Mọt sách, mọt sử, mọt phim: Giỗ Đức Thánh Trần, từ truyền thống đến chính thống
Trong lịch sử chính thống, thành văn, hoặc trong tâm thức dân gian Việt Nam từ hơn bảy thế kỷ nay, vị anh hùng dân tộc cầm quân đánh thắng giặc Nguyên Mông, Đức Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương đã hiển thánh.
Anh linh của ngài không chỉ khích lệ dân tộc ta mỗi lần phải đứng trước thử thách chống giặc ngoại xâm, mà trong dân gian từ đời này sang đời khác, ngài là hiện thân sức mạnh của thánh nhân diệt trừ ma quỷ, hoặc mọi thế lực xấu xa phương hại đến lợi ích của chúng sinh.
Sức sống ấy được duy trì, trao truyền trong đời sống tín ngưỡng, tâm linh. Đền thờ Đức Thánh Trần được lập ở nhiều nơi, nhưng linh thiêng, được nhiều người biết tới nhiều nhất là ngôi đền và lễ hội Kiếp Bạc trên đất Vạn Yên (tỉnh Hải Dương). Đây cũng là nơi từng diễn ra chiến trận Vạn Kiếp (2/1285) trong thời kháng chiến chống giặc Nguyên Mông.
Người Pháp khi đô hộ nước ta cũng quan tâm đến lịch sử của người bản xứ. Họ, trong đó có những học giả, rất chú trọng quan sát đời sống tinh thần của người Việt Nam. Hành hương đến Kiếp Bạc được coi là một trong những lễ hội thu hút đông dân chúng nhất đến từ nhiều miền của đất nước và có nhiều lễ tiết độc đáo…
Ngay từ đầu thế kỷ XX, các học giả Pháp đã khảo sát, mô tả lại lễ hội này, đặc biệt chú ý đến hiện tượng rất đông những phụ nữ hiếm muộn cùng thân nhân đã hành hương tới để cầu xin Thánh tẩy trừ mọi sự ám muội của các thế lực ma quỷ đã ngắn cản họ quyền được làm mẹ… Những nghi lễ "saman" (nhập đồng) cùng các sinh hoạt nghệ thuật dân gian làm cho không khí lễ hội sôi động cả một vùng, kéo dài nhiều ngày.
Nhưng chính người Pháp cũng không quên nhắc nhở rằng: Vị thánh của lễ hội này, Đức Thánh Trần Hưng Đạo "là một vị tướng An Nam nổi tiếng ở thế kỷ XIII, đã nghiền nát đạo quân Mông Cổ vô địch của Koubilai Khan và phó tướng Ô Mã Nhi (Omar) tại nơi nay là đến thờ Ngài". Họ cũng nhắc đến cả truyền thuyết Phạm Nhan - kẻ đã theo giặc hại dân, theo lối phù thủy - bị Đức Thánh Trần dùng uy lực để diệt tà, cứu dân…
Chính những học giả người phương Tây nhận ra rằng, ở xứ ta, một vị anh hùng dân tộc không chỉ làm những việc quốc gia đại sự, mà uy danh của ngài chính là nguồn lực phù trợ cho đời sống của người dân lành. Đây cũng chính là cách người Việt Nam "nuôi dưỡng" những giá trị lớn lao của người anh hùng trong đời thường, để khi đất nước và dân tộc cần đến, thì tầm vóc của ngài lại vươn cao trong thời đại.
Do vậy, không lấy gì làm ngạc nhiên, ngay sau khi nước ta vừa giành được độc lập thì vào dịp “Tháng Tám Giỗ Cha”, theo tập quán dân gian, truyền thống vẫn không bị đứt đoạn như một tờ báo đương thời mô tả: “Từ năm này sang năm khác, cái sóng người làm ngập đền Kiếp Bạc đã giữ vững cho chúng ta cái kỷ niệm của bậc danh tướng đời Trần, đã luôn luôn bắt chúng ta không được quên cái chiến công oanh liệt trên sông Bạch Đằng.
Năm nay, lần thứ nhất chúng ta được tự do làm Giỗ Đức Trần Hưng Đạo có tính cách quốc gia. Cái quyền yêu nước, cái quyền sùng kính danh nhân Việt Nam chúng ta lấy được lại rồi. [...]. Dựa vào những tầng lớp thanh niên quả cảm, dân tộc Việt Nam lại thắng một lần nữa cũng như các vị anh hùng cứu quốc khi xưa” (báo Dân quốc, số 18 ra ngày 26/9/1945).
Lễ Giỗ Đức Thánh Trần năm Ất Dậu (1945) đã được tổ chức ngay trung tâm Thủ đô của nước Việt Nam vừa độc lập, trên quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội. Hàng ngàn người dân đã đến dự một cách thành kính và nghiêm trang. Thể theo lời kêu gọi của chính quyền mới, không ai mang vàng mã đến cúng, đốt mà chỉ mang theo vật phẩm dâng lễ để sau đó mang đến cứu giúp đồng bào bị đói, trẻ em mồ côi hoặc các đơn vị quân đội mới thành lập còn đang thiếu thốn mọi bề.
- Mọt sách, mọt sử, mọt phim: 'Làm giấy cho người chép thơ'
- Mọt sách, mọt sử, mọt phim: 'Đám tang hoàng đế' cuối cùng
Báo chí mô tả, lễ diễn ra suốt một ngày và số lễ vật thu được có đến 5 tấn nhu yếu phẩm được dùng vào đúng những mục đích thiết thực. Kể từ đó, hình tượng Đức Thánh Trần hóa thân vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bảo vệ nên độc lập dân tộc và suốt mọi chặng đường lịch sử tiếp theo.
QXN