Mùa lễ hội 2019: kiên quyết nói không với bạo lực và phản cảm
(Thethaovanhoa.vn) -Lên phương án tổ chức một cách khoa học, hợp lý để giữ an toàn cho các diễn xướng, đồng thời tìm hình thức thay thế cho các tập tục có tính phản cảm – đó là tinh thần của Hội nghị về quản lý lễ hội 2019
Hội nghị triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2019 vừa diễn ra vào chiều nay 18/1, với sự góp mặt của đại diện Bộ VH, TT &DL và nhiều địa phương có lễ hội ‘nóng” như cướp phết, chọi trâu.
Thực tế, theo báo cáo Cục Văn hóa cơ sở, những vấn đề này trong năm 2018 đã có một số chuyển biến thích cực. Điển hình, một số lễ hội có yếu tố bạo lực, không phù hợp với xu thế thời đại như nghi thức chém lợn tại Ném Thượng (Bắc Ninh), cướp hoa tre tại đền Sóc (Hà Nội), cướp phết tại Bàn Giản (Vĩnh Phúc) đã chủ động thay đổi các hình thức tổ chức để giữ an toàn và không gây phản cảm cho du khách.
- Khẩn trương hoàn thiện đề án đổi mới tổ chức lễ hội chọi trâu, cướp phết...
- VIDEO: Tranh cướp hỗn loạn ở hội cướp Phết Hiền Quan
- CHÙM ẢNH: Tranh cướp, ngất xỉu tại lễ hội cướp phết ở Hiền Quan
- 'Biển người' đè lên đầu nhau cướp phết
- Ngất xỉu ở hội cướp phết Hiền Quan
Dù vậy, tình trạng tranh cướp, chen lấn, xô đẩy để cướp lộc tại một số lễ hội vẫn diễn ra như lễ hội làm chay (Long An), lễ hội Đúc Bụt (cướp chiếu) tại Vĩnh Phúc, hội phết Hiền Quan (Phú Thọ)...Chưa kể, những hiện tượng thường thấy tại các mùa lễ hội như đốt vàng mã bừa bãi, thiếu quản lý hàng rong, đặt tiền lẽ tràn lan… vẫn diễn ra ở một số nơi.
Theo bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở, một lý do quan trọng dẫn đến sự thay đổi theo hướng tích cực của các lễ hội năm qua nằm ở những đổi mới trong các nghị định quản lý lễ hội. Cụ thể, với Nghị định 110/2018/NĐ-CP về quản lý và tổ chức lễ hội, Bộ VH,TT&DL đã giao quyền cấp phép tổ chức lễ hội cho UBND các cấp ở địa phương thay vì Sở VH,TT&DL như trước. Điều này giúp cho các địa phương sâu sát hơn với công tác tổ chức ở địa bàn mình quản lý, đồng thời sẵn sàng chịu trách nhiệm ở mức cụ thể hơn.
Tại hội nghị, đại diện các địa phương có những lễ hội “nóng” cũng đã bước đầu trình bày những phương án tổ chức của mình trong Xuân 2019 tới.
Đơn cử, tại hội phết Hiền Quan (Phú Thọ), BTC địa phương sẽ thực hiện hoạt động cướp phết tại khu vực có diện tích 1000m2, được bố trí 4 lớp hàng rào kiên cố, mỗi lớp rào lại có lực lượng an ninh để tránh tình trạng người dân và du khách ào vào khu vực tranh phết. Năm nay, BTC cũng khắt khe hơn trong việc chọn người tham gia tranh phết, sẽ chỉ có 50 người thay vì 100 người như mọi năm – đặc biệt, người tham gia phải là thanh niên xã Hiền Quan.
Với lễ hội Đúc Bụt (cướp chiếu) của tỉnh Vĩnh Phúc, theo yêu cầu của Sở VH, TT&DL tỉnh, việc tổ chức và giữ an ninh phải được chú trọng đặc biệt. Ngoài ra, những chiếc chiếu được sử dụng trong lễ hội sẽ được đặt may đơn giản, dễ rút để tránh việc người dân lao vào tranh giành, giằng co.
Với lễ hội chọi trâu Hải Lựu (Vĩnh Phúc), theo khẳng định của ông Quảng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Vĩnh Phúc, lễ hội này sẽ được thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của ngành quản lý: không bán vé thu tiền vào xem, đồng thời trâu chọi sẽ có đường đi riêng, khán đài được rào chắn cẩn thận để người dân không vào được khu vực chọi.
Cũng tại Hội nghi, Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL Trịnh Thị Thủy đề nghị các địa phương có lễ hội nóng tiếp tục hoàn thiện phương án tổ chức theo hướng đề cao yếu tố truyền thống, không khuyến khích lễ hội có yếu tố phản cảm, bạo lực
Sơn Tùng