'Một ngày bình thường' của Linh và Thành
(Thethaovanhoa.vn) - Một ngày bình thường đã được ban giám khảo (BGK) Búp sen vàng 2014 trao giải Búp sen vàng cho phim tài liệu xuất sắc nhất. Đêm trước lễ trao giải, tác giả của bộ phim - Nguyễn Duy Linh nói với bạn thân: “Tớ mà được giải chắc là BGK say rượu”.
Một ngày bình thường đặt ra rất nhiều vấn đề, mà ngay cả chính tác giả của nó cũng không thể ngờ tới. Với Linh, về cơ bản, đây là bộ phim về lòng tin, về sự chân thành. Đạo diễn Nguyễn Kim Hải, thành viên BGK Búp sen vàng cho biết: “Bộ phim thú vị ở chỗ ngay từ đầu đã gây sự hoài nghi, không ai tin vào nhân vật chính cả, bản thân tôi cũng tự hỏi không biết đạo diễn có tin vào câu chuyện này không, đến cuối phim mới biết”.
Nhân vật chính của phim là Thành, bạn học của Linh. Trong thời gian học cấp 3, Thành mắc một căn bệnh hiếm gặp, thường xuyên mệt mỏi bất thường và cậu rất hay “bị mệt” vào những hôm kiểm tra bài. Từ gia đình, nhà trường, đến bạn bè, thậm chí cả bác sĩ cũng đều tin Thành đang có vấn đề về tâm lý, dẫn tới trầm cảm. Nhưng Thành kiên quyết không uống những loại thuốc an thần loại nặng do bác sĩ kê đơn, cậu tự lên mạng tìm người mắc những dấu hiệu tương tự mình. Cậu tìm thấy rất nhiều thông tin khoa học về Hội chứng mệt mỏi kinh niên (CFS), và làm theo các bài tập do các bác sĩ nước ngoài hướng dẫn. Dần dần Thành đã hồi phục và có thể trở lại lớp học.
Một ngày bình thường không còn chỉ là của Thành, hay của Linh, mà của cả một thế hệ trẻ với rất nhiều “chơi vơi”, rất nhiều thứ “không bình thường” trong mắt những người khác. Gặp gỡ cuối tuần của Thể thao & Văn hóa Cuối tuần với Nguyễn Duy Linh xoay quanh tất cả những chuyện ấy.
* Linh làm phim này vào cuối năm 2013, thời điểm mà Thành đã hồi phục. Khi bắt tay vào làm bộ phim em có tin vào câu chuyện của Thành không?
- Chưa tin đâu ạ, kể cả cho đến khi bắt đầu làm phim em cũng nửa tin nửa ngờ. Nhiều lúc em cũng hoang mang, xuất phát điểm em muốn mọi người tin vào câu chuyện này, nhưng bản thân em chưa tin hoàn toàn.
* Đến bây giờ những ai tin vào Thành?
- Em thì tin rồi. Nhưng bạn bè thì nhiều người chưa tin đâu. Bố mẹ Thành cũng chỉ nói rằng dù con của họ có mắc bệnh gì, thì hai bác vẫn rất tự hào vì cậu ấy đã vượt qua.
Thời gian quay phim bọn em phải giấu bố mẹ. Em đến nhà Thành thường xuyên và gia đình tưởng em đến chơi thôi. Nhưng vì phim tài liệu cần phải có phỏng vấn nhiều nhân chứng, em đành đến gặp mẹ Thành, nói với bác ấy về việc em muốn làm phim, hỗ trợ bạn ấy làm hồ sơ du học Mỹ. Em mời bác và Thành ra quán, em hỏi đủ thứ chuyện để bác chia sẻ, trong đó có “đá” qua về bệnh tật của Thành. Đúng lúc bác ấy chia sẻ thì máy sinh tố của quán bật lên, nên âm thanh mới tệ như vậy đấy (cười).
* Toàn bộ quá trình tiếp xúc em thấy Thành là người thế nào?
- Thành là một người thông minh, và nói rất nhiều. Hồi cấp 3, mỗi lần bạn ấy phát biểu, giọng thì sang sảng và nói nhiều đến mức không cho ai nói nữa. Cứ mỗi lần như thế cả lớp muốn phát điên. Khi lớp tổ chức đối thoại, Thành có chia sẻ với mọi người về tình trạng của bạn ấy. Có thể do căn bệnh đó khiến bạn ấy không diễn đạt được rõ ràng, không ai hiểu gì cả, khiến ai cũng bực. Thực sự mọi người ở lớp đều rất quan tâm tới Thành.
Có lẽ vì Thành nói nhiều quá nên mọi người không muốn tin câu chuyện của bạn ấy. Lớp em ngồi nói chuyện với nhau thường nói “một thằng điên không bao giờ nhận mình là điên bao giờ”. Nhưng đến khi làm phim thì em mới thấy Thành là một người cực kỳ chủ động, bạn ấy tự tìm tài liệu về bệnh tật của mình, nói tới đâu bạn ấy đưa bằng chứng ra đến đó. Bạn ấy cũng không phải kiểu người gào thét “tao không điên”. Bạn ấy từ tốn lắm, chưa “phát rồ” với ai ở lớp bao giờ. Trong phim Thành nói bác sĩ muốn bạn ấy uống thuốc là cũng chỉ muốn tốt cho mình thôi. Bạn ấy là kiểu người nhân hậu, chân thành thực sự ấy.
* Một số người thân của Thành không muốn xuất hiện trong phim vì sao vậy?
- Liên quan đến chuyện này mọi người ái ngại lắm, vì mọi người tin rằng Thành có vấn đề về thần kinh. Mọi người sợ càng nói nhiều về tình trạng của Thành, bạn ấy xem được càng “hâm” hơn.
* Có thể coi quá trình làm phim là quá trình “cân não” của chính bản thân Linh, giữa Linh và Thành?
- Bản thân câu chuyện đó đã khó tin, vấn đề đưa ra rất rắc rối, liên quan đến khoa học. Em muốn mọi người tin câu chuyện này, nhưng bản thân mình không biết có tin bạn ấy hoàn toàn không. Có một tháng em mệt mỏi lắm, đêm dựng phim nghe tiếng nói của Thành váng hết cả đầu, rồi chưa biết làm cách nào để trình bày bộ phim thật logic cho mọi người hiểu.
Nhưng cũng chính khoảng thời gian ngồi sau máy quay, kiên nhẫn lắng nghe Thành, em hiểu về Thành hơn. Em cũng đã tìm thông tin về căn bệnh của Thành và thấy có những người có dấu hiệu giống hệt Thành.
* Làm phim đầu tay chắc hoang mang lắm?
- Hoang mang tột độ đấy ạ. Có rất nhiều chuyện đã xảy ra ở cấp 3 em không thể ghi hình được nữa. Và không biết nên xây dựng câu chuyện như thế nào. Em tốn rất nhiều thời gian với thầy Bùi Thạc Chuyên, bị thầy vặn lên vặn xuống mới ra được nội dung. Mọi người cũng bảo giá mà ghi được hình Thành ở giai đoạn mệt mỏi thì phim có “sức nặng” hơn.
* Sau bộ phim em thấy nhận thức của mình thay đổi thế nào?
- Em nhận thấy cuộc sống không đơn giản, mình cũng không thể nghĩ đơn giản như trước. Rõ ràng để đánh giá một con người không chỉ thông qua những gì ta nhìn thấy ở họ. Muốn thực sự hiểu một câu chuyện cần nhiều sự kiên nhẫn, và sự quan tâm hơn. Nhìn Thành ai cũng thấy nhà bạn ấy giàu, gia đình hạnh phúc, học trường chuyên, cuộc sống hoàn hảo lắm. Ai ngờ lại có chuyện xảy ra, và khi chuyện xảy ra rất nhiều người đã không tin bạn ấy.
“Một ngày bình thường có 60 - 70% công sức của Thành. Trong lễ trao giải lúc Thành cảm ơn em, em đã rất xúc động. Nhờ bộ phim này em đã hiểu ra sống chân thành là thế nào.
* Cho đến bây giờ em có lo ngại bộ phim tác động đến cảm xúc tình cảm của bạn em không?
- Chắc chắn có tác động rồi. Từ cuối năm ngoái khi xong bộ phim này, lớp em tổng kết khóa làm phim, bạn ấy đến xem, chia sẻ với mọi người rất rạng rỡ, bạn ấy gần gũi mọi người hơn. Bây giờ bạn ấy tự tin, vui vẻ hơn nhiều.
Đến hôm trao giải gia đình Thành mới được xem bộ phim. Bố mẹ bạn ấy đã cảm ơn em. Có hôm đến nhà bạn ăn cơm, bố mẹ bạn ấy bảo rất thương Thành. Bố mẹ bạn ấy không cần biết bạn có bị bệnh thật không hay chỉ là căn bệnh do Thành tưởng tượng ra, nhưng rất tự hào vì đã vượt qua. Căn bệnh đó đến bây giờ vẫn là cái gì đó bí ẩn.
* Kế hoạch của Linh sau khóa học làm phim?
- Em sẽ đi du học bên Đức, sẽ học một ngành nào đó liên quan đến Địa lý vì rất thích Địa lý. Môn này có quá nhiều ứng dụng vào cuộc sống, sao mọi người cứ phủ nhận về nó thế nhỉ. Khi em vào lớp chuyên Địa ai cũng bảo em dở hơi. Có lúc em muốn làm phim về chuyện học hành của em, nhiều rắc rối lắm. Em cũng muốn đi ra ngoài để tự lập, bố mẹ em theo “chủ nghĩa” bảo bọc con cái, 18 năm nay em bị “kìm kẹp” quá rồi. Hồi đi học làm phim bố mẹ em không biết đâu, cứ Chủ nhật đi học thì mẹ lại kêu “cả tuần đi học rồi, Chủ nhật sao không ở nhà”.
* Còn chuyện làm phim rồi sẽ thế nào?
- Em nghĩ đó là một kỹ năng rất cần thiết cho chuyên ngành Địa lý của em. Ngày 11/8 em sẽ lên đường sang Đức. Mấy hôm nay em nằm suy nghĩ đến mất ngủ, nghĩ mình đi du học chẳng khác gì tị nạn giáo dục. Nếu giỏi ở lại đó sẽ thoải mái hơn ở Việt Nam rất nhiều. Nhưng làm sao sống được ở chỗ không có gia đình bạn bè. Em vẫn muốn trở về.
* Người Israel luôn nói với thanh niên: “Hãy đi thật xa, hãy ở lại thật lâu và hãy trở về xây dựng đất nước”, Linh cũng thế nhé. Chúc em mọi điều tốt đẹp.
Nguyễn Duy Linh sinh năm 1995, tốt nghiệp cấp 3 Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Linh từng đoạt giải Ba và giải Nhì môn Địa lý kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia hai năm liên tiếp và tham gia khóa học “Chúng ta làm phim” tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh cuối năm 2013, đoạt Búp sen vàng 2014 cho thể loại phim tài liệu với Một ngày bình thường. |
Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa