Một tượng đài 'Bất tử với Thăng Long' trên sân khấu cải lương
Tôi đến rạp Kim Mã (Hà Nội) dự chương trình tổng duyệt vở cải lương Bất tử với Thăng Long do NSND Quỳnh Mai, Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam làm đạo diễn.
Vở diễn đã chạm tới trái tim khán giả với bao cảm xúc thiêng liêng về cuộc đời Tổng đốc Hà Nội Nguyễn Tri Phương - người anh hùng hiên ngang trước quân thù và hy sinh lẫm liệt vì đất nước - và trên hết là vời vợi một tình yêu Thăng Long - Hà Nội... Vở diễn sẽ ra mắt tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2022 vào tối nay, 27/9 tại rạp Đại Nam.
1. Bất tử với Thăng Long là câu chuyện về đại thần nhà Nguyễn - Nguyễn Tri Phương - vâng lệnh triều đình ra Hà Nội làm Tổng đốc đã ở tuổi thất thập. Cuộc chia tay cùng hiền thê lưu luyến, xúc động... Ông được người dân Hà Nội vui mừng nghênh đón.
Trong cuộc chiến chống thực dân Pháp, khi thành Hà Nội thất thủ, con trai hy sinh, người vợ tuẫn tiết, bản thân bị trọng thương và bị quân Pháp bắt giữ, hòng lung lạc tinh thần, nhưng ông kiên quyết cự tuyệt hợp tác với chúng và đã hy sinh tại Hà Nội vào ngày 20/12/1873, sau 1 tháng tuyệt thực. Câu nói cuối cùng của vị Tổng đốc Hà thành 73 tuổi đầy khí phách lẫm liệt đã đi vào lịch sử: “Bây giờ nếu ta chỉ gắng lay lắt mà sống, sao bằng thung dung mà chết vì việc nghĩa”.
Từ cuộc đời uy danh, lẫm liệt, được nhân dân tin yêu, tôn kính, hình tượng Tổng đốc Nguyễn Tri Phương đã tỏa sáng trên sân khấu cải lương. Thành công cho vở diễn là sự tâm huyết, đam mê của cả một ê-kíp sáng tạo. Chỉ đạo nghệ thuật là TS-NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam. Đạo diễn NSND Quỳnh Mai (trợ lý đạo diễn: NSƯT Dạ Ngọc Hương) đã dựa trên kịch bản của tác giả Nguyễn Sỹ Chức và phần cải lương do tác giả Nguyễn Đình Tư chuyển thể.
Các thành phần sáng tạo đã làm nên thành công cho vở diễn, gồm: Biên đạo múa - NSƯT Phạm Thanh Nam; âm nhạc: NSND Hoàng Anh Tú; cổ nhạc: NS Phạm Hồng Tiệp; thiết kế mỹ thuật: NSƯT Nguyễn Đạt Tăng; phục trang: NSƯT Tiến Đại; âm thanh - ánh sáng: NSƯT Vũ Tiến Dũng - Dương Việt Hùng...
2. Cả ê-kíp sáng tạo đã phối hợp nhuần nhuyễn trong cách kể chuyện về nhân vật lịch sử nổi tiếng bằng ngôn ngữ của kịch hát dân tộc. Đạo diễn đã tạo nên một phong cách dàn dựng giản dị mà gần gũi. Sự kiện, nhân vật lịch sử được thể hiện bằng nghệ thuật cải lương giàu cảm xúc nhân văn và phát huy hiệu quả nhờ khai thác chất giọng hát cải lương cùng diễn xuất của diễn viên.
Tránh sự rườm rà, cồng kềnh nhiều bục bệ di chuyển, phần thiết kế sân khấu vở diễn tiết giản tinh gọn, giàu tính ẩn dụ, cùng hiệu ứng ánh sáng và hỗ trợ của màn hình LED đã làm nên thành công cho vở diễn. Từ một chiếc ghế của quan Tổng đốc, nhưng xoay ở các vị trí đều thể hiện những biểu tượng thẩm mỹ. Chiếc ghế khi trở thành con thuyền với thông điệp “chở thuyền, lật thuyền cũng là dân”, khi là biểu tượng quần chúng luôn ủng hộ đấng minh quân, khi lại là hồ sen thơm ngát trong đêm trăng lãng mạn khi công chúa Đồng Xuân thao thiết nỗi nhớ Huế...
Dàn diễn viên đoàn truyền thống của Nhà hát Cải lương đã tỏa sáng trong từng vai diễn. Thế mạnh của cải lương và hát hòa quyện cùng âm nhạc cải lương chất chứa bao cảm xúc. Đạo diễn đã phát huy thế mạnh hát và diễn xuất của từng diễn viên. Chính cách khai thác thế mạnh của nghệ thuật truyền thống đã chạm tới trái tim khán giả. Các tuyến nhân vật đẩy kịch tính cho vở diễn lên cao, và cuối cùng điểm nhấn tạo nên hiệu quả thẩm mỹ, khơi gợi cảm xúc của khán giả là cái chết bi hùng, lẫm liệt của Tổng đốc Nguyễn Tri Phương. Dòng lụa trắng được diễn viên tạo hình nhân vật Tổng đốc Nguyễn Tri Phương lôi từ bụng là một điểm nhấn nghệ thuật, thực sự là một sáng tạo của NSND Quỳnh Mai.
Nghệ sĩ Tuấn Thanh vào vai vua Tự Đức. Trước cảnh đất nước rối ren, phút giây nước sôi lửa bỏng, vị vua đã mời các quan đại thần đến thiết triều và quyết định tướng Nguyễn Tri Phương ra Hà Nội nhận trọng trách Tổng đốc Hà thành. Cảnh Nguyễn Tri Phương với hiền thê; cảnh phò mã Nguyễn Lâm hiếu nghĩa tử trận; cảnh người mẹ tuẫn tiết bên con trai, động viên chồng giữ vững khí tiết; cảnh công chúa Đồng Xuân bị giam lỏng, một lòng nhớ quê hương… là những phân cảnh xúc động, chạm đến trái tim công chúng.
3. Đặc biệt, đạo diễn đã “dành đất” cho nghệ sĩ Văn Thuân thỏa sức tung tẩy thể hiện Tổng đốc Nguyễn Tri Phương trong mọi trạng thái và tình huống. Là vị đại thần tiết tháo trung thành tuyệt đối với triều đình nhà Nguyễn, với vua Tự Đức, với nhân dân, ông nhận nhiệm vụ Tổng đốc ở tuổi trên thất thập. Là người chồng, ông tề gia xuất sắc, một lòng tha thiết yêu thương vợ con. Với kẻ thù, ông thể hiện rõ thái độ của một người yêu nước, kiên quyết bất hợp tác với kẻ thù, bất chấp gia đình rơi vào cảnh nguy khốn.
Tổng đốc Nguyễn Tri Phương khảng khái: “Ta đến nơi đây không phải chỉ ngồi trên chiếc ghế này hưởng lợi cho riêng mình mà chỉ muốn cùng với muôn dân gìn giữ và bảo vệ Hà Nội”. Việc làm của Tổng đốc là tận hiến cho Thủ đô yêu dấu: “Người đời sau nhớ ta thì đừng nhớ về một Tổng đốc Hà Thành mà hãy nhớ ta là một người dân bình thường dám sống và chết cho Hà Nội”.
“Chạm vào kịch bản, tôi đã thực sự tâm đắc và xúc động. Tôi muốn từ góc nhìn hôm nay kể lại câu chuyện của một vị đại thần nhà Nguyễn đã một lòng kiên định, chấp nhận hy sinh để một lòng bảo vệ Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Tôi muốn dâng nén tâm nhang lên bậc tiền nhân và làm sáng rõ hình tượng của một vị quan yêu nước…” (Đạo diễn - NSND Quỳnh Mai). |
Nhà văn Lê Thị Bích Hồng