Một thư viện sở hữu lượng sách 'khủng' dài gần bằng 1/3 Việt Nam, thủ thư do nhân vật rất đặc quyền bổ nhiệm
Đây không chỉ là thư viện lớn nhất thế giới mà còn là cơ quan văn hóa liên bang lâu đời nhất của quốc gia này.
Thư viện Quốc hội Mỹ (Library of Congress - LC) được đặt trong 3 tòa nhà trên đồi Capitol ở Washington, DC. Đó là Tòa nhà Thomas Jefferson, James Madison Memorial Building và John Adams Building.
Thư viện chứa hơn 164 triệu mục, từ sách ảnh, ghi âm, bản đồ đến vô số và vô số tài liệu từ khắp nơi trên thế giới. Nó cũng mở cửa cho công chúng tham quan giống như một bảo tàng, với nhiều cuộc triển lãm đáng kinh ngạc được tổ chức bên trong Tòa nhà Thomas Jefferson.
Tòa nhà Thomas Jefferson. Ảnh: LC.
Có gì bên trong Thư viện Quốc hội Mỹ?
Bên trong Tòa nhà Thomas Jefferson của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, những ai lần đầu đặt chân tới đây sẽ bị lóa mắt ngay khi bước qua cánh cửa của tòa nhà.
Kiến trúc Thời đại mạ vàng đã biến nội thất của tòa nhà trở thành một kiệt tác thị giác, một tác phẩm nghệ thuật xứng đáng, chứa đựng lượng kiến thức khổng lồ trong mình.
Bên trong Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ với lối kiến trúc đầy ấn tượng, là điểm đến tham quan của nhiều du khách. Ảnh: IG
Sau khi choáng ngợp với kiến trúc của thư viện, mọi người sẽ tiếp tục ấn tượng với lượng tài liệu đồ sộ mà nơi này đang chứa đựng. Phòng đọc chính của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ trong Tòa nhà Thomas Jefferson - Thư viện lớn nhất thế giới ở Washington, DC.
Không phải tự nhiên mà Thư viện Quốc hội Mỹ là cơ quan văn hóa liên bang lâu đời nhất của đất nước này, đồng thời là thư viện lớn nhất thế giới. Nơi đây được thành lập vào ngày 24/4/1800, khi Tổng thống John Adams, đồng thời cũng là nhà khai quốc Hoa Kỳ, ký một đạo luật quy định việc chuyển cơ quan chính phủ từ Philadelphia đến thủ đô mới là Washington.
Hình ảnh bên trong Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ. Ảnh: IG
Luật cũng cung cấp 5.000 USD "để mua những cuốn sách cần thiết cho việc sử dụng của Quốc hội... và trang bị một khu vực thích hợp để chứa chúng".
Thư viện Quốc hội Mỹ mở cửa miễn phí cho công chúng. Theo nhà sử học John Cole, điều này đã được bắt đầu ngay từ những năm 1830.
Độc giả vào thư viện phải từ 16 tuổi trở lên. Sau khi đăng ký, mỗi người có thể yêu cầu sách từ kho tài liệu của thư viện thông qua danh mục trực tuyến LC bằng số tài khoản cá nhân. Sách sẽ chỉ được lấy ra để sử dụng ngay trong các phòng đọc. Chỉ có thành viên và nhân viên Quốc hội, Tối cao Pháp viện, Thư viện Quốc hội và một số viên chức chính phủ Mỹ mới có quyền mượn sách.
Các bộ sưu tập của Thư viện Quốc hội Mỹ bao gồm hơn 32 triệu cuốn sách được biên mục và các tài liệu in khác bằng 470 ngôn ngữ, hơn 61 triệu bản thảo và sở hữu những bộ sưu tập sách quý hiếm lớn nhất ở Bắc Mỹ.
Điều đặc biệt là kho tàng tri thức vô giá này có thể dài hơn 500km nếu như đem các giá sách trong thư viện xếp liên tiếp với nhau. Lãnh thổ Việt Nam có chiều dài xấp xỉ 1.750 km, kéo dài từ điểm cực Bắc đến điểm cực Nam, theo ghi nhận từ trang Vision & Associates. Như vậy, tổng chiều dài của số sách trong thư viện này đã bằng gần 1/3 tổng chiều dài của Việt Nam.
Một cuốn sách giờ, hay còn gọi là sách tụng kinh hàng ngày, (tiếng Anh: Book of Hours), từ thế kỷ 15. Ảnh: IG
Đáng nói, đây chỉ là lượng sách còn lại sau khi thư viện hứng chịu 2 cơn hỏa hoạn khủng khiếp trong lịch sử vào năm 1814 và 1815. Trong đó, cơn hỏa hoạn đầu tiên đã thiêu rụi gần như tất cả. Sau đó, Tổng thống Mỹ Thomas Jefferson đề nghị bán 6.487 cuốn sách trong thư viện cá nhân của ông cho Quốc hội. Đây là lượng sách khổng lồ mà Jefferson đã dành 50 năm để sưu tầm nhiều loại sách về nhiều chủ đề: triết học, lịch sử, luật, tôn giáo, kiến trúc, toán học…
Còn trong vụ hỏa hoạn thứ hai, khoảng 35.000 cuốn sách đã bị thiêu rụi. May mắn là 2/3 tài liệu của thư viện và 2/3 số tài liệu gốc của Jefferson được chuyển đi. Quốc hội Mỹ đã trích 168.700 USD để mua thay thế những cuốn sách bị mất vào năm 1852 và hạn chế những hoạt động cũng như đối tượng tiếp cận thư viện trong suốt một thời gian dài sau đó.
Hình ảnh bên trong Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ. Ảnh: IG
Lượng sách khổng lồ được quản lý như thế nào?
Với gần 170 triệu tài liệu, nếu chỉ quản lý một cách thủ công thì gần như nhiệm vụ bất khả thi. Do đó, dự án số hóa đầu tiên của thư viện có tên "American Memory", ra mắt vào năm 1990, đến nay chứa 15 triệu tài liệu kỹ thuật số.
Thư viện Quốc hội Mỹ áp dụng phương pháp quản lý hiện đại, chỉ cần 45 giây, sách có thể được đưa tới tay độc giả. Tính trung bình cứ 10 giây lại có một cuốn sách hay một bản tư liệu được đưa tới tòa nhà lớn.
Hình ảnh bên trong Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ. Ảnh: IG
Đặc biệt, thủ thư tại đây do chính Tổng thống Mỹ bổ nhiệm với sự cố vấn và đồng ý của Thượng viện, với nhiệm kỳ 10 năm.
Theo đạo luật đầu tiên về thiết lập cơ cấu Thư viện Quốc hội, quy định Tổng thống Mỹ sẽ bổ nhiệm chức vụ Thủ thư Quốc hội và thành lập một Ủy ban Lưỡng viện về Thư viện nhằm giám sát và thiết lập nội quy cho thư viện, cũng như dành cho tổng thống và phó tổng thống quyền mượn sách.
*Theo LOC; Ảnh: IG
Thư viện nổi Logos Hope và những thông điệp giàu tính nhân văn