'Một thành phố khác' & cơ hội của phim Việt tại LHP Berlin
(Thethaovanhoa.vn) - Một thành phố khác của nhà làm phim trẻ Phạm Ngọc Lân được chọn tranh giải ở hạng mục phim ngắn LHP Berlin đang diễn ra tại Đức (diễn ra từ ngày 11-21/2) là tin vui cho điện ảnh Việt Nam đầu năm 2016.
- 'Nhận diện' các đối thủ của Phạm Ngọc Lân tại LHP Berlin 2016
- Phim 'Hail, Caesar!' của anh em nhà Coen khai mạc LHP Berlin 2016
6 tháng tiền kỳ, 10 ngày quay
Phạm Ngọc Lân tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Hà Nội năm 2009, nhưng sau đó chọn con đường trở thành một nhà làm phim độc lập. Năm 2012, bộ phim tài liệu Chuyện mọi nhà của anh đã dự tranh giải Tiệc phim YxineFF 2012 và tham dự các LHP quốc tế như Visions du Réel (Thụy Sĩ), CPH-DOX (Đan Mạch).
Năm 2013, Phạm Ngọc Lân tham gia khóa học Gặp gỡ mùa thu do đạo diễn Phan Đăng Di cùng các nhà sản xuất, nhà làm phim độc lập khác đứng ra tổ chức hằng năm nhằm đào tạo các nhà làm phim trẻ. Tại đây, Lân đã phát triển kịch bản Một thành phố khác. Đến năm 2015, kịch bản Một thành phố khác là 1 trong số 10 dự án (trong tổng số 300 dự án dự thi) được Ga phim ngắn thuộc Trại sáng tác Berlinale (Đức) chọn. Khi về nước Phạm Ngọc Lân đã tìm cách sản xuất Một thành phố khác.
Phạm Ngọc Lân cho biết ngoài khoản tiền tài trợ từ Quỹ phát triển và trao đổi Văn hóa Đan Mạch - Việt Nam, anh nhận sự hỗ trợ rất lớn về nhân lực, máy móc từ các trung tâm trong nước như Trung tâm Hỗ trợ phát triển Tài năng Điện ảnh và Doclab, chương trình Gặp gỡ mùa thu.
Phim chỉ quay 10 ngày tại 2 địa điểm là Hà Nội và Thác Bản Giốc (Cao Bằng) nhưng mất hơn 6 tháng cho sản xuất tiền kỳ.
Nhà sản xuất phim Ngô Đài Trang cho biết: “Chúng tôi mất rất nhiều thời gian casting vì phim nghệ thuật không dễ tìm diễn viên. Khi tìm đến NSND Minh Châu cũng phải mất nhiều thời gian mới thuyết phục được cô. Ban đầu chúng tôi không định chọn Thùy Anh (diễn viên phim Đập cánh giữa không trung - PV) vì cô ấy trẻ hơn so với tuổi thật của nhân vật, nhưng cô ấy lại có vẻ yếu đuối, mong manh mà nhân vật cần phải có, nên quyết định chọn cô ấy. Ba diễn viên còn lại đều chưa bao giờ đóng phim. Theo yêu cầu của đạo diễn phải tìm những người có công việc tương đồng với công việc của nhân vật để họ dễ hóa thân.
Ngoài ra việc tìm được bối cảnh cũng rất khó khăn. Đơn cử trong phim có cảnh phải lau kính ở các tòa nhà cao tầng, chúng tôi phải nhờ rất nhiều mối quan hệ mới được tòa nhà BIDV ở Trần Quang Khải (Hà Nội) chấp nhận cho mượn, và phải kí rất nhiều giấy tờ mới được quay. Phần lớn các cảnh quay đều diễn ra vào buổi tối vì lúc đó mình mới mượn được bối cảnh, nên thường quay từ 23h đến 7h sáng hôm sau, rất vất vả cho cả đoàn”.
NSND Minh Châu vào vai bà góa trong “Một thành phố khác”
NSND Minh Châu: Phạm Ngọc Lân có tư duy đặc biệt
NSND Minh Châu, cho biết dù bà chưa được xem sản phẩm cuối cùng, nhưng rất ấn tượng với cách làm việc chuyên nghiệp của Phạm Ngọc Lân.
“Lân là người làm việc vô cùng cẩn thận, chuyên nghiệp, và cũng là người có tư duy rất đặc biệt. Cậu ấy đầu tư rất cẩn thận từng bối cảnh, chi tiết, từng khuôn hình. Dù đã gửi kịch bản trước cho tôi, nhưng cậu ấy vẫn tới nhà tôi để trao đổi về kịch bản nhiều lần. Cậu ấy cũng gửi cho tôi diễn giải phân cảnh bằng hình vẽ giúp tôi có thể hình dung trước các cảnh quay. Rất lâu rồi tôi không thấy đạo diễn nào làm điều này nữa. Cậu ấy làm tôi nhớ lại thời làm phim cùng với những đạo diễn chuyên nghiệp như NSND Hải Ninh, NSND Đặng Nhật Minh.
Khi bộ phim đã được LHP Berlin mời, tức là bộ phim thực sự gây chú ý. Tôi nghĩ điện ảnh của mình cần quan tâm nhiều hơn nữa tới những đạo diễn tự do, những nhà làm phim trẻ, hỗ trợ, giúp đỡ họ nhiều hơn”.
Trong hạng mục Phim ngắn của LHP Berlinale 2016, Một thành phố khác sẽ phải cạnh tranh với 24 đối thủ. Giải thưởng dành cho bộ phim chiến thắng hạng mục này trị giá 20.000 Euro.
“Một thành phố khác” là 5 câu chuyện của 5 nhân vật |
Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa