Một ngày dài ghê quả là rất ngắn...
(Thethaovanhoa.vn) – Nhân triển lãm cá nhân lần đầu tiên của nhà giáo - họa sỹ Trần Trung Kỳ khai mạc sáng 27/12, tại Bảo tàng Nam Định, TP. Nam Định, thethaovanhoa.vn xin giới thiệu bài viết của họa sĩ, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân về triển lãm này.
Được quen biết anh hai mươi nhăm năm trước, cũng bấy nhiêu năm trước nữa, Trần Trung Kỳ đã vẽ. Một “ngày dài ghê” (*) quả là rất ngắn, sáng vừa liễu xanh, chiều đã như tuyết trắng.
Họa sĩ Nguyễn Quân bên giường thăm bệnh họa sĩ Trần Trung Kỳ ngày 9/12
Sống ở nơi “sông kia rày đã nên đồng” cả trăm năm rồi mà đằng đẵng bao năm dận giầy da trên hè phố, chắc hẳn người khách thơ Trung Kỳ vẫn nghe tiếng ai gọi đò. Lên cái cầu thang gỗ cót két, có nhẽ còn theo phong cách thời Tú Xương, xem những bức tranh sơn dầu, lụa, khắc gỗ… còn lại của họa sĩ giữa cửa trước nhìn ra toàn biển quảng cáo loẹt lòe và cửa bên rêu phong lọt thỏm một mái đền cổ. Có thể anh đã sống giữa hai thứ trước sau đều khó hiểu đó. Có gì đó rất ân cần, rất nhẫn chịu, rất ngu ngơ trong mọi bức tranh. Có gì đó chỉn chu, gọn gàng, sáng tỏ trong các bố cục.
Nhà giáo họa sĩ Trần Trung Kỳ
Đồng thời cũng có những biến động day dứt và những đột phá tự mình trong thế giới nghệ thuật, những cú tung chưởng “giang tay với thử… xoạc cẳng đo xem” ở giữa những chân trời nghệ thuật ấy thì trời cao hay thấp, đất ngắn hay dài! Bút pháp nghệ thuật của anh thay đổi từng thập niên, những cuộc giang hồ không phiêu lưu lắm từ hiện thực, ấn tượng tới lập thể, biểu hiện và siêu thực không phải để thể nghiệm phá phách mà chỉ như người làm vườn từ bụi cây leo này, luống rau này sang khóm hoa kia mà được cái yên chí, cái niềm vui biết được vườn nhà có những cái gì!
Tác phẩm của họa sĩ Trần Trung Kỳ
Một bức sơn dầu cuối cùng vẽ căn nhà gạch ngõ cũ ở phố cũ, cận cảnh rõ ràng, im ỉm với dòng chữ “Bán Nhà” khiến lòng ta rung động khó nói nên lời. Thân thương và tiếc nuối. Thật vinh dự cho một họa sĩ và một bức tranh nếu “người – ta” thấy thân thương và tiếc nuối với cả người và tranh.
(*): Lẩy thơ Nguyễn Du, Lý Bạch, Tú Xương, Hồ Xuân Hương
Sinh năm 1939, từng tốt nghiệp Cao Đẳng Mỹ thuật Việt Nam chuyên ngành hội họa năm 1975, họa sĩ Nguyễn Trung Kỳ cống hiến cuộc đời cho nghệ thuật và giáo dục nghệ thuật tại Trường Văn hóa Nghệ thuật Hà Nam Ninh trước đây, rồi Nam Định sau này. Với cốt cách khiêm nhường, tâm tính ưa tĩnh lặng, cũng như vùng hoạt động khoanh vào khu vực thành Nam, nên ngoài các thế hệ học trò, và một số ít người bạn, không phải ai cũng đã có dịp được chiêm ngưỡng đầy đủ các tác phẩm mỹ thuật được sáng tác nhiều thời kỳ và đa dạng của ông, từ thập kỷ 1950 cho tới nay. Bởi dù sáng tác thời kỳ nào, chất liệu nào, ngôn ngữ biểu hiện ra sao, các tác phẩm của ông đều toát lên một tình yêu thương và trân trọng quê hương, đất nước, con người rất đằm và giản dị thông qua những hình ảnh hội họa đặc sắc về những con phố cũ thành Nam, chân dung mọi vẻ con người và phong cảnh nông thôn vùng Sơn Nam hạ… Từ năm 1978 đến năm 1984, tác phẩm của ông, và bản thân họa sĩ đã ba lần được cử đi tham dự các triển lãm và trại sáng tác quốc tế tại Đức và Bulgaria, như một nét đại diện của tâm hồn Việt Nam thuần khiết qua hội họa. Ông cũng có tác phẩm được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lưu giữ trong bộ sưu tập của Bảo tàng. Triển lãm cá nhân đầu tiên của ông lần này, tuy không thể trưng bày đầy đủ số tác phẩm trong hơn 40 năm sáng tác, nhưng sẽ là một hành trình với những tác phẩm tiêu biểu trong nhiều thời đoạn khác nhau, nhằm dựng lại một nét chân dung cuộc đời nghệ thuật của một văn nhân họa thành Nam tiêu biểu. Tuy nhiên, nhóm tổ chức triển lãm rất bàng hoàng khi họa sỹ Trần Trung Kỳ đã từ trần vào hồi 16h chiều, ngày thứ Tư, 24/12 tại nhà riêng do bệnh hiểm nghèo, không còn kịp thấy triển lãm cá nhân đầu tiên của mình sẽ khai mạc trong chỉ vài ngày tới. Đây là sự thương tiếc đối với họa sỹ, cũng là sự đau buồn đối với gia đình và chúng tôi, những người tổ chức, khi đã không thực hiện được ý nguyện như mong muốn. |
Nguyễn Quân, SG 10/12/2014