'Một nét văn hoá Hà Nội': Văn hoá đọc đang phát triển trở lại
(Thethaovanhoa.vn) - Như tin đã đưa, "phiên chợ sách" với chủ đề "Một nét văn hoá Hà Nội" sẽ diễn ra tại khu vực Hồ Văn (Văn Miếu - Quốc Tử Giám) từ 16-18/4. Đây sẽ là hoạt động thường xuyên nhằm giới thiệu sách tới công chúng, tôn vinh sách và văn hoá đọc.
Để làm rõ hơn nội dung, ý nghĩa của sự kiện văn hoá này, PV báo điện tử Thể thao & Văn hoá có cuộc trò chuyện với ông Hà Huy Chiến – Phó Viện trưởng Viện Việt Nam học, cố vấn của chương trình.
* Thưa ông, có rất nhiều "hội chợ sách" từng được tổ chức trước đây, hiện có cả hình thức hội chợ trực tuyến trong tình hình dịch bệnh Covid-19. Vậy "phiên chợ sách" với chủ đề "Một nét văn hoá Hà Nội" có gì đặc sắc?
- Phiên chợ sách theo kế hoạch sẽ là một sự kiện thường xuyên nhằm tạo thói quen, thông lệ cho độc giả. Theo nghiên cứu tìm hiểu của chúng tôi, từ Đông sang Tây, tại thủ đô các nước trên thế giới như từ Bắc Kinh, tới Moskva, Madrid… đều có các phiên chợ sách... Chính vì thế, chúng tôi đã động viên hai công ty Trường Phương và MaiHa Books tổ chức sự kiện “Một nét văn hoá Hà Nội” với trung tâm là sách.
Thực tế, muốn độc giả thích sách, phải có sự kiện để kéo độc giả đến nơi có sách, chung tay phát triển văn hoá đọc của người Hà Nội nói riêng và văn hóa đọc người Việt nói chung. Vì thế, Trường Phương và MaiHa Books phối hợp tổ chức sự kiện “Một nét văn hoá Hà Nội” không chỉ là không gian trưng bày sách mà còn là không gian tổ chức các sự kiện văn hoá dân gian với phần diễn xướng văn hoá dân gian những chiếu chèo, chiếu xẩm…
Các du khách nhỏ tuổi còn được tham gia các trò chơi dân gian: nặn tò he, ô ăn quan... Sự kiện còn có các không gian sắp đặt mang tính “hoài cổ” với những quán nước chè của thời bao cấp được phục dựng lại. Những món quà vặt Hà Nội như kẹo lạc, bi don don… cũng sẽ những du khách trung niên trở về với tuổi thơ.
Trong khuôn khổ sự kiện “Một nét văn hoá Hà Nội”, các sự kiện sẽ được tổ chức thường xuyên và theo chủ đề.
“Phiên chợ sách” đầu tiên diễn ra từ 16 – 18/4 tới chủ yếu trưng bày các dòng sách quý được làm bằng chất liệu giấy dó, truyền thống. Sau đó, tới tháng 6/2021 là chủ đề về sách thiếu nhi với các bộ sưu tập theo chủ đề này.
* Một "phiên chợ sách" thường xuyên sẽ có phương hướng gì để có thể duy trì lâu dài, thưa ông?
- BTC xây dựng chương trình theo chủ đề. Chương trình đầu tiên chủ đề truyền thống, chúng tôi đã mời công ty duy nhất in được trên chất liệu giấy dó hiện nay là công ty MaiHa Books.
Chương trình thứ hai vào dịp 1/6 với chủ đề về Thiếu nhi. Chúng tôi đã chuẩn bị bộ sưu tập sách thiếu nhi cổ từ thời kỳ Việt Nam có chữ quốc ngữ để tới thiệu tới độc giả. Sau đó đến gần các kỳ thi có thể chương trình sẽ có chủ đề là Thư pháp các vị vua... với ý nghĩa trong lịch sử vua cũng phải luyện chữ...
- Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Kim Hài từng đi guốc mộc trên đường văn
- Ra mắt cuốn sách đầu tiên viết về bóng đá xứ Nghệ
- 'Ly & Chũn - Tết là nhất, nhất là Tết!' của Mèo Mốc: Vượt ranh giới sách giải trí đơn thuần
* Là một nhà sưu tập sách, hoạt động trong lĩnh vực xuất bản lâu năm, ông nghĩ gì về văn hoá đọc hiện nay?
- Tôi nghĩ rằng văn hoá đọc sẽ trường tồn và phát triển hưng thịnh trở lại trong thời gian tới. Làm sách, quan trọng là đưa sách đến với độc giả hay không? Mỗi cuốn có đối tượng, đời sống nhất định làm sao đưa nó tiếp cận tới độc giả tốt nhất.
Văn hoá đọc nói chung hiện đang phát triển trở lại trên toàn thế giới. Công ty Amazon - nơi đầu tiên bán sách trực tuyến - hiện cũng đã mở cửa hàng sách truyền thống. Đó là một tín hiệu đáng mừng.
* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Thảo Linh (thực hiện)