Mục sở thị BST Kỳ Linh Kỷ Hợi dát vàng giá gần trăm triệu ở Bát Tràng
(Thethaovanhoa.vn) - Như thông lệ vào mỗi dịp năm mới, Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, làng Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội lại nhộn nhịp sản xuất những sản phẩm gốm con giáp của năm. Năm nay, nổi tiếng nhất là bộ sưu tập Kỳ Linh Kỷ Hợi gồm 3 phiên bản lợn gốm tráng men cao cấp, dát vàng được tạo ra bởi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân Bát Tràng và nghệ nhân làng Kiêu Kỵ.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Hùng, làng Bát Tràng, là một trong những người góp phần tạo nên sản phẩm Kỳ Linh Kỷ Hợi nổi tiếng năm nay. Được chế tác theo phương pháp thủ công truyền thống, những chú lợn Kỳ Linh được tạo nên từ khối óc và bàn tay tài hoa của người thợ. Nguyên liệu chính để làm lợn đất là đất sét trắng, hoa văn trang trí trên mình lợn đất chủ yếu là mây trời và được người thợ vẽ thủ công.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Hùng, Làng gốm Bát Tràng cho biết: Người tạo ra cái cốt phải là người có tài năng khéo léo. Thứ hai là làm khuôn để làm sao làm khuôn ra vẫn được kỳ linh giống như ban đầu điều đó cần người kiến thức làm khuôn. Thứ ba là công đoạn đổ rót tạo nguyên liệu phải khéo léo không lại hỏng. Một ngày chỉ được 1 cụ lợn thôi nhưng không chăm lo vào cũng hỏng. Công đoạn nữa là tỉa các họa tiết cho sắc nét hơn đòi hỏi khéo tay. Rồi làm men vào lò, công đoạn nào cũng cần khéo léo.
Phiên bản lợn gốm anh Hùng làm là phiên bản đặc biệt, màu thổ, có kích thước cao 36cm, dài 46cm, chế tác từ dòng men hoàng kim, dát vàng, được Tập đoàn thủ công mỹ nghệ 1102 định giá 99 triệu đồng. Sản phẩm này đặc biệt bởi chính chất men hoàng kim mà anh Hùng giữ bí mật gia truyền, cùng với bí quyết nung ở nhiệt độ cao đến 1230 độ C.
"Chúng tôi kết hợp với cái cổ xưa để tạo ra sản phẩm men mới là men hoàng kim. Tại sao nói men hk thứ nhất nhìn về màu sắc phải khỏe phải chắc, và khi gõ vào phát ra âm thanh kêu như kim loại… Vào khoảng 12 lần phủ men mới ra được hiệu quả men. Khi nung khi nung ít nhất là 18 tiếng, chế độ ko được gắt gao quá nếu ko sẽ ko có hiệu quả theo ý mình.
Công đoạn dát vàng do thợ tay nghề cao của làng Kiêu Kỵ (Gia Lâm) thực hiện. Điều tạo nên giá trị khác biệt nhất của Kỳ Linh Kỷ Hợi là nằm ở ý nghĩa của nó được gửi gắm qua thông điệp “Tích Phúc Vô Cương” bắt nguồn ý tưởng từ chiếc ấn đền Trần" - nghệ nhân Hùng cho biết.
Theo chị Cù Thị Thu, Phó Quản Lý Trung tâm Triển lãm Trung tâm gốm Bát Tràng: Sản phẩm này trên lưng sản phẩm có dát vàng Tích Phúc Vô Cương. Yếu tố dát vàng không phải là nâng cao sản phẩm lên mà bởi vì yếu tố vàng là kim, gốm là thổ, thổ sinh kim. Lộc sinh lộc trên yếu tố đó.
"Kỳ Linh năm nay mang thông điệp Tích phúc vô cương là muốn nói nếu chúng ta làm nhiều điều tốt chắc chắn có nhiều phúc đức cho đời sau và cho con cháu…Chỉ sản xuất 1 số lượng hạn chế. Phiên bản to chỉ sản xuất 19-20 sản phẩm. Chủ yếu phục vụ công tác đối ngoại và có mục đích thương mại nhưng rất ít. Chủ yếu là sản xuất bản nhỏ với 99 sản phẩm" - theo ông Nguyễn Trung Thành, Chủ tịch tập đoàn thủ công mỹ nghệ 1102.
Bên cạnh phiên bản đặc biệt men hoàng kim dát vàng, bộ sưu tập Kỳ Linh Kỷ Hợi còn phiên bản màu phong thủy theo mệnh của chủ nhân sở hữu và phiên bản tiêu chuẩn kích thước cao 18cm dài 23cm có giá lần lượt là 36 và 12 triệu đồng.
Chú lợn hóa thân biểu tượng linh vật, với hình dáng khoan thai hỷ lạc, mang tâm sức của người thợ tài hoa cùng thông điệp nhân văn hứa hẹn mang lại sự an lành trong dịp đầu năm mới!
Ngân Lượng – Mộng Thìn