Múa đương đại Á - Âu 'tràn' xuống phố đi bộ Hà Nội và TP.HCM
(Thethaovanhoa.vn) - Liên hoan múa đương đại Sự gặp gỡ Á - Âu 2017 đã trở lại với nhiều sự thay đổi hấp dẫn. Một trong số đó là một số vở múa sẽ trình diễn ngay tại phố đi bộ vào cuối tuần tại bờ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội và đường Nguyễn Huệ, TP.HCM. Bên cạnh đó, là triển lãm những tác phẩm múa ở dạng tĩnh và động.
- Quán quân 'So You Think You Can Dance' Mỹ dự Liên hoan Múa đương đại tại TP HCM
- Hậu Liên hoan Múa đương đại quốc tế TP.HCM lần 2: Nỗi buồn đã qua…
- Việt Nam chiếm ưu thế trong Liên hoan múa đương đại 2014
- 'Sương sớm' tham gia Liên hoan múa đương đại quốc tế
Diễn ra tại Việt Nam lần thứ 7 ở hai thành phố lớn là Hà Nội (20 - 24/9 tại Nhà hát Tuổi trẻ, L'espace, phố đi bộ Hoàn Kiếm, VCCA) và TP.HCM từ 21/9 - 14/10 sẽ là các đại diện của nghệ thuật múa đương đại đến từ 6 quốc gia: Đức, Pháp, Canada, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha và Việt Nam.
Cho đến nay, khi nhắc đến múa đương đại, khán giả Việt vẫn chưa hết băn khoăn khi đi thưởng thức.
Vì như chia sẻ của một vị khán giả có mặt trong buổi gặp gỡ các nghệ sĩ thì "theo tôi thấy, nếu là văn chương, có thể chỉ cần đọc được chữ là hiểu còn múa đương đại thì rất khó để tiếp cận. Phải chăng, múa đương đại chỉ hướng đến khán giả trẻ?" - vị này phát biểu.
Tất nhiên, với những nghệ sĩ múa đương đại tham gia liên hoan lần này, nghệ thuật múa đương đại chưa khi nào là một khoảng cách với công chúng.
Như nhận định của nghệ sĩ Lê Hải Minh, giảng viên trường Cao đẳng múa Việt Nam thì nghệ thuật múa đương đại là triết lý nhiều tầng ý nghĩa mà ở bất cứ lứa tuổi nào cũng đều có sự cảm nhận khác nhau.
"Với một vở về chủ đề nước, nếu là một khán giả 10 tuổi, sẽ cảm nhận nước là nguồn sống thiết yếu. Một người trẻ tuổi đang thất tình, nhìn thấy nước sẽ nghĩ đến cốc cà phê đắng ngắt. Và nếu là một phụ nữ có tuổi, rất có thể trong mắt họ, nước là cốc sinh tố bơ đem lại sắc đẹp và sức khỏe" - anh phân tích.
Còn qua những chia sẻ của các nghệ sĩ múa đương đại đến từ các nước thì thấy, đến với mỗi kì liên hoan diễn ra tại Việt Nam, họ "khoác" lên mình không chỉ là những vở diễn, những thông điệp mà hơn cả, đó là tạo nên những sợi dây kết nối Đông - Tây về văn hóa và đời sống.
"Vai trò của chúng tôi là đem đến cho các bạn (khán giả Việt Nam) những trải nghiệm từ múa đương đại" - Mr. Laurent Goldring ngắn gọn.
Và năm nay, các chủ đề mà liên hoan múa đương đại hướng đến cũng như cách thức thể hiện, từ chất liệu, hình ảnh, nội dung và cả môi trường trình diễn đều nhất quán quan điểm: tạo nên sự gần gũi với người xem.
Đó là chủ đề về giới tính, thể hiện cấu trúc cơ thể từ những tế bào, năng lượng, chủ đề về sức khỏe, tinh thần của con người.
Đó là chủ đề về đô thị được lấy cảm hứng từ chính Hà Nội: một nơi nắng nóng, khói bụi khiến cho những người phụ nữ phải giấu mình trong khẩu trang, bịt mặt kín mít vào ban ngày, chi đến buổi tối mới dám lộ diện với quần sooc cho đến váy thướt tha.
Hình ảnh này đã gây ấn tượng mạnh với 3 nghệ sỹ Pierre Larauza, Emmanuelle Vincent và Trương Minh Thy - Nguyên trong vở Sự uốn éo của đô thị.
Đó là chủ đề về đường phố với cảm hứng từ những trần nhà, tường hay bến xe bus... trong vở Câu chuyện nhỏ trong một sự kiện dài - tác phẩm được hai nữ nghệ sĩ Tây Ban Nha: Cipriano López và Raquel Madrid xây dựng trên bãi biển Địa Trung Hải và mang tới không gian tại bờ hồ Hoàn Kiếm Hà Nội vào 19h ngày 23/9.
Cũng diễn ra ở khu vực phố đi bộ Hà Nội vào hai khung giờ 10h, 17h ngày 23/9 và phố đi bộ Nguyễn Huệ vào 8h, 17 ngày 27,28/9 là tác phẩm Tape Riot (Thụy Sĩ).
Mở màn cho sự kiện là vở múa Hang ổ (Đức) vào 20h ngày 20/9 tại Nhà hát tuổi trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội. Đây cũng thực sự là một điểm nhấn với khán giả yêu múa.
Hang ổ có tên gọi tựa như một nơi để con người ẩn náu, trú mình trong đó nhưng thực chất, những nghệ sĩ múa đương đại trong vở diễn này lại mong muốn một sự "lột trần" đến trần trụi về con người trong cái "vỏ bọc" ấy một cách nghệ thuật nhất mà người xem có thể thấy.
Như chia sẻ của Isabelle Schad - nghệ sĩ trình diễn đồng thời là một trong hai nghệ sĩ lên ý tưởng cho vở diễn, Hang ổ sẽ thể hiện mối quan hệ giữa cơ thể và không gian thông qua điệu múa với những mảnh vải xếp lớn - những lớp vải tựa như khung cảnh, phông nền, sân khấu và đồng thời là trang phục của vở diễn.
Theo đó, các nghệ sĩ sử dụng chất liệu phẳng là vải mang nhiều đặc tính khác nhau như vải có khả năng xuyên ánh sáng, vải nặng đề biểu hiện hiệu quả nhất cho ý tưởng tác phẩm.
Không chỉ mở rộng sân khấu biểu diễn từ khán phòng ra đến phố cổ, Liên hoan múa đương đại 2017 còn tiếp cận với khán giả đa chiều hơn với ba triển lãm về chủ đề Múa và hình thể ở cả dạng tĩnh và động.
Những hình ảnh chuyển động của múa đương đại được ghi lại qua những khoảnh khắc đẹp từ sự tương tác giữa hình thể và chất liệu biểu diễn, cho thấy động lực sáng tạo trong không gian còn tạo ra những hình thức thị giác mới mẻ, độc đáo không chỉ dành riêng cho nghệ thuật múa mà còn có thể hướng đến hội họa, điêu khắc một cách rất tiệm cận.
Triển lãm ở dạng động
Yến Thảo