Mừng mùa lễ hội năm 2019! từ nơi Chúa Jesu ra đời tới khắp thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Những lời chúc Giáng sinh đang tràn ngập khắp Quảng trường Manger ở thành phố Bethlehem, khu Bờ Tây, khi những người hành hương và tín đồ Thiên chúa giáo đang đổ về thành phố được kính ngưỡng là nơi Chúa Jesu ra đời trong khi người dân thành phố đang tất bật hoàn tất hoạt động chuẩn bị cuối cùng đón Giáng sinh năm nay.
Trẻ em xúng xính trong bộ đồ hóa trang Ông già Noel và ca vang những bài hát Thánh ca tại một chương trình biểu diễn với chủ đề đón Giáng sinh được tổ chức tại Trường College des Freres, nằm ở khu chợ trung tâm thành phố. Nơi đây được trang trí rực rỡ đèn, nến và các máng gỗ, nơi Chúa Jesua được chào đời được xếp dọc trong các hẻm nhỏ.
Điểm thu hút nổi tiếng nhất ở Bethlehm đối với các tín đồ Thiên chúa giáo và người hành hương là Nhà thờ Thánh đản (Nativity) có từ thế kỷ thứ 4, được xây dựng trên một cái hang động tương truyền là nơi Chúa Jesus ra đời và cây thông Noel cao 16 mét được dựng tại quảng trường Manger.
Rất nhiều người hành hương mong muốn một lần trong đời đến được nơi Chúa Jesus ra đời trong đêm Giáng sinh bởi sẽ có một đám rước đến Bethlehem và sau đó họ sẽ cử hành thành lễ nửa đêm trong nhà thờ.
Theo kế hoạch vào đêm Giáng sinh 24/12, Tổng giám mục Pierbattista Pizzaballa, Giám quản địa phận Jerusalem, sẽ dẫn đầu một đám rước từ Jerusalem tới Bethlehem và sau đó tổ chức lễ Giáng sinh tại Nhà thờ Thánh đản.
Lần đầu tiên trong 200 năm Nhà thờ Đức Bà Paris không cử hành Thánh lễ Giáng sinh
Lần đầu tiên trong hơn 2 thế kỷ qua, Nhà thờ Đức Bà (Notre-Dame) ở Paris, Pháp, sẽ không cử hành Thánh lễ dịp Giáng sinh. Thông tin này đã được nhà chức trách Pháp xác nhận ngày 21/12, trong bối cảnh công tác sửa chữa và phục dựng công trình kiến trúc hơn 850 năm tuổi này vẫn đang diễn ra sau vụ hỏa hoạn gây hư hại nghiêm trọng cách đây 8 tháng.
Theo văn phòng báo chí của ban quản lý Nhà thờ Đức Bà Paris, Thánh lễ vào nửa đêm Giáng sinh vẫn sẽ được Linh mục quản nhiệm Nhà thờ Đức Bà, Patrick Chauvet, tổ chức. Tuy nhiên, địa điểm tổ chức sẽ diễn ra tại nhà thờ Saint-Germain l'Auxerrois cũng ở Paris.
Nhà thờ Đức Bà Paris đã trải qua hơn hai thế kỷ thăng trầm lịch sử, trong đó có Chiến tranh Thế giới thứ II, nhưng vẫn mở cửa đón các tín đồ tới dự Thánh lễ nửa đêm mỗi dịp Giáng sinh. Nhà thờ mang tính biểu tượng quốc gia của Pháp này chỉ buộc phải đóng cửa một lần duy nhất trong thời kỳ Cách mạnh Pháp vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19.
Vụ cháy ở Nhà thờ Đức Bà Paris hôm 15/4 vừa qua kéo dài tới 15 giờ đồng hồ đã làm sập ngọn tháp và thiêu rụi một phần mái của di tích lịch sử này. Hiện nguyên nhân gây cháy chưa được xác định, nhưng truyền thông Pháp dẫn lời lực lượng cứu hỏa cho rằng hỏa hoạn "có thể liên quan tới" dự án tôn tạo trị giá 6,8 triệu USD phần tháp của Nhà thờ với 250 tấn chì.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cam kết phục dựng Nhà thờ Đức Bà trong vòng 5 năm, theo đó Chính phủ Pháp sẽ tổ chức một cuộc thi thiết kế kiến trúc quốc tế để xây dựng lại ngọn tháp của nhà thờ này đã bị hư hại hoàn toàn trong vụ cháy.
Bộ Văn hóa Pháp hồi tháng 10 vừa qua cho biết quỹ đóng góp phục dựng Nhà thờ Đức Bà đã nhận được cam kết 1,1 tỷ USD.
Quà Giáng sinh
Những món quà biểu lộ tình yêu của mọi người với gia đình và bè bạn. Đối với một số người, những món quà Giáng Sinh còn có một ý nghĩa tín ngưỡng sâu sắc. Đó là lễ kỷ niệm ngày sinh của Chúa Jesus, món quà mà Thiên Chúa đã ban tặng cho con người.
Khi Chúa Jesus cất tiếng khóc chào đời tại Bethlehem trong một cái máng cỏ, ba nhà thông thái (hay nhà chiêm tinh, theo truyền thống cũng là ba vị vua) từ phương Đông đã đến để bày tỏ sự thành kính của mình. Họ mang đến ba món quà quý giá, đó là vàng, nhũ hương và mộc dược. Vàng có ý nói Chúa Giêsu là vua, nhũ hương để tuyên xưng Jesus là Thiên Chúa và mộc dược tiên báo cuộc khổ nạn và sự chết của Chúa Jesus để cứu chuộc nhân loại.
Ba vị vua rất giàu có nhưng những người dân nghèo hầu như chẳng có tài sản cũng mang đến bất cứ những gì họ có thể để tỏ lòng thành kính với Chúa Hài đồng. Những người chăn cừu tặng Chúa Jesus hoa quả và những món đồ chơi nhỏ do chính họ tạo ra.
Theo truyền thuyết xưa, Ông già Noel thường cưỡi xe tuần lộc trên trời, đến nhà có cây thông Giáng sinh và leo qua ống khói để đem đến những món quà cho các em nhỏ đang ngủ và thường để quà trong những chiếc bít tất (vớ).
Ý nghĩa của Lễ Noel
Vào đêm 24 tháng 12, tất cả các địa điểm như thánh đường hay mỗi hộ gia đình đều trang trí hang đá với máng cỏ, bên trong có tượng chúa Hài đồng tượng Đức Mẹ Maria. Ở xung quanh đó là những chú lừa, tượng Ba Vua, một số thiên thần, thánh Giuse...
Trước đây, Noel là một ngày lễ kỷ niệm Chúa Jesus ra đời. Nhưng hiện nay, ngoài ý nghĩa theo đạo Thiên Chúa, Noel còn là một ngày lễ lớn của các gia đình, một ngày đặc biệt để tụ tập quây quần mọi người, mọi thế hệ trong gia đình.
Đồng thời, lễ Giáng sinh hay Noel cũng là một thông điệp của hoà bình, đó là Vinh danh Thượng Đế trên cao - Bình an cho người dưới thế, Đây cũng là ngày mọi người có thể dành cho nhau sự cảm thông và sẻ chia chân thành, quan tâm và yêu thương với những người có nhiều thiệt thòi, người bị bỏ rơi, người cô đơn và những người bệnh tật, già yếu…
Noeltừ có gốc từ tiếng Latinh có nghĩa là "sinh". Cũng có ý kiến cho rằng tên gọi Noel xuất phát từ danh hiệu Emmanuel, tiếng Hebrew nghĩa là "Thiên Chúa ở cùng chúng ta", được chép trong sách Phúc âm Matthêu.
Trong tiếng Anh, ngày lễ này được gọi phổ biến là Christmas. Chữ Christ là tước hiệu của Chúa Jesus, còn chữ Mas nghĩa là thánh lễ. Do đó Christmas theo nghĩa chiết tự là "ngày lễ của Đức Kitô". Chữ Christ bắt nguồn và được viết trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là Đấng được xức dầu, mở đầu bằng chữ cái "Χ" nên Christmas còn được viết tắt là Xmas.
Thảo Nhi