Mua sắm ngôi sao rầm rộ ở Trung Quốc: Lợi nhất vẫn là Jorge Mendes
(Thethaovanhoa.vn) - Các đội bóng ở giải VĐQG Trung Quốc China Super League (CSL) đang lao vào một cuộc chạy đua tiền bạc chưa từng thấy trong lịch sử, nhưng mọi chuyện có thể chấm dứt sớm sau khi chính quyền tỏ ý muốn can thiệp.
Từ trường hợp của Axel Witsel
“Đó là một quyết định rất khó khăn vì một bên là một CLB lớn và hàng đầu như Juventus”, Axel Witsel giải thích tuần trước. “Nhưng bên kia là một đề nghị cực kỳ ý nghĩa với gia đình tôi mà tôi không thể từ chối”. Quyết định bất ngờ của tuyển thủ Bỉ chuyển sang chơi cho Tianjin Quanjian (Thiên Tân Quyền Kiện) không gây nhiều chú ý như Oscar hay Carlos Tevez, nhưng với CSL, đó có lẽ là một chữ ký có tầm quan trọng lớn hơn phản ánh sức mạnh của giải đấu.
Đổi lấy việc gia nhập CLB mới thăng hạng này, do Fabio Cannavaro dẫn dắt và đóng ở một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới, tiền vệ 27 tuổi của Liège sẽ nhận mức lương cơ bản 18 triệu euro trong 5 năm tới với các khoản thưởng sẽ giúp thu nhập tổng cộng của anh vượt mức 100 triệu euro. Đáng nói hơn, Wisel đã từ chối một CLB được dự Champions League và là ĐKVĐ Italy.Tuy nhiên, cuộc mua sắm rầm rộ ở Trung Quốc đang đứng trước nguy cơ chựng lại. Thứ Năm vừa rồi, 2 ngày sau khi một bài xã luận đăng trên Nhân dân nhật báo nói các đội bóng cần nghĩ tới việc kiểm soát chi tiêu, một người phát ngôn của Tổng cục thể thao Trung Quốc nói cơ quan này sẽ “quản lý các hợp đồng mua cầu thủ giá cao, và hạn chế hợp lý thu nhập của cầu thủ. Chúng ta phải đặt mục tiêu xây dựng các CLB có truyền thống hàng trăm năm”.
Cameron Wilson, một nhà báo người Scotland đã sống ở Trung Quốc 12 năm, nói: “Bạn có thể hiểu được bóng đá Trung Quốc nếu nhìn vào tổng thể đất nước này. Tất cả mọi thứ ở đó kết nối với nhau: Bóng đá, nền kinh tế, và hệ thống chính trị”. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhiều lần nhấn mạnh mong muốn biến Trung Quốc thành một siêu cường bóng đá ngay từ năm 2015 với một kế hoạch 50 điểm thúc đẩy thể thao ở mọi trình độ.
Tháng 7/2011, Guangzhou Evergrande (Quảng Châu Hằng Đại Đào Bảo), hiện thuộc sở hữu công ty bất động sản lớn thứ hai của Trung Quốc và Tập đoàn Alibaba, mua tiền đạo người Argentina Darío Conca từ CLB Brazil Fluminense với giá kỷ lục 7 triệu bảng, thông qua một tay môi giới bí ẩn, Joseph Lee thuộc hãng Kirin Sports. Sinh ở Hong Kong, Lee chuyển sang Trung Quốc năm 1980 và bắt đầu thiết lập mối quan hệ với các cầu thủ được đào tạo ở Brazil ngay khi CSL ra mắt năm 1994, lúc đó còn có tên là Jia A League. Từ 1998-2005, China Daily ước tính Kirin Soccer đã làm môi giới cho hơn 200 cầu thủ Brazil chuyển sang Trung Quốc.
Lee đã được gọi là Jorge Mendes của Trung Quốc, và là người đầu tiên Chủ tịch Evergrande, Xu Jiayin (Hứa Gia Ấn), nghĩ tới để giúp ông đưa về Conca và HLV VĐTG năm 2006 với ĐT Italy Marcelo Lippi. “Ông ấy là một trong những cầu nối đầu tiên giữa bóng đá Brazil và Trung Quốc”, Pippo Russo, một nhà xã hội học ở Florence từng viết sách về các tay cò cầu thủ, nói hồi tháng 10. Quan hệ của Lee với tay môi giới người Brazil Eduardo Uram là điều giúp đưa 2 tuyển thủ Italy Alessandro Diamanti và Alberto Gilardino tới Trung Quốc năm 2014. Uram là một đồng minh thân cận của Mendes, và Russo tin rằng ông cùng Lee đã hợp tác trong một số thỏa thuận lớn ở Trung Quốc những năm gần đây.Bàn tay của Jorge Mendes
Mendes từ lâu đã là một nhân tố quan trọng ở thị trường Trung Quốc đang nổi, với việc bán 30% hãng GestiFute của ông cho Foyo Culture and Entertainment, công ty con của siêu tập đoàn đầu tư Trung Quốc Fosun International (Phú Tinh Quốc Tế), vào năm 2014. Thuộc sở hữu nhà tài phiệt Guo Guangchang (Quách Quảng Xương), hồi tháng 11, Fosun đã mua lại 17% ngân hàng lớn nhất Bồ Đào Nha, Millennium BCP, và có cổ phần trong nhiều công ty BĐN lớn khác. Mendes là người BĐN và đại diện cho gần như toàn bộ ĐTQG nước này!
Tháng 1 vừa rồi, GestiFute và Foyo công bố việc thắt chặt “quan hệ đối tác chiến lược” trong một buổi lễ ở Thượng Hải và 2 tuần sau, Guangzhou Evergrande công bố chữ ký kỷ lục 42 triệu euro đưa về Jackson Martínez, tiền đạo người Colombia vừa chuyển từ Porto tới Atlético Madrid mới vài tháng trước với giá 35 triệu euro. Người đại diện của Martinez là Luiz Henrique Pompeo, một tay trong của Mendes ở Atletico.
“Ông ấy giờ không còn đơn thuần là người môi giới cầu thủ nữa”, Russo nói. “Mendes đang thiết lập một hệ thống quyền lực kinh tế ở Viễn Đông. Chúng ta đã biết ông ấy là nhân vật then chốt trong vụ Peter Lim mua Valencia, và ông ấy có quan hệ mật thiết ở Trung Quốc thông qua Fosun”.Trong số 16 đội CSL, Guangzhou Evergrande, Hebei China Fortune (Hà Bắc Hoa Hạ Hạnh Phúc), Jiangsu Suning (Giang Tô Tô Ninh), Shanghai Shenhua (Thượng Hải Thân Hoa), Shanghai SIPG (Thượng Hải Thượng Cảng), Shandong Luneng (Sơn Đông Lỗ Năng) và gần đây hơn là các đội ở Thiên Tân, đang chi mạnh tay nhất. Quy định 3+1 giới hạn cầu thủ nước ngoài mùa tới sẽ khiến cuộc đua giành các chữ ký lớn càng thêm khốc liệt trước khi mùa giải bắt đầu vào tháng 3, tất nhiên, trừ khi nhà nước can thiệp.
“Hầu hết các cầu thủ không biết gì nhiều về Trung Quốc, nhưng các tay cò có động cơ rất lớn”, Wilson nói. “Chắc chắn sẽ còn nhiều thương vụ diễn ra trong tháng 1 này. Rất ít cầu thủ có thể từ chối những đề nghị từ Trung Quốc ở thời điểm này và tôi không ngạc nhiên nếu Wayne Rooney cũng sẽ sớm tới đây”.
Quy định 3+1 ở CSL hạn chế số cầu thủ không phải châu Á ở mỗi đội là 3 người đá chính và 1 người dự bị. Hiện ở các CLB CSL có ít nhất 20 cầu thủ Brazil. Một tay cò lớn khác cũng cần nhắc tên vì mối quan hệ với các cầu thủ Brazil là Kia Joorabchian, doanh nhân người Iran đã thu xếp vụ cuyển nhượng đầy tranh cãi đưa Carlos Tevez tới West Ham năm 2006 và có liên hệ với một siêu cò khác, Pini Zahavi người Israel, những nhân vật đứng đằng sau các vụ chuyển nhượng Ramires (25 triệu bảng từ Chelsea) và Alex Teixeira (43 triệu bảng từ Shakhtar Donetsk) tới Jiangsu Suning. Chủ CLB này, Tập đoàn Suning Holdings, đã mua lại cổ phần đa số ở Inter Milan tháng 6 vừa rồi. |
Trần Trọng (Theo Guardian)
Thể thao & Văn hóa