Mưa lũ kèm dông lốc gây nhiều thiệt hại tại các địa phương
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và phóng viên TTXVN tại các địa phương, mưa lũ kèm theo dông, lốc từ ngày 3-6/11 đã gây nhiều thiệt hại tại các địa phương.
Tính đến 8 giờ ngày 6/11, mưa lũ đã làm 1 người dân thôn Bắc Hóa, xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình thiệt mạng do bị nước cuốn trôi sau khi tham gia cứu 1 cháu học sinh bị lũ cuốn; 10 nhà bị hư hỏng, tốc mái (Quảng Trị 7, Lâm Đồng 3); 1,5 ha ngô và 322 cây ăn quả bị thiệt hại (Lâm Đồng); 52 vị trí đường quốc lộ, ngầm tràn bị ngập từ 0,3-1,5m (Quảng Bình); 1 vị trí đường quốc lộ bị sạt lở (Quảng Bình); 1 điểm trường bị hư hỏng (Quảng Trị); 941 hộ/3.454 khẩu bị chia cắt (Quảng Bình). Mưa lớn đã khiến các địa phương phải sơ tán 328 hộ/1.272 khẩu (Quảng Bình 287 hộ/1.124 khẩu, Thừa Thiên - Huế 41 hộ/148 khẩu).
Các chuyên gia Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định, từ sáng 6/11 đến hết ngày 7/11, khu vực từ Quảng Trị đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to cục bộ có mưa rất to với lượng mưa từ 50-100mm, có nơi trên 200mm; cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn trên 100mm/6h. Từ đêm 7/11 mưa lớn có xu hướng giảm dần. Độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét cấp 1.
Mưa lớn và mưa lớn cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc (thông tin cảnh báo khu vực nguy cơ lũ quét, sạt lở đất thời gian thực được cung cấp trực tuyến trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Khí tượng Thủy văn tại địa chỉ: https://luquetsatlo.nchmf.gov.vn và trong bản tin riêng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất).
Để tiếp tục ứng phó với diễn biến mưa lũ những ngày tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Bình Định tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện số 8248/CĐ-BNN-ĐĐ ngày 1/11/2024 và Công văn số 8820/BNN-ĐĐ ngày 31/10/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Bình Định tiếp tục tổ chức rà soát, chủ động sơ tán người dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm "bốn tại chỗ" để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn các hồ chứa nước và hạ du; chủ động vận hành hồ chứa đảm bảo dung tích đón lũ theo quy định; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra; sẵn sàng lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan phát thanh, truyền hình và các cơ quan thông tin đại chúng địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến thời tiết, thiên tai đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động phòng tránh, ứng phó. Các tỉnh, thành phố ven biển chủ động ứng phó với gió mạnh, sóng lớn và mưa dông trên biển.
Các bộ, ngành, địa phương tổ chức trực ban (24/24h), thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai.