Mùa Lễ hội 2017: Vừa mở màn đã tràn lan nạn 'cướp lộc'
(Thethaovanhoa.vn) - Đều đặn diễn ra mọi năm, câu chuyện về nạn xô đẩy, giẫm đạp để “cướp lộc” dường như đang có thể bùng phát ở bất cứ lễ hôị nào trong mùa xuân 2017 này.
- 'Cướp lộc' ở Lễ khai hội chùa Hương là hành động 'điên rồ'
- Cướp lộc ở đền Trần: Tại sao nhiều người không sợ thánh thần?
- Chuyện “cướp lộc”
- Không "cướp ấn" thì "cướp lộc"
Cụ thể, tại đền Gióng Sóc Sơn, ở nghi thức giành giật các giò hoa tre, ngay sau khi lực lượng bảo vệ hô “cướp’ theo tục lệ truyền thống, thì hàng trăm người ùa vào vài mét vuông sân đền Hạ, đền Mẫu để tranh cướp phần “lộc” này. Các clip được ghi lại cho thấy nhiều người dân tỏ ra bơ phờ sau trận chiến cướp lộc, một vài người bị xây xát nhẹ.
Đáng nói, để chuẩn bị đối phó với nạn “cướp lộc” này, hội Gióng Sóc Sơn được huy động tới 218 chiến sĩ công an và 200 thanh niên tình nguyện đi bảo vệ dọc đường rước lễ vật để ngăn chặn người dân “cướp” trước giờ tế lẽ. Sự cẩn thận ấy là không thừa, bởi năm 2015, nhiều người dân tại đây đã chủ động xông vào cướp các giò hoa tre trước giờ hành lễ, còn trong năm 2016 thì xô đẩy nhau tới mức vỡ cả lư hương tại đền Mẫu.
Theo ông Nguyễn Nam Nho, Giám đốc Ban quản lý di tích lịch sử đền Sóc, Phó Trưởng BTC lễ hội, để làm như năm nay, phía tổ chức đã phải nỗ lực rất lớn. “Tôi vẫn đánh giá công tác tổ chức năm nay tốt hơn mọi năm. Lực lượng bảo vệ đã giữ được lễ vật hoàn thành các màn nghi lễ xong mới hạ lễ cướp lộc, chứ không bị cướp ngang chừng như mọi năm” – ông nói. “Còn lại, đã tranh giành không thể tránh được xô đẩy. Trước mắt, du khách không có ai bị thương là tốt rồi”.
Ngược lại, tại chùa Hương trong sáng khai hội 2/2, màn “cướp lộc” diễn ra một cách bất ngờ ngoài dự kiến. Vì lượng người quá đông, thay vì trực tiếp trao những chiếc vòng (đeo tay để lấy may) cho du khách, một nhà sư đã có sáng kiến đứng lên cao và tung những chiếc vòng tay cho khách thập phương. Rất nhanh, biển người tại chùa Hương đã xô vào giành giật, tranh cướp những chiếc vòng này và tạo ra cảnh hỗn loạn trong gần 30 phút đồng hồ.
Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Chí Thanh (trưởng Ban quản lý di tích chùa Hương) cho biết: việc “tung lộc” như vậy là hành động tự phát của phía nhà sư, chứ không hề nằm trong “kịch bản” của lễ hội. Được biết, trong vài năm qua, việc nhà chùa tặng cho một số du khách những chiếc vòng đeo tay vẫn diễn ra, nhưng không theo hình thức “tung lộc” mà thường trao tay nên ít được dư luận chú ý.
Phát lộc tại chùa Hương. Ảnh: zing.vn
“Phía tổ chức lễ hội chùa Hương cần đánh giá xem xét hình thức này nếu thấy không phù hợp với yêu cầu giữ trật tự an ninh” – ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội nhận xét. Được biết, Sở VH &TT Hà Nội cũng đã cử cán bộ tới chùa Hương để xác minh và làm việc về vấn đề này.
Chỉ mới diễn ra ở 2 lễ hôi, câu chuyện về nạn “cướp lộc” vẫn là nỗi lo thường trực của dư luận, khi mà tới đây, những lễ hội khai ấn đền Trần (đêm 14/1 âm lịch), phết Hiền Quan (13/1 âm lịch) hay Gióng Phù Đổng (7/4 âm lịch, có nghi thức cướp chiếu) sẽ lần lượt diễn ra.
Quan trọng hơn, khi mà tâm lý háo hức tranh giành, cướp “lộc” để lấy may vẫn còn ám ảnh khách hành hương, dường như câu chuyện này có thể tái diễn ở bất cứ lễ hội nào, kể cả khi không có nghi thức “cướp lộc”. Điển hình, vài năm qua, khi việc phát các dải ấn tại đền Trần Nam Định đã được thay đổi để tránh lộn xộn, nhiều du khách đã chuyển sang tranh cướp các cành hoa, đồ lễ được đặt tại gian thờ.
Cúc Đường