vàng ở sân vận động Huế, biến cuộc mít tinh của Chính phủ Trần Trọng Kim thành cuộc biểu dương lực lượng của cách mạng; Ủy ban khởi nghĩa tuyên bố chính quyền về tay nhân dân. Chiều 30/8/1945, lễ thoái vị của vua Bảo Đại được tổ chức tại lầu Ngọ Môn trong Kinh thành, đánh dấu sự cáo chung của chế độ phong kiến.
Xứ ủy Nam kỳ nghe tin Nhật đầu hàng liền triệu tập hội nghị ở làng Tân Nhật bên sông Chợ Đệm để chớp thời cơ đứng lên giành chính quyền. Nhưng dấu ấn và bài học xương máu Khởi nghĩa Nam kỳ 1940 đã nhắc nhở người tổ chức lãnh đạo cách mạng phải cẩn trọng. Cuộc họp ngày 16/8 chỉ quyết định đẩy mạnh hơn nữa chuẩn bị khởi nghĩa và chờ đợi tình hình. Cuộc họp ngày 21/8 (lần 2) đã tự tin hơn khi biết Hà Nội khởi nghĩa thành công, nhưng lo quân địch còn đông sẽ chống cự gây đổ máu, nên quyết định thí điểm khởi nghĩa ở Tân An. Cuộc họp ngày 23/8 (lần 3) khi Tân An khởi nghĩa thành công, quyết định dứt khoát giành chính quyền ở Sài Gòn ngay trong đêm 24/8.
Từ chiều 24/8 Thanh niên Tiền phong xung kích, Tổng Công đoàn, các đoàn thể Việt Minh chiếm giữ dinh Khâm sai và các vị trí quan trọng, xe diễu hành cắm cờ Việt Minh chạy khắp phố; lực lượng khởi nghĩa các nơi kéo vào. Sáng sớm ngày 25/8 khoảng 1 triệu người tham gia cuộc biểu tình, tạo thành sức mạnh áp đảo giành chính quyền.
Chỉ 15 ngày Tổng khởi nghĩa bùng lên như ngọn lửa thần kỳ loang cháy khắp cánh đồng cỏ khô. Đến ngày 28/8, từ đất liền đến hải đảo, toàn bộ chính quyền cách mạng đã về tay nhân dân. Ngày 2/9/1945 cả nước đón mừng ngày Độc lập, Chính phủ cách mạng lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra mắt quốc dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa; một “Nước Việt Nam từ máu lửa; Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (Nguyễn Đình Thi, Đất nước).
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào” về cuộc cách mạng vĩ đại ấy. Ngày nay, khi kiểm nghiệm, đối chứng với lịch sử dân tộc thế kỷ XX và cả trước đó, vẫn thấy Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 là có một không hai trong lịch sử cận hiện đại, xác lập chính danh nền dân chủ cộng hòa ở Việt Nam, đưa dân tộc vào thời kỳ chấn hưng với kỷ nguyên mới, sáng tạo một điển hình thành công về cách mạng vô sản ở thuộc địa, khai phá thành công một mô hình cách mạng xã hội mang bản sắc Việt Nam.
Theo Hà Minh Hồng - Thông tin Chính phủ