Mua bán NFT nghệ thuật - nhìn từ 'Cổng trời'
(Thethaovanhoa.vn) - Cuối tuần qua tại Hội Mỹ thuật TP.HCM đã ra mắt chuyên trang Cổng trời, nơi sẽ thực hiện việc mua bán NFT (non-fungible token) của văn hóa, nghệ thuật, giải trí... Công nghệ NFT mới ra mắt vào tháng 10/2020, nhưng đến nay trên thế giới đã có gần 60 chuyên trang NFT, và Cổng trời là chuyên trang đầu tiên ở Việt Nam.
Hồi giữa tháng 3/2021, nhà đấu giá danh tiếng Christie's đã bán bức tranh ghép kỹ thuật số Everydays: The First 5.000 Days của nghệ sĩ Beeple với giá 69,3 triệu USD. Đây được xem là tác phẩm kỹ thuật số và tác phẩm sáng tạo theo công nghệ độc quyền NFT có giá cao nhất thế giới cho đến nay.
NFT nghệ thuật là gì?
Nói một cách giản dị, NFT sử dụng công nghệ blockchain (khối chuỗi) để tạo ra một chuỗi mật mã cho một hình ảnh tác phẩm nào đó, nhằm định danh phiên bản số duy nhất, không thể hủy bỏ hoặc thay đổi mã của các tác phẩm này. Điều này giúp cho hình ảnh tác phẩm NFT là duy nhất trên mạng, nên có thể mua bán, đổi chác như các tác phẩm độc bản bằng vật lý ở đời thực.
Một NFT đại diện bản quyền độc bản cho bất cứ điều gì có thể lưu trữ trong môi trường kỹ thuật số hoặc liên mạng. Ngoài tranh tượng, hiện nay nhiều nơi đã làm NFT cho cổ vật, nhiếp ảnh, âm nhạc, phim tài liệu, phim ca nhạc, một bài thơ, một dòng viết trên Twitter, tranh 3D, sách điện tử...
Trên chuyên trang Cổng trời, hiện đã có hơn 20 NFT tác phẩm của Lương Lưu Biên, Nguyễn Mạnh Hùng (Hùng Rô), Lê Minh Phong, Nguyễn Công Hoài, Bùi Văn Tuất, Trương Thế Linh, Trần Tuyết Lan, Văn Đình Huy… Điều lý thú là hầu hết các NFT tác phẩm đều đã có người đặt giá mua, ví dụ bức Góc riêng của Lương Lưu Biên đang được đấu với giá 8.950 KAI (tương đương 901 USD), bức Đi tìm miền đất hứa của Lê Minh Phong đang đấu với giá 5.357 KAI (tương đương 539 USD)…
Với chế độ đấu giá trực tuyến, Cổng trời dự kiến sẽ chốt giao dịch vào ngày 15/4 tới đây. Khi đó, họ sẽ thực hiện bước ký tên xác thực điện tử (gọi tắt là mã hóa) giữa các bên, để kết hợp cùng sản phẩm số tạo thành một NFT, thông qua nền tảng do Cổng trời cung cấp. NFT sau khi hình thành sẽ được chuyển giao cho nhà sưu tập và xác thực thêm trên Kardiachain, lúc này sẽ là độc lập hoàn toàn, ngay cả Cổng trời cũng không thể thay đổi, xóa bỏ được nữa.
Mua bán NFT nghệ thuật để làm gì?
Cũng như các chuyên trang NFT trên thế giới, Cổng trời đảm bảo các độc bản kỹ thuật số này tương thích được với nhiều ứng dụng như VRhome, Oculus… giúp người dùng yên tâm xây dựng bộ sưu tập nghệ thuật kỹ thuật số/trí tuệ nhân tạo cho riêng mình. Đồng thời, vẫn đảm bảo được tính xác thực, minh bạch trong chuyển nhượng giữa các nhà sưu tập, mua bán trên khắp thế giới.
Hiện nay, đang có xu hướng xây dựng các căn nhà, các phòng tranh, các bộ sưu tập nghệ thuật trên môi trường kỹ thuật số, thực tế ảo và trí tuệ nhân tạo. Nói nôm na, người sở hữu bức tranh ghép kỹ thuật số Everydays: The First 5.000 Days, nếu muốn treo, thì phải xây dựng một môi trường trên mạng để mà treo nó. Khi đã bán, thì bức tranh này sẽ chuyển qua nơi khác, không còn treo ở chỗ cũ, nên dữ liệu NFT rất khác với các lưu trữ kỹ thuật số trước đây, vốn dễ dàng cóp và dán nhiều bản.
- Gần 500 tác phẩm mỹ thuật trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020
- Festival Mỹ thuật trẻ 2020 trưng bày 91 tác phẩm
Một số liệu để thêm hình dung, tuy NFT mới phát triển từ nền tảng blockchain vào tháng 10/2020, nhưng theo ghi nhận qua nonfungible.com, tính đến ngày 7/3/2021, tổng doanh số bán hàng trên thế giới đã là 384.606.746 USD, trong đó tính riêng 30 ngày gần nhất đã là 182.389.870 USD. Cổng trời mới có hơn 20 NFT tác phẩm tranh và ảnh, với giá khởi điểm rất thấp, chỉ khởi điểm từ vài chục USD đến vài trăm USD, nhưng đến nay đã có tổng doanh số (nếu chốt bán) là hơn 16.000 USD.
Những nhà sáng lập Cổng trời đang hy vọng cộng đồng NFT sẽ sớm hình thành tại Việt Nam, sẽ có thêm nhiều chuyên trang khác xuất hiện, vì tiềm năng về tác giả và tác phẩm là rất lớn, không một đơn vị nào đủ sức làm một mình.
Cổng trời mong muốn các nghệ sĩ Việt Nam sẽ có thêm một nguồn thu nhập mới, trên cơ sở khai thác các giá trị “phi vật thể”, “phi truyền thống” từ chính các tác phẩm “truyền thống” sẵn có của mình. Đồng thời, NFT cũng thêm một kênh quảng bá và lưu trữ có bản quyền ở trên mạng, bên cạnh các bản quyền đã được xác lập ngoài đời thực.
“Dữ liệu NFT rất khác với các lưu trữ kỹ thuật số trước đây, vốn dễ dàng cóp và dán nhiều bản” |
Như Hà